Bệnh vảy nến - đau cả thể xác và tâm hồn

Thứ hai, ngày 05/11/2012 14:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người lở loét, tróc da, mất móng, tay chân co quắp... nhiều bệnh nhân bị bệnh vảy nến đã phải đối mặt với sự kỳ thị, chia ly, mất mát.
Bình luận 0

Vảy nến tưởng... giang mai

Bắt đầu chỉ là những vết lở loét trên đầu, chị Mai Thị Lan (37 tuổi, trú tại Xuân Trường, Nam Định) tưởng mình bị nấm tóc nên tìm các lá cây đắng về gội. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các vết lở nhanh chóng lan ra toàn đầu, chị phải đội mũ để che. Tới lúc các vết lở lan xuống tay thì chị không giấu được gia đình và hàng xóm nữa. Các mảng da đỏ ửng, đóng vảy trắng, sau đó bong ra tạo thành các sẹo đỏ ửng. Có khi, các chỗ đó còn rướm máu.

img
Một ca khám bệnh vảy nến tại Bệnh viện Da liễu T.Ư.

Móng tay của chị cũng trở nên sần sùi, gãy lởm chởm. Thi thoảng chị còn phát sốt. Chồng chị đã mang chị ra tra khảo xem chị đã “bị thằng nào đổ bệnh giang mai”, bố mẹ chồng mắng chị lăng loàn, mất nết, các con không cho chị chạm vào người. Hàng xóm, họ hàng đều xa lánh, miệt thị chị.

Đến khi đi khám, biết mình bị bệnh vảy nến, không lây, chị Lan mừng đến phát khóc vì có thể tìm lại gia đình. Tuy nhiên, gia đình chỉ “chấp nhận” là chị không bồ bịch, nhưng vẫn sợ hãi chị. Họ không cho chị nấu ăn hay chung đụng các vật dụng trong gia đình. Chồng chị ngang nhiên dọn đến nhà một cô gái lỡ thì để chung sống và nói thẳng với chị: “Người ngợm như cô, tôi cho ở nhờ là phúc rồi”.

Tương tự chị Lan, anh Lê Xuân Dũng (42 tuổi, Nghệ An) cũng bị vảy nến từ 10 năm nay. Toàn thân anh bị tróc lở da, ngứa ngáy, đau đớn. Vợ anh đã không thể chịu nổi, bế con bỏ nhà đi biệt tích. Anh đang làm nhân viên giới thiệu sản phẩm điện gia dụng nhưng công ty cũng “vận động” anh thôi việc vì “làm khách hàng sợ”. Sau khi thôi việc, anh không thể xin được việc khác với bộ mặt đỏ ửng, sần sùi và đôi tay lở loét. Hiện anh chỉ lầm lũi với bộ đồ nghề vá xe ven đường.

Ông Trần Hồng Trường – Chủ tịch Chi hội Vảy nến Việt Nam cho biết, do các dấu hiệu lâm sàng rất xấu xí, kinh dị nên nhiều người còn bị nhầm lẫn sang các bệnh lây nhiễm khác như phong, giang mai, HIV… Ngoài ra, 42% số bệnh nhân có thể bị biến chứng viêm khớp vảy nến, dẫn đến co cứng các khớp, mất sức lao động. Nhiều bệnh nhân khác còn có thể bị mắc các rối loạn chuyển hóa, tim mạch.

Càng đau khổ, bệnh càng nặng

TS Trần Văn Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết, đến nay trên toàn thế giới, căn nguyên của bệnh vảy nến chưa xác định rõ ràng, có thể bẩm sinh nhưng cũng có thể “tự nhiên” khởi phát. Tuy nhiên, có một số gây “xúc tác” khiến bệnh nặng thêm như môi trường làm việc (tiếp xúc với khói bụi, các chất kiềm), chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh như rượu bia, thuốc lá… Đặc biệt, yếu tố tinh thần có ý nghĩa “quyết định” đối với việc bệnh nặng hay giảm bớt.

“Các bệnh nhân gặp các sang trấn tinh thần như căng thẳng, đau buồn, mất mát sẽ khiến cho bệnh vảy nến bùng phát. Vì thế, việc bị xa lánh, hắt hủi, bỏ rơi khiến người bệnh càng bị bệnh nặng hơn” – TS Tiến cho biết.

“Bệnh nhân không nên tự chữa ở các cơ sở khám chữa bệnh không được cấp phép hoặc quảng cáo chữa khỏi vảy nến khiến cho tiền mất, tật mang”

Còn ông Trần Hữu Thăng – Phó Chủ tịch Tổng hội Y dược học Việt Nam cũng cho biết, do bị xa lánh, mất việc, nghèo đói, người bị bệnh vảy nến suy sụp tinh thần, ốm yếu thể xác. Tuy bệnh vảy nến không lây, không gây chết người, nhưng người bệnh lại có thể chết vì “tinh thần tuyệt vọng, dạ dày trống rỗng” – ông Thăng nhấn mạnh.

Hiện nay, khoảng 3% dân số Việt Nam phải chung sống với bệnh vảy nến. Ông Trường nhấn mạnh, nếu được điều trị, sau đó duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giữ tinh thần sảng khoái, vui vẻ, tự tin thì người bệnh có thể chung sống với nó một cách “êm đẹp”, bệnh sẽ bị đẩy lùi với các triệu chứng nhẹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem