Đêm giao thừa vắng Táo Quân...

Thanh Hà Thứ bảy, ngày 25/01/2020 00:36 AM (GMT+7)
“Táo Quân là sân chơi đã 16 năm chúng tôi gắn bó, nên khi không còn Táo Quân và được chung vui với khán giả màn ảnh nhỏ vào đêm giao thừa hàng năm, tôi cũng cảm thấy buồn” - NSND Tự Long tâm sự với phóng viên về chương trình Táo Quân nói riêng và các chương trình hài xuân nói chung.
Bình luận 0

Năm nay chương trình Táo Quân không sản xuất mà thay vào đó là một phiên bản khác. Đến giờ này, anh đã hết “sốc” với việc không còn được thể hiện vai táo trong Táo Quân phát sóng trên VTV đêm giao thừa?

- Táo Quân đã trở thành thương hiệu quen thuộc với mọi người nên không chỉ tôi, các diễn viên khác mà có lẽ rất nhiều khán giả màn ảnh nhỏ khó có thể chấp nhận được thiếu Táo Quân. Nhưng xét cho cùng, đó đơn thuần là chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, họ dừng và thay thế bằng một chương trình khác cũng là điều bình thường. Có điều, Táo Quân là sân chơi mà đã 16 năm qua chúng tôi gắn bó, được khán giả yêu thích và đón đợi, nên bản thân tôi cũng cảm thấy buồn khi chương trình dừng thực hiện. Bởi Táo Quân là ngôi nhà chung của tất cả mọi người, mọi người hay nói Táo Quân là một nét văn hóa của Tết, không có Táo Quân là thiếu vắng không khí tết.

img

NSND Tự Long (phải) và các nghệ sĩ diễn xuất trong một chương trình Táo Quân.  Ảnh: T.L

"Bản thân tôi cũng cảm thấy buồn khi chương trình dừng thực hiện. Bởi Táo Quân là ngôi nhà chung của tất cả mọi người, mọi người hay nói Táo Quân là một nét văn hóa của tết, không có Táo Quân là thiếu vắng không khí tết”.

NSND Tự Long

Nhưng cũng có nhiều khán giả xem Táo với góc nhìn và quan điểm khác cho rằng, vì Táo Quân hay bóc mẽ, hay nói người này người khác, nghề này nghề kia nên chịu nhiều sức ép và phải dừng, anh có nghĩ vậy?

- Thực ra không hẳn như vậy. Theo tôi chương trình Táo Quân giống như giặt áo, có những vết dầu loang ở đằng trước thì ta có thể nhìn thấy và giặt sạch, nhưng cũng có những vết mực sau lưng ta không nhìn thấy mà phải để người khác nhìn và chỉ ta mới biết. Giống như sản phẩm của nghệ thuật, cái tốt thì mình phát huy, cái xấu thì sửa chữa, còn đừng đổ cho Táo Quân tiếng ác là móc máy, soi mói hay bóc mẽ một ai đó, một ngành nghề nào đó.

Táo Quân nhắc lại những sự kiện đã xảy ra trong xã hội, và chương trình không năm nào giống năm nào. Đó là một sản phẩm nghệ thuật để khi xem khán giả thích thú và cười sảng khoái, sau khi xem xong khán giả ngẫm nghĩ và những điều mình chưa làm được thì khắc phục, cái nào mình đã làm được thì làm tốt hơn.

Tôi nghĩ, thực chất cốt lõi của một tiểu phẩm hài là mỉa mai và trào phúng, ngay như hài trong chèo sẽ thấy đó là sự châm biếm, mỉa mai những thói hư tật xấu, để từ đó bản thân khán giả xem và rút kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống được tốt hơn.

Anh vừa nhắc tới làm hài nghệ thuật đích thực, nhưng vài năm trở lại đây, có những sản phẩm hài tết khiến khán giả thất vọng, thậm chí là bức xúc bởi những hình ảnh khoe thân, cảnh nóng, ngôn từ dung tục… Là người trong nghề, anh cảm thấy thế nào?

- Tôi nghĩ điều này thuộc về thẩm quyền của cơ quan quản lý, mà cơ quan quản lý bây giờ có vẻ như khó quản lý các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm hài đăng trên YouTube. Trước đây để ra một sản phẩm phải trải qua rất nhiều khâu, từ kiểm duyệt về mặt nội dung, hình thức. Sẽ có một hội đồng kiểm duyệt, sau khi kiểm duyệt xong mới được cấp phép. Còn bây giờ khâu kiểm duyệt đó không thực sự còn là một công cụ hữu hiệu để đảm bảo một sản phẩm đạt nghệ thuật rồi mới được phát trên YouTube.

Dường như việc kiểm duyệt bị xem nhẹ, không đưa ra tiêu chí cụ thể, rõ ràng như thế nào, sản phẩm ra sao mới đủ để được đăng tải trên YouTube.

Một sản phẩm có thể được làm sơ sài bằng điện thoại hay cóp nhặt từ tiểu phẩm hài chính thống nào đó, tất cả đều dễ dàng đăng tải trên Youtube và ai thích thì xem, không thì thôi, vô thưởng vô phạt. Khiến cho các sản phẩm được phát trên YouTube tràn lan, vàng thau lẫn lộn.

Anh có e ngại về tình trạng loạn các sản phẩm trên YouTube sẽ gây ảnh hưởng tới các chương trình chính thống và các nghệ sĩ?

- Tôi có lo lắng hay e ngại thì cũng không giải quyết được vấn đề. Câu chuyện ở đây là cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý.

Nói gì thì nói, mỗi tiểu phẩm hài được đăng lên YouTube đều phải mang tính nghệ thuật nên những người nghệ sĩ như chúng tôi mong muốn có cơ quan quản lý kiểm định để không đánh lận con đen giữa hài chính thống và không chính thống.

Có như thế những nghệ sĩ chính thống mới không bị ảnh hưởng. Giống như gameshow giải trí xuất hiện quá nhiều trên các kênh truyền hình khiến cho sân khấu, các loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương, chèo, kịch nói, hát xẩm, ca trù… bị ảnh hưởng.

Xin cảm NSND Tự Long!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem