Triển khai nhiều giải pháp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tay chân miệng

Thứ sáu, ngày 06/04/2012 09:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 3 tháng đầu năm, cả nước có gần 22.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở 63/63 tỉnh, thành phố. Ngày 5.4, tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị bàn về giảm tử vong do bệnh tay chân miệng.
Bình luận 0

Theo thông tin tại hội nghị, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp với các bác sĩ trong bệnh viện cả nước đã nghiên cứu 153 hồ sơ bệnh nhi tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) trong cả nước năm 2011. Kết quả cho thấy, ¼ số bệnh nhân tử vong là do bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như sốt xuất huyết, viêm phổi, hen suyễn, viêm ruột, sốc nhiễm trùng...

img
Bác sĩ BV Nhi Đồng 2 đang khám cho bệnh nhi bị tay chân miệng.

Còn 1 nguyên nhân khiến trẻ tử vong là do các bác sĩ phân loại độ bệnh TCM chưa chuẩn xác (phân loại độ thấp hơn so với thực tế) nên việc xử lý cấp cứu cũng không đúng cách. 20% số bệnh nhân không được xử lý đúng độ bệnh, 7% bị phù phổi do truyền dịch chống sốc không đúng phác đồ của Bộ Y tế...

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã 3 lần cập nhật phác đồ điều trị bệnh TCM. Theo phác đồ mới, bệnh TCM được chia làm 5 giai đoạn: Độ 1 (trẻ có ban ở tay chân miệng, có loét vùng ban nhưng không sốt - chỉ cần điều trị ở nhà); độ 2 (cần đi viện) trong đó độ 2a (trẻ có dấu hiệu giật mình, sốt từ 390C, nôn ói), độ 2b (giật mình nhiều, run chi, yếu chi, sốt cao, không phản ứng với thuốc hạ nhiệt); độ 3 (khi mạch nhanh trên 170 lần/phút, cao huyết áp, thở nhanh, thở bất thường, hôn mê). Bệnh nhân chuyển sang độ 4 có khi ngừng thở, tím tái, phù phổi, sốc.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Đối với 5 bệnh viện tuyến cuối (Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhiệt đới TP.HCM, Nhiệt đới T.Ư, Nhi T.Ư), vấn đề đặt ra là cần thiết phải thành lập các đơn vị huấn luyện điều trị. Khi huấn luyện cho tuyến dưới, các đơn vị phải chú ý hướng dẫn lọc bệnh tại phòng khám, đây là vấn đề quan trọng hàng đầu. Các bác sĩ cần cập nhật và đọc kỹ phác đồ điều trị, làm tốt phác đồ sẽ giảm tử vong.

Bộ trưởng cũng cho biết, bệnh TCM có mật độ virus cao, không có vaccin, 80% số ca mắc là trẻ dưới 3 tuổi nên khó phòng ngừa, bệnh lại tiến triển nhanh. Vì thế, việc theo dõi tiến triển của bệnh rất quan trọng để kịp thời xử lý. Bộ trưởng yêu cầu một ê kíp trực TCM cần có 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng.

Để đối phó với tình hình các bệnh viện tỉnh thiếu máy thở, thiếu bác sĩ, thiếu điều dưỡng chuyên khoa nhi, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kinh phí để mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là máy thở và thuốc. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện triển khai tích cực các chỉ đạo về điều trị bệnh TCM, quyết tâm đến cuối tháng 9 sẽ giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem