Sông ngòi - Động lực quan trọng phát triển đất nước

Thứ năm, ngày 03/02/2011 10:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được thiên nhiên ban tặng hệ thống sông ngòi dày đặc từ Bắc vào Nam, từ miền ngược xuống miền xuôi, nhờ đó nước ta có nhiều tiềm năng phát triển. Cần làm gì hơn nữa để phát huy những lợi thế đó? NTNN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng.
Bình luận 0
img
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng.

* Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của hệ thống sông ngòi nước ta?

- Việt Nam là 1/10 nước có mật độ sông cao nhất thế giới. Nhiều tuyến sông liên thông tới nhiều nước trong khu vực có khả năng vận tải, tạo thành các trục giao thông hết sức thuận tiện. Hệ thống sông ngòi Việt Nam còn giàu tiềm năng về thủy điện, du lịch, an ninh, quốc phòng và nuôi trồng thủy sản. Chảy qua các trung tâm chính trị, văn hóa, nên hệ thống sông, kênh có vai trò rất quan trọng với an ninh, quốc phòng, du lịch...

* Chúng ta đang khai thác những thế mạnh này như thế nào?

- Nhiều năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ đã và đang được chỉnh trang, độ sâu chạy tàu trên các tuyến vận tải chính được cải thiện. Các doanh nghiệp vận tải thuỷ đã huy động mọi nguồn lực góp phần đưa sản lượng vận tải của toàn ngành 5 năm qua tăng đáng kể.

Về vận tải hàng hoá, vận tải thuỷ đang chiếm khoảng 30% sản lượng vận tải cả nước. Những năm qua, một số doanh nghiệp hàng đầu của ngành vận tải thủy tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động để duy trì nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao như: Tổng Công ty Đường sông miền Nam, Tổng Công ty Vận tải thủy, Hợp tác xã vận tải sông Rạch Gầm - Tiền Giang, Hợp tác xã vận tải thủy Mùa Thu - Nam Định...

Các doanh nghiệp vận tải thuỷ nội địa còn mở rộng loại hình vận chuyển hành khách bằng tàu tốc độ cao, nhất là các tuyến vận tải khách du lịch trên các tuyến Hạ Long - Cát Bà, Hải Phòng - Móng Cái, TP.HCM - Vũng Tàu, Cần Thơ - Cà Mau, Rạch Giá..., thu hút được nhiều khách trong nước và quốc tế.

Loại hình vận chuyển hành khách tham quan di tích, danh thắng, thăm chợ nổi hoặc du lịch thưởng thức nghệ thuật, ẩm thực trên sông, hồ... đang có chiều hướng phát triển mạnh, mở ra triển vọng cho thị trường vận tải thủy thời gian tới.

* Vậy đâu là những khó khăn, bất cập trong việc khai thác tiềm năng của sông ngòi Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

- Sông ngòi nước ta đang đối mặt với không ít khó khăn. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang tác động mạnh đến nguồn nước. Mức độ biến đổi mạnh nhất xảy ra ở Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Cùng với sự nóng lên của khí hậu, sự gia tăng dân số và các hoạt động của con người sẽ ngày càng tác động mạnh đến môi trường tự nhiên. Nguy cơ cạn kiệt trên các con sông càng trầm trọng, nhất là vào mùa cạn ở các khu vực mưa ít.

Nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia quản lý như Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... nên việc phối hợp không đồng bộ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác tiềm năng của sông ngòi Việt Nam. Ngoài ra, việc khai thác tiềm năng thủy điện ở thượng nguồn đã tác động đến biến đổi dòng chảy. Việc khai thác cát, lắp dựng các đăng đáy bắt cá trên sông cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến khai thác tiềm năng vận tải thủy nội địa.

* Để khai thác tốt hơn tiềm năng kinh tế của hệ thống sông ngòi, cần có những giải pháp gì?

- Cần có những giải pháp đồng bộ để hệ thống sông ngòi có thể phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Nhà nước cần tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và bảo trì luồng tuyến huyết mạch.

Có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các cảng đầu mối, cảng chính ở các khu vực quan trọng, đảm bảo hệ thống luồng, cảng đường thuỷ nội địa, phát huy hiệu quả khai thác cao nhất cùng với các phương thức vận tải khác. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các công trình trên tuyến giao thông thuỷ, các cảng khác theo quy hoạch được phê duyệt.

Cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ giữ thị phần khoảng 10-15% để đảm bảo vai trò chủ đạo. Cần đầu tư, đảm bảo cung cấp kịp thời nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng nâng cao cho ngành vận tải đường thuỷ.

Đối với các địa phương chưa có quy hoạch chi tiết, cần sớm xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới đường thuỷ nội địa, cảng, bến của địa phương làm cơ sở để đầu tư theo từng dự án, từng giai đoạn, tránh tình trạng đầu tư không đồng bộ. Chú trọng tổ chức quản lý các tuyến đường thuỷ có lưu lượng vận tải lớn nhằm đảm bảo an toàn chung trên các tuyến đường thuỷ tại địa phương.

• Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo đánh giá bước đầu, vào khoảng năm 2070, với kịch bản nhiệt độ không khí tăng thêm 2,5 - 4,5oC, lượng nước dòng chảy sông ngòi sẽ biến đổi theo mức độ biến đổi của lượng mưa, nếu lượng mưa giảm 10% thì dòng chảy năm có thể giảm 17-53% (đối với kịch bản nhiệt độ không khí tăng 2,5oC) và giảm 26-90% (với kịch bản nhiệt độ không khí tăng 4,5oC).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem