Sòng phẳng với thị trường, không dễ!

Chủ nhật, ngày 18/06/2017 09:00 AM (GMT+7)
Thịt heo bắt đầu xuống nước và về đúng với giá trị thật trong chuỗi tiêu dùng: nông dân – nhà buôn – người tiêu dùng.
Bình luận 0

Điều đầu tiên có thể thấy là thịt heo có giá thấp nhất 25.000 đồng/kg của Vissan áp dụng cho chủng loại heo mảnh ở một số địa điểm trên địa bàn TP.HCM. 1kg thịt heo, chỉ nhỉnh hơn 2 USD, thật ra là chưa ở đâu trên thế giới có mức giá này. Trước đó, công ty An Hạ, công ty TNHH DSF Việt Nam lấy nguồn thịt từ công ty cổ phần chăn nuôi C.P cũng áp dụng bán đồng giá 35.000 – 40.000 đồng/kg. Không chỉ doanh nghiệp, trên khắp vùng quê cả nước, người nông dân cũng đang tự giết mổ từng con heo bán với giá 3kg chỉ với 100.000 đồng.

img

Thịt heo rẻ đắt khách đến mức công ty An Hạ phải phát phiếu cho từng người tới mua thịt.

Mức giá này là để nhằm “giải cứu” con heo thoát khủng hoảng thừa nhưng sâu xa mà nói, người dùng có mua được vài ký thịt giá rẻ thì họ cũng chẳng vui vẻ tí nào, bởi họ biết đây là giá phi thực tế với chi phí mà nông dân bỏ ra. Nói tóm lại là niềm vui người này là nỗi khổ người kia.

Giảm giá là sòng phẳng. Và công ty An Hạ đã là doanh nghiệp tiên phong làm điều đó. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc công ty An Hạ, từng tuyên bố công ty bán thịt 35.000 đồng/kg là bán “đúng giá trị thực” chứ không phải phá giá như nhiều người nghĩ, vì giá heo hơi mua vào từ nông dân chỉ có 25.000 – 27.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí thì vẫn có lãi trung bình 100.000 đồng. Ấy vậy mà, để đưa ra mức giảm giá sâu như vậy không phải điều dễ dàng.Bà Thắm phải trải qua một quyết định đầy khó khăn. Trước khi bán thịt giá thấp, bị coi là phá giá, bà phải tham khảo ý kiến nhiều người, có cả liên hệ với đại diện sở Công thương xin ý kiến, nhưng không liên lạc được.

Sở dĩ bà Thắm phải cẩn thận là bởi bà thừa hiểu, hành động của mình sẽ đụng tới “cái túi” của rất nhiều đối tượng kinh doanh mặt hàng này. Ở thị trường thành phố, theo tính toán thì hiện có tới hàng chục ngàn người kinh doanh thịt heo. Từ bà tiểu thương chợ lẻ, đến các ông lớn cỡ bự, hệ thống siêu thị lớn nhỏ đều đang hưởng lợi rất lớn từ việc mua được giá heo của nông dân thấp, nhưng lại bán cho người dùng giá cao chót vót. Phải nói là thịt heo giá cao bất hợp lý ở TP.HCM và các đô thị lớn, trong thời gian dài được “bao bọc” khá kỹ, ngay cả một số chính sách cũng đang “bảo trợ” cho thịt heo được “neo” giá cao nữa là…

Trước khi công ty An Hạ công bố thông tin bán thịt heo giá thấp, nhiều người cũng lo lắng cho hành động “lấy tay che trời” của bà Thắm sẽ bị làm khó, dễ bị trù dập giống như trường hợp người ta từng đốt sạp heo ở Bình Dương, tạt nhớt ở Hải Phòng. Thật tiếc, điều này đã xảy ra. Bà Thắm kể liên tục nhiều buổi sáng gần đây, xuất hiện một đám đông có già, có trẻ, đàn ông cũng có, phụ nữ cũng có xông vào cửa hàng trên đường Nơ Trang Long gây lộn. Họ sấn sổ, lớn tiếng, chen lấn ở quầy thịt. Phá đám ở quầy tính tiền. Cự cãi nhân viên giữ xe. Doạ đánh đập nhân viên bán hàng… Cửa hàng liên tục bị quấy nhiễu nhiều ngay, chỉ đến lúc bà cảnh báo sẽ kêu công an và gắn bốn camera theo dõi thì các đối tượng mới để yên cho công ty bán hàng.

Tại sao chỉ một hành động bán thịt heo “đúng giá trị thực” để sòng phẳng với thị trường lại khó đến như vậy? Trong khi chương trình giải cứu con heo đã được Chính phủ, bộ Nông nghiệp phát động nhiều tháng qua. Cần sự chung tay của cả xã hội. Đã có rất nhiều địa phương ra tay bán thịt heo giá thấp hòng kích thích tiêu dùng, giúp nông dân. TP.HCM, tuy là đầu mối tiêu thụ lớn nhất nước, ngay từ đầu cũng có một số doanh nghiệp hưởng ứng chương trình bằng cách giết mổ cấp đông thịt heo, nhưng chưa có sức lan toả nhiều. Chính vì vậy, việc vẫn “neo” mức giá bán lẻ cao nhất nước, ở cả chợ lẽ lẫn mặt hàng bình ổn thì rõ ràng, hệ thống doanh nghiệp, giới tiểu thương ở thành phố đã chưa sòng phẳng với thị trường. Trong bối cảnh này, một doanh nghiệp tư nhân nhỏ xíu như An Hạ tiên phong đứng ra làm cái việc mà lẽ ra những Vissan, Satra, Sagri, Co.opmart… phải ra tay từ lâu, lại bị chén ép, phá phách, bị xem là “chống lại”, bán phá giá...

Giảm giá thịt heo là để sòng phẳng với thị trường, với người tiêu dùng, với người sản xuất chứ không phải bị ép buộc mới giảm. Doanh nghiệp cũng chẳng cần phải lấy lý do giảm giá vì chương trình này, chương trình nọ mà ở đây, rõ ràng là giá đầu vào (heo hơi) đã giảm 50 – 60% so với trước, nên chuyện giảm giá bán lẻ là phù hợp và thị trường có quyền được hưởng mức giảm đó. Nếu doanh nghiệp, tiểu thương vẫn neo giá cao, có thể ngày hôm nay lợi nhuận của họ tăng thêm được chút đỉnh, nhưng về lâu dài, cái họ mất sẽ nhiều hơn. Đó là lòng tin của thị trường, của người tiêu dùng, của nông dân. Nông dân thua lỗ, không đầu tư tái đàn, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu thì chính họ cũng trở thành đối tượng cần giải cứu.

Bảo Anh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem