Đau thắt ngực trên 20 phút: Gọi cấp cứu ngay!

Thứ hai, ngày 15/08/2011 12:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều chuyên gia y tế nổi tiếng của thế giới và Việt Nam đã cảnh báo: Chủ quan với những cơn đau thắt ngực, nhiều người chưa kịp đến bệnh viện đã tử vong. Đó là hội chứng động mạch vành cấp.
Bình luận 0

Theo nhận định của các chuyên gia đến từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, bệnh động mạch vành là căn nguyên gây tử vong số một trong các bệnh lý tim mạch. Tại Việt Nam, bệnh này đang gia tăng mạnh. Theo thống kê, trong số các bệnh nhân bị bệnh tim mạch, tỷ lệ bệnh mạch vành tăng nhanh, năm 1991 là 3%, năm 1996 là 6,03%, năm 1999 tăng lên 9,5%.

Bác sĩ Cao Đình Hưng- Bộ môn nội Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhận định, theo đà phát triển kinh tế và lối sống của cộng đồng thì dự báo số người tử vong sẽ là 100.000 người vào năm 2020.

img
Nhiều người mắc bệnh mạch vành được cấp cứu tại BV Chợ Rẫy TP.HCM.

Một nghiên cứu tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho 106 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng là đau thắt ngực ổn định và có kết quả chụp mạch vành cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa lên đến trên 65%. Trong đó, bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 70% (85% nữ). Thành phần hay gặp nhất trong hội chứng chuyển hóa là tăng huyết áp (gần 90%).

Theo các chuyên gia, người bị hội chứng động mạch vành cấp có đến 50% tử vong trước khi tới bệnh viện, tử vong trong bệnh viện là 3% và tử vong sau 6 tháng là 12-13%. Khi các động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa và bị vỡ ra sẽ gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành các cục huyết khối gây tắc nghẽn. Động mạch vành bị tắc sẽ gây ra tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim...

Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân khi bị đau thắt ngực thường chủ quan không đi khám. Thông tin từ Hội Nội khoa cho biết, 50% trường hợp mắc bệnh hội chứng động mạch vành tử vong trước khi tới bệnh viện.Vì thế, khi có triệu chứng đầu tiên là đau thắt ngực lúc nghỉ kéo dài trên 20 phút (80% trường hợp), nên gọi cấp cứu để đến bệnh viện ngay!

Cách phòng bệnh: Tập thể dục, ăn nhạt…

PGS - TS Nguyễn Quang Tuấn, Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, bệnh này xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn (thường là do các mảng xơ vữa).

Thông thường, cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi động mạch vành bị hẹp trên 50% khẩu kính của lòng mạch. Khi hoạt động thể lực, cơ thể cần nhiều ôxy hơn nên cơ tim phải làm việc nhiều hơn như: Tăng co bóp, huyết áp tăng... do đó nhu cầu ôxy của cơ tim cũng tăng lên. Nếu một nhánh động mạch vành bị hẹp, sự cung cấp máu cho vùng cơ tim tương ứng trở nên không đầy đủ. Cơ tim bị thiếu máu và thiếu ôxy gây cơn đau thắt ngực.

img Các phương pháp điều trị động mạch vành hiện nay chủ yếu bằng nội khoa, ngoại khoa, tim mạch can thiệp. img

PGS - TS Nguyễn Quang Tuấn

Cơn đau thắt ngực này thường xảy ra khi bệnh nhân gắng sức và giảm đi khi bệnh nhân được nghỉ ngơi, nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực ổn định. Nếu các mảng xơ vữa trong động mạch vành bị nứt, vỡ ra thì cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định.

Theo PGS - TS Nguyễn Quang Tuấn, các phương pháp điều trị động mạch vành hiện nay chủ yếu bằng nội khoa, ngoại khoa, tim mạch can thiệp. Cho dù người bệnh đã được điều trị bằng phương pháp ngoại khoa hay tim mạch can thiệp thì việc sử dụng tiếp các thuốc là hết sức cần thiết để duy trì kết quả của các thủ thuật này.

Bên cạnh đó cần phải thay đổi lối sống như: Không hút thuốc lá; thường xuyên tập thể dục, đặc biệt là đi bộ; tránh căng thẳng quá mức; ăn nhạt, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật, hạn chế ăn trứng, sữa, đồ ngọt; không uống quá nhiều rượu, bia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem