Cách phòng chống bệnh mùa nắng nóng

Thứ sáu, ngày 04/05/2012 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nắng nóng tới 39-40 độ C là điều kiện gây bùng phát bệnh dịch như viêm đường hô hấp, cảm cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết. Các chuyên gia y tế cho rằng, những bệnh này phòng dễ hơn chữa.
Bình luận 0

Cân bằng thân nhiệt

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, mùa hè có 2 yếu tố bất lợi cho cơ thể, đó là nhiệt độ cao, độ ẩm lớn khiến cơ thể bị “quá tải”, không chịu đựng được sinh ra bệnh nhiệt và thấp như đau xương khớp, sốt, dị ứng, nổi mề đay, mụn nhọt, mẩn ngứa, rôm sảy.

Độ ẩm cao cũng tạo môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển, làm bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, thương hàn, sốt xuất huyết. Nhiệt độ lớn khiến cho những người lao động ngoài trời dễ bị cảm nắng, say nắng hoặc nhiệt độ cơ thể lên cao gây trụy tim mạch, suy tim, hôn mê.

img
Quá tải tại phòng khám theo yêu cầu của BV Nhi T.Ư.

Vì vậy, theo lương y Vũ Quốc Trung, mọi người, đặc biệt là trẻ em và người già không nên ra đường vào giờ nắng nóng cao điểm, bổ sung nước đầy đủ, ăn nhiều trái cây, rau có tác dụng thanh nhiệt như nước chanh, cam, rau đay, mùng tơi, mướp đắng, lá dấp cá, rau má, nước dừa.

Hạn chế các món ăn xào, rán mà nên luộc hoặc nấu canh, ăn nhiều cua, cá. Mặc quần áo vải bông thoáng rộng. Nên tắm khi đã ráo mồ hôi, sau khi tắm cũng không nên ra gió hay vào phòng có điều hòa ngay. Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng-lạnh đột ngột, không nằm ngủ nơi nhiều gió.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi- BV Bạch Mai cũng nhấn mạnh: Trời nắng nóng, các bậc cha mẹ hạn chế cho con ra đường, đồng thời điều chỉnh nhiệt độ điều hòa vừa đủ mát, không lạnh quá, không uống nước lạnh, ăn kem khiến trẻ dễ mắc đường hô hấp. Trời nóng, thức ăn dễ ôi thiu, dễ bị mất an toàn thực phẩm, nên cha mẹ cũng hạn chế cho con ăn các loại thực phẩm bán rong, không đảm bảo.

Không nên vội vàng vượt tuyến

Đó là lời khuyên của tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng trước thực trạng bệnh mùa nóng đơn giản như bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp… các bậc cha mẹ cũng cho con vượt tuyến lên T.Ư điều trị. “Có đến 60% bệnh nhi đội nắng nóng “vượt tuyến” về Bạch Mai khám các bệnh cơ bản mà bệnh viện tuyến dưới có thể chữa trị được”- tiến sĩ Dũng cho biết.

“Nước gạo rang cho thêm chút đường và muối có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt, bà con khi ra đồng nên mang theo bên mình”.

Chị Đỗ Hồng Mai (TP.Vinh, Nghệ An) đưa con lên khoa Nhi, BV Bạch Mai khám từ chiều 2.5. Đứa con đi đường xa, lại đang bệnh nên mệt lả, nằm bẹp trong lòng mẹ. Chị Mai cho biết con chị bị ho kéo dài.

Chị đã đưa con lên khám ở Bệnh viện Nhi Nghệ An, các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phế quản, cho thuốc nhưng uống mãi không khỏi. Chị đưa con lên BV Bạch Mai khám cho chắc ăn.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng chẩn đoán cháu bị viêm phế quản và kê thuốc gần giống như ở “viện nhà”. “Em cứ sợ con em bị bệnh gì lạ mà tuyến dưới không chữa được. Biết thế này, em để con ở nhà. Đường xa nắng nóng, chuyển xe lên xuống, con em mệt và ho nặng hơn” – chị Mai chia sẻ.

Lý giải về việc không ít cha mẹ cho con chuyển tuyến chỉ vì những bệnh đơn giản, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Nghệ An cho biết: Tại BV Nhi Nghệ An có nhiều trường hợp cha mẹ đưa con đến khám tuần trước, tuần sau lại đến khám vì con ho, sốt nặng hơn.

Hỏi kỹ mới biết, đơn thuốc kê 5 ngày nhưng cho con uống được 2 ngày, mẹ thấy con hết ho liền dừng thuốc. Hoặc có trường hợp kê đơn 1 ngày 2 viên thì mẹ cho uống 3-4 viên để “khỏi nhanh”.

Có khi con bị viêm phế quản nhưng bố mẹ vẫn cho con nằm điều hòa lạnh, con sốt nhưng bố mẹ lại bôi dầu gió, ủ con vào chăn kín vì sợ con “bị cảm gió” khiến con phát ban nổi mẩn khắp người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem