Dân vẫn chủ quan với bệnh dại

Thứ ba, ngày 27/05/2014 06:26 AM (GMT+7)
22 người đã chết vì bệnh dại từ đầu năm tới nay, có tỉnh gần 2.000 người bị chó nghi dại cắn… Bệnh dữ như vậy nhưng người dân vẫn không đưa chó mèo đi tiêm phòng, người bị chó dại cắn cũng không đi tiêm...
Bình luận 0
Chết oan vì nghe lời thầy lang

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận nhiều ca bệnh bị lên cơn dại do chó cắn. Các ca bệnh đều tử vong vì không có cách nào cứu chữa. Đáng lưu ý, không ít ca sau khi bị chó cắn, không đi tiêm phòng mà đi chữa ở thầy lang, thậm chí ông lang chỉ thử vết cắn và phán không phải chó dại cắn nên người nhà đã bỏ qua tiêm phòng.

Tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả phòng bệnh dại.
Tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả phòng bệnh dại.

Bệnh nhân gần đây nhất là em N.H.H (12 tuổi, trú tại Kiến Xương, Thái Bình) được đưa vào viện trong tình trạng vật vã, kích thích, khó thở. Người nhà cho biết, trước đó gần 1 tháng, em H bị chó cắn vào bắp chân. Do lo sợ nếu tiêm phòng sẽ hại đến sức khỏe nên cha mẹ em đã đưa em đến “thử bệnh” ở một thầy lang gần nhà.

Ông này đã dùng một loại lá chà vào vết cắn, sau đó phán là “chó khỏe, không phải tiêm” và tư vấn gia đình yên tâm đưa con về. Tuy nhiên, 20 ngày sau, H lên cơn khó thở, vật vã, sợ gió, sợ nước, gia đình mới vội vã đưa con đi viện thì các bác sĩ cũng bó tay.

“Điều khủng khiếp nhất của bệnh nhân lên cơn dại là họ sợ gió, sợ nước nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, ý thức được việc mình sẽ chết. Cả bác sĩ, gia đình đều bất lực nhìn đứa trẻ vật vã mà không thể làm gì được” – bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho biết.

Theo ông Nguyễn Công Huấn – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, mới đây trên địa bàn tỉnh có 1 ca tử vong do bệnh dại rất đáng tiếc là một em bé 1 tuổi người dân tộc Dao, chỉ vì gia đình tin thầy lang hơn tin cán bộ y tế. Sau khi được tin cháu bé bị chó cắn, trạm trưởng trạm y tế xã và cô giáo đã đến tận nhà vận động gia đình cho con đi tiêm phòng.

Tuy nhiên, gia đình muốn đưa con về Hà Nội. Cán bộ y tế tưởng gia đình đưa con về Hà Nội để tiêm phòng cho tốt hơn, nào ngờ cháu bé được đưa đi khám ở thầy lang. Đến khi cháu về nhà ít lâu thì phát bệnh dại và tử vong.

Chật vật vận động

TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, năm 2013, cả nước có hơn 300.000 người bị chó dại tấn công, trong đó 99 người tử vong. Có 30-50% số người sau khi bị chó dại cắn không tiêm vaccine. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước có 22 người tử vong do bệnh dại, trong đó riêng 2 tuần vừa qua có tới 5 ca tử vong. Ngoài ra, cả nước có hàng chục ngàn ca bị chó nghi dại tấn công.

“Mùa bệnh dại thường bắt đầu từ tháng 3 đến tận tháng 10, do đó, dự báo trong thời gian tới nguy cơ bùng phát bệnh dại rất lớn. Điều đáng buồn là cán bộ y tế, bác sĩ thú y liên tục tuyên truyền cho người dân đi tiêm phòng dại cho chó, mèo hoặc người bị chó cắn nên đi tiêm vaccine phòng bệnh, nhưng người dân vẫn chủ quan hoặc tiếc tiền không đi tiêm”- ông Phu chia sẻ.

"Khi bị chó cắn, người dân cần nhốt chó để theo dõi trong vòng 10 ngày. Nếu chó lên cơn dại thì cần phải đưa người bị chó cắn đi tiêm phòng. Thông thường, thời gian ủ bệnh dại ở người là từ 2-3 tuần sau khi bị cắn, nhưng cũng có người ủ bệnh cả 1 năm mới lên cơn dại. Khi đã lên cơn dại thì không có cách nào cứu sống”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Trên thực tế, việc vận động người dân nuôi chó, mèo trên địa bàn đi tiêm vô cùng khó khăn. Bác sĩ Cù Thị Bích Hạnh – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ) thông tin, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 1.761 trường hợp bị chó cắn phải đi tiêm phòng.

Chi phí cho mỗi ca tiêm phòng từ 1 triệu đồng (tiêm 5 mũi vaccine) đến 1,5 triệu đồng (cả huyết thanh).

“Trong khi đó, tiêm phòng cho 1 con chó chỉ hết 16.000 đồng. Mà 1 con chó lên cơn dại có thể cắn và lây bệnh cho nhiều con chó hoặc nhiều người một lúc. Chi phí sẽ rất lớn” – bà Hạnh cho biết.

Ông Huấn cũng cho hay, địa bàn tỉnh Lai Châu rất phức tạp, người dân tộc sống rải rác ở nhiều đồi núi xa xôi, nên việc quản lý người còn khó, nói gì đến quản lý chó, mèo, trong khi mỗi gia đình đều nuôi 4-5 con chó, thả rông.

“Tôi đã từng đề xuất các gia đình nuôi chó phải nhốt nhưng cũng không thể thực thi. Do đó, việc chó cắn người vẫn xảy ra thường xuyên”- ông Huấn chia sẻ.

Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem