Nhậu tưng bừng cổ vũ U23, một bệnh nhân nguy kịch vì ngộ độc rượu

Diệu Linh Thứ tư, ngày 07/02/2018 07:15 AM (GMT+7)
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vừa cho biết, khoảng 1 tuần gần đây, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp ngộ độc rượu. Trong đó có bệnh nhân sau khi uống rượu liên tục nhiều ngày khi hăng hái cổ vũ U23 Việt Nam đã phải nhập viện trong tình trạng tụy hỏng, viêm gan
Bình luận 0

Bệnh nhân P. T. T, 46 tuổi ở TP Vinh, Nghệ An, nhập viện ngay sau khi Chung kết U23 Châu Á kết thúc. Người nhà cho biết,ông T. rất ham mê bóng đá. Khi đội tuyển U23 Việt Nam đá giải, ông đã cùng bạn bè vừa uống rượu, vừa reo hò cổ vũ, khi đội tuyển thắng lại đi nhậu nhẹt ăn mừng triền miên. Do vậy, khi giải đấu kết thúc thì ông T cũng phải nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng nên đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Chẩn đoán cho thấy ông T. bị hỏng một phần tụy, viêm gan, gan to. Việc điều trị vô cùng khó khăn.

img

Gần Tết là bệnh nhân ngộ độc rượu lại "cấp tập" nhập viện (Ảnh BSCC)

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, gần Tết là Trung tâm lại chật kín bệnh nhân ngộ độc rượu. Hiện Trung tâm có đến 10 bệnh nhân đang được cấp cứu, không ít trường hợp nguy kịch, mất ý thức. Có rất nhiều bệnh nhân nghiện rượu trong thời gian kéo dài, thậm chí bệnh nặng, gia đình vợ con can ngăn vẫn uống. 

Đó là bệnh nhân T. V. L, 47 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội làm thợ xây tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nhập viện trong tình trạng ngộ độc, nôn nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp, xơ gan, tiền sử đái tháo đường. Sau 17 ngày điều trị (trong đó 5 ngày phải cấp cứu tích cực), bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài. Chị L.T. H vợ của bệnh nhân cho biết, mỗi ngày anh uống khoảng nửa lít rượu vào bữa trưa và tối. Anh uống đã hơn 10 năm rồi. Vợ con can ngăn nhưng anh không nghe, mỗi lần can ngăn lại bị anh chửi, đánh thậm tệ, nên không dám khuyên can nữa.

img

Một ca hôn mê vì rượu tại Trung tâm Chống độc (Ảnh BSCC)

Hay như bệnh nhân T. M. D 56 tuổi (ở Đống Đa, Hà Nội), được đưa vào bệnh viện trong tình trạng viêm gan, ung thư niệu quản. Bệnh nhân có tiền sử chức năng miễn dịch giảm do uống rượu thường xuyên. Vợ của bệnh nhân này, chị L.T.Ng cho biết: chồng chị uống rượu nhiều năm qua, mỗi ngày khoảng nửa lít. Mặc dù đã nhiều lần phải vào viện điều trị vì viêm gan do rượu với tình trạng men gan cao nhưng anh vẫn uống.

Đáng tiếc, không ít bệnh nhân ngộ độc rượu còn rất trẻ. 

Một bệnh nhân nữ 31 tuổi tại Bắc Giang do buồn chuyện tình cảm gia đình nên đã tìm đến rượu và phải nhập viện cấp cứu. Gia đình cho hay, sau khi uống khá nhiều rượu bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt. Khi vào viện các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị, ý thức của bệnh nhân vẫn không được cải thiện.

Bệnh nhân nam sinh năm 1985, nhập viện trong tình trạng mê sảng, nằm trên giường bệnh, gương mặt thất thần, chân tay luôn giật và miệng vẫn không ngừng nói những câu hoàn toàn vô thức. Các bác sĩ cho hay, bệnh nhân  này nhậu nhẹt triền miên từ cuối năm 2017 đến mức hôn mê. Hiện bệnh nhân đang trong tình trạng suy tuỵ đặc biệt là tổn thương gan, men gan rất cao. 

Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh, lạm dụng bia rượu trong thời gian dài sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan. "Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh" - bác sĩ Nguyên nhấn mạnh. 

Vào viện 13 lần vì xuất huyết tiêu hóa vẫn không chừa rượu

Theo bác sĩ Hoàng Nam (Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai), thời điểm trước và sau tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong số chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy…Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 9-13 lần do xuất huyết tiêu hóa. "Rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan, (biểu hiện tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng hôn mê gan. Người dân nên nhớ không có rượu bổ, đã là rượu thì đều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là chức năng gan. Các loại thuốc giải rượu bia chưa được chứng minh có tác dụng rõ rệt nên người uống rượu không nên ỉ lại vào thuốc giải bia rượu mà cho rằng hạn chế được nguy hại. Những người thường xuyên tiếp khách, phải uống rượu bia nên khám sức khoẻ định kỳ, chú ý kiểm tra men gan" - bác sĩ Nam khuyến cáo 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem