Điều độ ăn – chơi, sống tĩnh tâm

Thứ năm, ngày 30/01/2014 06:24 AM (GMT+7)
Tết luôn rực rỡ sắc màu: Màu món ăn, đồ chơi, trang phục,… và lung linh sắc màu tâm linh, tinh thần. Mọi người háo hức chuẩn bị Tết, ăn Tết, chúc Tết và chơi Tết.
Bình luận 0
Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán bao gồm: Tết Táo Quân (23 tháng Chạp âm lịch), Tất niên hay Giao thừa (29 hoặc 30 tháng Chạp âm lịch) và Tết Khai hạ (từ mùng 3 đến khoảng mùng 10 Tết để cúng, hóa vàng cho tổ tiên, thổ địa, hương hồn vãng lai).

Lễ nghi của mỗi dịp Tết trên lại tạo ra sắc màu phong phú khác nhau thể hiện rõ nhất qua mâm ngũ quả, mâm cỗ ngày Tết và cách “chơi” Tết. Chơi Tết là sự chuẩn bị vừa ngắn hạn, vừa dài hạn và kỳ công hơn so với ăn Tết, từ nhà cửa, nội thất, quần áo, cây cảnh,… sao cho mới, đẹp và bắt mắt thể hiện hiểu biết và tính cách của gia chủ.

img
Con người trưởng thành nhờ cả sinh và khắc, giống như mẹ dạy nuôi tốt thì con ngoan khỏe; con hư tại mẹ cần có ông khắc cháu, dạy mẹ? Biết vận dụng âm dương, ngũ hành thì mọi sự suôn sẻ.

Mâm ngũ quả, với màu sắc đa dạng, hình dáng độc đáo cùng những ý nghĩa sâu xa, làm cho mấy ngày Tết cổ truyền của mỗi gia đình thêm phần sinh động và thiêng liêng hơn. Ngũ quả thể hiện năm hành: Mộc (cây, gỗ) – Hỏa (lửa) – Thổ (đất, tro) – Kim (sắt, kim loại) – Thủy (nước), được cho là cấu thành nên vũ trụ trong quan niệm của Phương Đông. Chúng lần lượt tương ứng chua, đắng, ngọt, cay, mặn; xanh, lục, đỏ, vàng, trắng-da cam, đen-xanh lam.

Ngũ quả thường dùng là trái cây đúng mùa, mỗi quả mỗi màu sao cho hài hòa, đẹp mắt. Mỗi loại quả từ lúc xanh đến chín có dải màu rộng từ xanh đến vàng, đỏ… đậm nhạt khác nhau. Hoa còn có màu sắc phong phú hơn nữa. Riêng hoa hồng không chỉ có màu đỏ truyền thống mà còn có cả màu trắng, vàng, xanh, tím.

Thử xem cách phối màu bánh chưng truyền thống thế nào? Bọc ngoài cùng là lá xanh buộc lạt tre trắng, nếp trắng, màu vàng của đậu xanh bóc vỏ và trung tâm là màu hồng đỏ chủ đạo của thịt. Vì màu trắng là màu tinh khiết, có thể bị nhiễm, bị nhuộm bởi bất cứ màu gì cho nên khi bóc bánh mới thấy da bánh màu xanh, cắt ra miếng mới thấy màu của nếp trắng, đậu vàng và thịt đỏ rắc tiêu đen. Cổ truyền mà đủ cả ngũ sắc, không hóa chất bảo quản, không phụ gia nhân tạo. Cha ông gói triết lý vào miếng bánh tinh tế làm sao!

Các món ăn cổ truyền luôn có sức hấp dẫn. Nhưng trong thực tế, công nghệ đang xâm nhập vào cuộc sống ngày càng mạnh mẽ, thực phẩm sặc sỡ hơn nhờ chất tạo màu, bảo quản lâu hơn nhờ phụ gia, hương liệu. Vì vậy, nếu thấy sặc sỡ hơn, nồng nặc hơn, dài hạn hơn bất thường hãy cảnh giác vì can thiệp thô bạo của phụ gia nhân tạo, công nghệ bất chính.

Đành rằng, nhờ khoa học công nghệ mà nhân loại thoát khỏi đói nghèo, lãng phí, dịch bệnh, nhưng sự lạm dụng quá lắm cũng sinh biến. Tương thừa, tương vũ theo ngũ hành sinh khắc trong công nghệ nuôi trồng và chế biến thực phẩm đang là hệ lụy. Đó là vấn đề làm người tiêu dùng ngày càng hoang mang và là nguy cơ làm đau đầu các chính phủ trong kiểm soát an toàn thực phẩm. Nhưng người tiêu dùng là Thượng đế có quyền lựa chọn cơ mà? Làm sao để đủ cảm đảm từ chối, tẩy chay những thứ bất thường, trái tự nhiên và những “thương hiệu bẩn”? Người xưa nói “cửu bệnh thành lương y”, nghĩa là mắc chín bệnh thì tự thuộc về y lý, thuốc chữa… Nhưng không nhất thiết phải đau ốm mới tỉnh ngộ.

Theo thuyết “Ngũ hành sinh khắc” thì ở trạng thái quân bình, sự tương sinh theo vòng tròn, thứ tự là Mộc – Hỏa – Thổ - Kim – Thủy. Hành đứng trước là mẹ, sinh hành đứng sau là con, thí dụ: Kim sinh Thủy, Hỏa sinh Thổ. Còn sự tương khắc thì theo chiều thuận cách một hành, chẳng hạn: Kim khắc Mộc, Thủy khắc Hỏa,… Nói cách khác, có thể ví là ông khắc cháu. Theo thế, mâm ngũ quả và nội thất, đồ đạc, cây cảnh trong nhà sẽ lấy màu chủ đạo là màu tương sinh và tránh nhiều màu tương khắc với bản mệnh gia chủ.

Tuy nhiên, lẽ đời tham thì thâm, thế nên ngoài Ngũ hành sinh khắc còn có thêm nguyên lý về tương thừa, tương vũ. Tương thừa là mối quan hệ tương khắc thuận bị thừa, tức là khi hành ông quá thịnh khắc mạnh hơn với hành cháu bị suy, ví như: Thủy mạnh làm tắt Hỏa yếu. Còn Tương vũ là khi mối quan hệ tương khắc theo chiều ngược lại cách một hành, tức là hành cháu mạnh hơn hẳn hành ông, có nghĩa: cháu Hỏa thịnh sẽ át ông Thủy hay lửa mạnh làm nước bốc hơi.

Do đó, cách ăn, chơi phải hài hòa, đừng thái quá. Con người trưởng thành nhờ cả sinh và khắc, giống như mẹ dạy nuôi tốt thì con ngoan khỏe; con hư tại mẹ cần có ông khắc cháu, dạy mẹ? Biết vận dụng âm dương, ngũ hành thì mọi sự suôn sẻ. Con người chịu tác động qua lại với môi trường và thiên nhiên, trong đó có thực phẩm. Biết cách hòa hợp, tránh cái khắc, tận dụng cái sinh thì sống khỏe, có ích!

Sau Tết là đi chùa, đi chơi. Đi chùa thì được tâm an, đi chơi thì hoan hỷ. Thú vui tinh thần thường đi đôi với ẩm thực. Vui đâu chầu đấy, ăn đấy, rồi nhậu đấy. Vì thế không nên quá chén, ăn ẩu và quá no! Đây là nguyên tắc “ba không” cho mọi người được vui vẻ phù hợp cho mọi người được vui vẻ phù hợp cho mọi ngày, mỗi ngày trong suốt đời.

Ngắn cần khôn, dài cần chắc tôi xin tặng bạn đọc nguyên tắc “Dinh dưỡng 3 T”. “T” thứ nhất là ăn tốt, tức là ăn uống hợp vệ sinh, ăn sạch, ăn chín.

“T” thứ hai là ăn tuốt, tức là cái gì cũng ăn được, không kén cá chọn canh, biên độ sinh học tốt nếu không có tiền sử dị ứng thì mỗi bữa sẽ thay đổi món ăn, không đơn điệu. Cái này lại phù hợp lắm với nhà báo, phải đi nhiều, quan hệ rộng, thích nghi nhanh, nhiều khi phải ăn để tồn tại, làm việc, có tin bài cho tòa soạn, chứ không được chọn lựa.

“T” thứ ba là ăn tạp, nghĩa là mỗi bữa nên ăn nhiều món, đủ cả thịt, tinh bột và rau quả. Trong nguyên tắc “3T” này, “T” thứ hai và thứ ba hợp thành dinh dưỡng đa dạng. Biết ăn lúc nào, thế nào nữa thì cả 3T sẽ hợp thành dinh dưỡng hợp lý.
Nhân dân (Theo Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem