Hành phi bằng mỡ tái chế có thể gây hại đến tính mạng

Thứ năm, ngày 18/08/2011 16:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Hành phi bằng mỡ tái chế có thể gây nguy hại tức thời đến tính mạng con người” – PGS-TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết.
Bình luận 0
img
PGS-TS Trần Đáng

Theo PGS-TS Trần Đáng, nếu nguyên liệu bẩn, quy trình chế biến bẩn, người sản xuất không dùng bảo hộ lao động, không găng tay, khẩu trang, lại không được khám sức khoẻ thì đương nhiên sản xuất ra những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Việc chiên bằng mỡ tái chế, chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ tạo nên các độc tố có hại đến gan, thận, não, có thể gây ngộ độc cấp tính và về lâu dài có thể gây ung thư.

Một xã có 30 hộ sản xuất hành phi nhưng chỉ có 7 hộ được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy chứng nhận VSATTP. Vậy những cơ sở không phép sẽ xử lý thế nào?

- Một cơ sở sản xuất thực phẩm phải đảm bảo 3 yếu tố: Có cơ sở sản xuất sạch sẽ, thoáng khí, có hệ thống thoát nước, xử lý rác thải; có đủ trang thiết bị hợp vệ sinh; người lao động phải được khám sức khoẻ định kỳ và mặc bảo hộ lao động (sử dụng mũ trùm đầu, khẩu trang, găng tay). Nếu không có giấy cấp phép VSATTP là không đủ điều kiện sản xuất.

Xử lý trước tiên của chính quyền địa phương là đóng cửa cơ sở sản xuất. Còn các cơ sở có giấy phép mà vi phạm VSATTP thì tùy lỗi mà phạt tiền từ nặng đến nhẹ. Còn nếu xác định các sản phẩm đó gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khoẻ thì có thể bị truy tố hình sự.

Trách nhiệm của chính quyền thế nào khi để những cơ sở sản xuất vi phạm tồn tại?

- Chỉ thị số 06/2007 của Thủ tướng về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm VSATTP đã quy định rõ trách nhiệm của UBND từ cấp tỉnh đến xã, phường. Nếu như vẫn để các cơ sở sản xuất thực phẩm “bẩn” ở ngoài vòng pháp luật thì trách nhiệm là của chính quyền sở tại Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định nhiều mà không ai thực hiện, hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Đối với sản phẩm hành khô phi “đánh lận con đen” sang “hành tây phi”, không dán nhãn thì có thể kết luận là “hàng giả” và ngành Công Thương, lực lượng chống hàng giả cũng phải vào cuộc.

Theo ông, cần phải làm gì để các cơ sở sản xuất thực hiện đúng luật?

- Chỉ trông đợi vào sự tự giác của người dân thì rất khó. Vì họ cứ thấy lợi là làm. Có thể nói thực phẩm bẩn, làng nghề ô nhiễm thì ảnh hưởng ngay lập tức đến sức khoẻ của chính người sản xuất và người dân địa phương. Vì thế, chính quyền phải vào cuộc quyết liệt, nghiêm khắc.

Cùng với đó, phải giáo dục cho người dân biết kiến thức phổ thông về VSATTP để họ tự giác chấp hành, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất điểm để người dân học hỏi và áp dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem