Cứu sống bé 14 tháng bị ngưng thở do hóc thạch

Thứ năm, ngày 18/10/2012 14:53 PM (GMT+7)
Đang nhai miếng thạch thì bỗng dưng cháu Nghĩa bị ho sặc sụa. Bà nội của bé vội vàng dốc người cháu xuống và vỗ vào lưng nhưng miếng thạch không bắn ra mà tím tái toàn thân, ngưng thở.
Bình luận 0
img
Cháu Nghĩa đã ổn định sức khỏe sau nhiều giờ được bác sỹ tích cực cấp cứu.

Sáng 17.10, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết vừa cứu sống một trường hợp bị hóc thạch rau câu.

Bệnh nhi là bé Lương Hữu Nghĩa, 14 tháng tuổi ở đường Hùng Vương - Ngô Quyền - (Bắc Giang).

Trao đổi với phóng viên, anh Lương Tiến Giang - bố của cháu Nghĩa kể lại, bình thường gia đình vẫn cho cháu ăn thạch rau câu. Sáng 4.10, cháu Nghĩa được bà nội đưa sang nhà hàng xóm chơi, tại đây cháu Nghĩa được con của người hàng xóm cho ăn thạch rau câu. Đang nhai miếng thạch thì bỗng dưng cháu Nghĩa bị ho sặc sụa. Bà nội của bé vội vàng dốc người cháu xuống và vỗ vào lưng nhưng miếng thạch không bắn ra mà tím tái toàn thân, ngưng thở. Lập tức, gia đình đưa cháu vào BVĐK tỉnh Bắc Giang cấp cứu.

PGS.TS Dũng cho biết, tại BVĐK Bắc Giang, cháu bé đã nhanh chóng được bác sỹ cấp cứu, đặt ống nội khí quản, hút và truyền dịch nhưng cháu vẫn rơi vào hôn mê, tính mạng hết sức nguy kịch nên được chuyển thẳng đến BV Tai Mũi Họng TƯ. Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành nội soi và gắp viên thạch trong đường thở ra nhưng cháu Nghĩa vẫn ngưng thở, khắp người tím đen.

Vào 17h30 cùng ngày, cháu Nghĩa đã được chuyển sang Khoa Nhi - BV Bạch Mai. Thời điểm này độ bão hòa oxy máu chỉ có 30-40% (người bình thường là 95%, dưới 92% đã rất nguy kịch phải thở máy). Tại đây, các bác sĩ phải bóp ống thở ngoài lồng ngực. Sau 15 phút tim cháu đập trở lại, BS Dũng chỉ đạo các bác sĩ tại khoa không được cố gắng hút dị vật mà chỉ đặt ống thở, tranh thủ hút rồi cho thở máy ngay.

Bởi hóc thạch rất khó gắp hết được dị vật ra khỏi đường thở vì thạch trơn, dễ nát ra thành các viên nhỏ. Nếu cứ cố gắng hút hết dị vật trẻ sẽ bị thiếu oxy trầm trọng, có nguy cơ tử vong. Do đó, với trường hợp này phải luân chuyển liên tục giữa xông cung cấp oxy và hút dị vật. Phải mất gần 2 ngày các bác sỹ khoa Nhi mới hút được hết dị vật trong đường thở của bé Nghĩa.

img
BS Dũng đang xem phim chụp của cháu Nghĩa

Theo PGS.TS Dũng, đối với các trường hợp hóc dị vật khác như hóc hạt lạc, hạt đỗ, sặc cháo… các bác sĩ chỉ cần nội soi và gắp dị vật, hút dễ dàng và ít khi bị chèn vào khí quản. Tuy nhiên, với những ca hóc thạch thì khả năng cứu sống là rất khó vì viên thạch vào khí quản sẽ bị bít đường thở và rất khó để chọc hút dị vật.

Hầu hết các trường hợp trẻ bị hóc thạch là tử vong. Đây là trường hợp trẻ hóc dị vật là thạch đầu tiên được cứu sống tại bệnh viện. "Dù cháu bé bị ngưng thở lâu nhưng nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy não không bị ảnh hưởng, lớn lên cháu bé vẫn phát triển bình thường.

Hiện tại sức khoẻ của cháu Nghĩa đã ổn định, dự kiến trong 1-2 ngày tới là cháu có thể xuất viện" - PGS.TS Dũng cho biết.

Theo GĐ&XH

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem