Nâng cao năng lực y tế cơ sở: Giảm tải, giảm tiền túi

Diệu Linh - Minh Quang Thứ bảy, ngày 05/12/2015 08:10 AM (GMT+7)
Bệnh viện tuyến trên nằm ghép 3, ghép 4, trong khi bệnh viện tuyến huyện lại vắng như “chùa bà Đanh”. Bệnh nhân vượt từ xã lên trung ương chỉ để chữa bệnh viêm họng do tâm lý chưa yên tâm với chất lượng y tế tuyến dưới. Do đó, giảm tải bằng cách nâng cao năng lực khám chữa bệnh của tuyến dưới là biện pháp mà Bộ Y tế đã tích cực thực hiện trong vài năm gần đây, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Bình luận 0

Bài 1: Xóa dần khoảng cách

Trước đây, nhiều trạm y tế xã chỉ có giường không, phòng trống, các y sĩ cũng chỉ có cái ống nghe “làm bạn”. Còn giờ đây, nhiều trạm y tế xã khang trang, đủ thiết bị khám chữa bệnh ban đầu, giúp bà con yên tâm hơn khi khám bệnh ở “tại nhà”.

“Chăm” đi khám bệnh ở xã

Đã 3 năm nay, sức khỏe của bà con xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ, Tp Cần Thơ) đã được cải thiện rõ rệt. Đó là nhờ bà con “thích” đi khám bệnh. Trước đây, nếu đau ốm, bà con phải lên tận Trung tâm Y tế huyện để khám. Đi lại nhiêu khê, mất thời gian, mất việc nên bà con rất ngại đi khám, chỉ khi đau ốm quá nặng mới được người nhà đưa đi. Lúc đó, sức khỏe ốm yếu mà việc điều trị cũng tốn kém.

img

Bệnh nhân lao đang tái khám và nhận thuốc tại trạm y tế xã Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình. Ảnh: Diệu Linh

Nhưng bây giờ, trạm y tế xã đã được trang bị cả máy siêu âm, điện tim, máy đo đường huyết. Lại có bác sĩ trên huyện, trên tỉnh luân phiên về khám sức khỏe cho bà con, chẩn bệnh chính xác, kê đơn thuốc hiệu quả, rẻ tiền. Nhờ đó, bà con bị đau ốm là sẵn sàng tranh thủ ra xã khám, sức khỏe đảm bảo hơn. “Trước thì gia đình tôi rất ngại đi khám bệnh, giờ thì tiện lắm. Nhờ đó mà mọi người cũng có ý thức chăm sóc sức khỏe hơn, ốm là đi khám, được bác sĩ kê đơn mới mua thuốc, chứ không như ngày xưa, toàn tùy tiện mua thuốc, vừa tốn tiền, vừa không khỏi bệnh” – chị Nguyễn Thị Duyên (ấp Thới Hiệp) chia sẻ.

Tương tự, trạm y tế thị trấn Thạnh An (huyện Vĩnh Thạch, Tp Cần Thơ) cũng tự tin đón tiếp 50-70 bệnh nhân mỗi ngày. “Trạm y tế có đầy đủ thiết bị khám bệnh cơ bản như máy siêu âm, điện tim nên bệnh nhân đến khám thấy máy móc cũng yên tâm hơn. Nếu chỉ trơ bác sĩ với cái ống nghe thì e rằng không giống cơ sở y tế lắm. Từ khi được đầu tư thêm trang thiết bị, bà con đến khám đông hơn” – bác sĩ Bùi Văn Đầy – Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Thạnh An cho biết. Nhờ có máy móc, các bác sĩ đã chẩn đoán tốt hơn các trường hợp như sỏi thận, sỏi túi mật, u nang... để điều trị hoặc chuyển tuyến cho bệnh nhân kịp thời.

Theo bà Bùi Thị Lệ Phi  - Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, từ năm 2011, Sở Y tế đã có chủ trương đầu tư mạnh cho y tế cơ sở kể cả về trang thiết bị lẫn nhân lực y tế. Không chỉ dừng lại ở đầu tư của tỉnh, ngành y tế đã kêu gọi nhiều sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân để mua máy siêu âm, điện tim, máy đo đường huyết cho các trạm y tế, ưu tiên những trạm ở xa Trung tâm y tế quận, huyện. Đồng thời, máy đưa về đến đâu thì Sở cũng cử bác sĩ về đến đó để vận hành, sử dụng máy nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bà con.

Người dân ở xã Thành Công (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) cũng “nhiệt tình” khám chữa bệnh tại trạm y tế xã. Hu hi, cảm sốt là người dân lại đi khám, chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu, nhờ đó ít có các ca ốm nặng, điều trị tốn kém. Nhiều năm qua, Sở Y tế Thái Nguyên đã dần dần “máy móc hóa” các trạm y tế. Hiện đã hơn 1 nửa trong số 181 xã có máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, máy do tim thai, kính hiển vi. Nhờ đó, hiệu quả khám chữa bệnh tăng rõ rệt, lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến xã cũng gia tăng, vừa giảm được chi phí chữa bệnh cho người dân, vừa giảm tải tuyến trên một cách tự nhiên.

Đầu tư “trọng điểm”

Theo thống kê của Bộ Y tế, 88% thôn, ấp, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động; 100% số xã, phường, thị trấn (11.161) có cán bộ y tế với 49.627 giường; 78% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc. Với mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã đạt hiệu quả đáng khích lệ, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế.

Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có 60% số trạm y tế xã trên cả nước đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tuyến xã khi xây dựng thành công mô hình 2 trong 1 (kết hợp cả chức năng dự phòng và khám chữa bệnh), nhiều trạm đã đủ điều kiện được BHYT thanh toán. Còn lại 40% trạm chưa đạt chuẩn, phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa.

img

Hướng dẫn người dân điều trị bệnh tại Trạm Y tế xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà (Điện Biên). Ảnh: Dương Ngọc

Tại Hội nghị các giải pháp phát triển và xây dựng y tế cơ sở trong tình hình mới vừa diễn ra gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, đầu tư cho y tế cơ sở là một xu hướng thiết yếu. Hiện nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân càng cao, dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, các tai nạn thương tích trong cuộc sống diễn ra càng nhiều... Nhiệm vụ đặt ra là y tế cơ sở phải là “màng lọc” tốt để giúp dân phòng ngừa dịch bệnh, vừa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tránh để nhân dân phải vượt tuyến cho những bệnh nhẹ. Trong khi đó, mạng lưới y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, kể cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, hơn 70% số bệnh nhân vượt tuyến ở T.Ư có thể điều trị ngay ở tuyến dưới; 81,8% số bệnh nhân vượt tuyến ở tỉnh có thể điều trị ở huyện, xã và 67,9% số bệnh nhân vượt tuyến ở huyện có thể điều trị ở ngay tuyến xã. Thậm chí nhiều người dân chỉ viêm họng, cảm sốt chỉ cần điều trị ở xã nhưng cứ thích vượt thẳng lên T.Ư. Đó là do người dân còn chưa tin tưởng vào y tế cơ sở.

Đầu tư cho trạm y tế xã về cả trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực là chủ trương của Bộ Y tế trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, quan điểm của ngành y tế là không đầu tư dàn hàng ngang, cao bằng mà chỉ tập trung cho một số trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, cách xa các Trung tâm y tế quận, huyện. Điều này tạo điều kiện cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh gần nhất, tránh phải đi lại khó khăn. Đồng thời cũng tránh lãng phí khi đầu tư cho những trạm y tế gần Trung tâm.

Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường đội ngũ bác sĩ về tuyến xã, chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên tích cực chuyển giao kỹ thuật theo các gói dịch vụ để nâng cao trình độ cho cán bộ ở các trạm y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trung bình trong toàn quốc, tỷ lệ khám chữa bệnh tại tuyến xã chiếm 30 - 50% tổng số lượt khám chữa bệnh; khoảng 80% số trạm y tế đã triển khai khám chữa bệnh BHYT và khoảng 20% số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã.

 Còn tiếp: Bài 2: Nâng cấp “xương sống”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem