Giới trẻ thần tượng sao Hàn và những hệ lụy tiềm ẩn

Chủ nhật, ngày 25/03/2012 09:01 AM (GMT+7)
"Thần tượng khác với si mê, cuồng tín. Cuồng thần tượng sẽ hành động không suy nghĩ, mê muội, mất kiểm soát cảm xúc và đánh mất chính mình. Từ hâm mộ, bạn trẻ đã biến mình thành nô lệ của thần tượng đó".
Bình luận 0

Chầu chực hơn 10 tiếng đồng hồ trong khắc khoải tại sân bay Nội Bài, tới nửa đêm về sáng, khi không gặp được thần tượng thì suy sụp, hụt hẫng, khóc lóc … Đó là tình cảnh mà nhiều bạn trẻ Việt Nam  (VN) gặp phải trong đêm “đón hụt thần tượng” - ban nhạc Super Junior ngày 14.3 vừa qua…

10 tiếng cho một… giây gặp gỡ

Đây không phải là lần đầu tiên giới trẻ VN “phát sốt” vì Super Junior. Còn nhớ, hè năm 2011 ban nhạc này cũng đã từng có chuyến lưu diễn tại VN. Kịch bản lặp lại y chang tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cho dù 4 h chiều hôm sau “super” mới đến VN thì từ 10 giờ đêm hôm trước, các fan Việt đã túc trực tại sân bay chỉ để đợi 1 giây nhìn thần tượng bằng xương bằng thịt. Nước mắt lại chảy tràn trên gương mặt của hàng trăm bạn trẻ khi mong mỏi đó không thành hiện thực.

img
Ảnh minh họa

Trong quá trình tham vấn tâm lý, thạc sỹ tâm lý học Vũ Kim Thanh, ĐH Sư phạm HN cũng từng gặp nhiều “ca” bạn trẻ hâm mộ thần tượng như thế. Như cô bé M, từ một HS giỏi bỗng sa sút, bỏ nhà đi lang thang. Thì ra, cô rất hâm mộ một nam ca sỹ và lúc nào cũng ấp ủ ước mơ sẽ được làm người yêu của “anh ấy”. Trong khi cô còn chưa tìm ra cách nào để tiếp cận thần tượng thì nam ca sỹ báo tin sắp kết hôn. M hụt hẫng, thấy mình bị phản bội nên không thiết học hành nữa.

Hay như bạn D.L, cựu HS trường THPT Phan Đình Phùng thần tượng ca sỹ Q.H. Toàn bộ tiền bố mẹ cho ăn sáng, L giữ lại để đợi ngày Q.H biểu diễn sẽ mua vé đi xem. Biết bố mẹ Q.H có một quán café ở Hà Đông, gần như ngày nào, L cũng vào đó uống nước và tìm cớ tiếp cận gia đình thần tượng. Cô đến nhiều tới nỗi, bố mẹ thần tượng đã phải… trốn vì quá sợ.

Trở lại với sự kiện “đón hụt” thần tượng ngày 14.3, phản ứng bi lụy của các fan Việt đã tạo nên làn sóng tranh luận trong cộng đồng. Rất nhiều ý kiến cho rằng, các fan đã đi quá đà. Thậm chí, một bạn còn phẫn nộ: Tội nghiệp các cô bé phải... khóc vì không được thần tượng đáp lại tình cảm của mình?! Không biết các cô có rơi lệ khi thấy một người già tàn tật lê lết xin ăn?

Thần tượng không xấu nhưng…

Theo Thạc sỹ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, “Việc bạn trẻ có thần tượng là một quy luật tâm lý tự nhiên. Ở vào lứa tuổi này, các bạn rất lý tưởng cuộc đời, có xu hướng nhìn cuộc đời lung linh, tích cực. Cái gì đẹp dễ được các bạn chọn làm thần tượng. Trong đó thế giới showbiz là đối tượng dễ lọt vào tầm ngắm thần tượng của bạn trẻ vì họ có hào quang trên sân khấu, có cơ hội biểu diễn.

Trong thời chiến tranh, chàng Paven của Thép đã tôi thế đấy cũng đã trở thành thần tượng của nhiều thanh niên bấy giờ. Họ sẵn sàng đương đầu với cái chết mà không run sợ chỉ vì muốn sống theo lý tưởng của Paven. Thời nay, mỗi bạn có thể chọn cho mình thần tượng riêng, người yêu Bill Gates, bạn thích Che Guevara, bạn yêu Lam Trường.

Tuy nhiên, từ một hành vi mang tính “quy luật lứa tuổi” đến việc các bạn biểu hiện niềm đam mê, hâm mộ thế nào lại là một vấn đề cần giáo dục. Khi bạn trẻ sẵn sàng đợi chờ hàng chục giờ, khóc lóc vì không được gặp thần tượng, thấy thế giới như sụp đổ… lại là biểu hiện của bệnh lý. Thần tượng khác với si mê, cuồng tín. Cuồng thần tượng sẽ hành động không suy nghĩ, mê muội, mất kiểm soát cảm xúc và đánh mất chính mình. Từ hâm mộ, bạn trẻ đã biến mình thành nô lệ của thần tượng đó”.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý độc lập Vũ Thu Hà, bạn trẻ cần phải biết điểm dừng và biết giới hạn trong cách tỏ bày với thần tượng. Nói một cách khác là phải có… văn hóa thần tượng. Tại Trung Quốc năm 2007 từng diễn ra sự kiện một người cha ở Cam Túc vì mong con gái được gặp thần tượng Lưu Đức Hoa đã nhảy xuống sông tự vẫn. “Đây là một hành động quá đà, mù quáng, càng làm cho thần tượng khó xử hơn là tôn vinh họ”. Trong khi đó, để thể hiện tình cảm với thần tượng, người ta có nhiều cách khác tích cực hơn.

Có thể là mua đĩa nhạc của thần tượng, theo dõi tin về thần tượng từ xa… hoặc cùng làm nhiều việc tốt để vinh danh thần tượng. Năm 2011, trước trận động đất ở Nhật Bản, các fan nhóm nhạc nữ Girls Generation Soshified đã tổ chức bán đấu giá những vật dụng của các sao để lấy tiền gửi đến Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Người hâm mộ nam ca sĩ Haro Jaejoong tại Nhật cũng kỷ niệm ngày sinh thần tượng bằng việc thu nhặt nắp vỏ chai đổi lấy vắcxin cho trẻ em nghèo bị bại liệt. Hâm mộ thần tượng bằng những việc làm ý nghĩa rất đáng được khích lệ.

Cha mẹ hãy luôn bên con

Liệu có thể cấm giới trẻ thần tượng một ai đó? Theo bà Tâm, điều này là không thể bởi nếu bị ngăn cản giới trẻ sẽ chống đối và có hành vi tiêu cực. Vì thế, tốt nhất là phải đẩy mạnh giáo dục, trong đó kênh giáo dục gia đình rất quan trọng.

Khi con “thần tượng” một ai đó, cha mẹ nên trò chuyện, gợi mở để giúp con nhận ra những giá trị tốt đẹp mang tính bền vững ở thần tượng, đó có thể là tài năng, là sự nghiệp, là trái tim nhân hậu, là giọng hát hay… Nhưng, giá trị đó không phải là toàn bộ thần tượng. Micheal Jackson được nhiều bạn trẻ thần tượng vì giọng hát nhưng mặt khác, ông lại nghiện rượu, ma túy bởi đơn giản ông không hoàn hảo mà là “con người”.

Bà Vũ Thu Hà thì khuyên: Cha mẹ nên kịp thời theo sát con. Khi thấy con có những hành vi quá đà cần kịp thời điều chỉnh. Thấy trẻ bắt đầu tôn sùng một hình mẫu nào đó, hãy kiểm soát để giúp con không đắm đuổi, mất tự chủ. Tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động bổ ích để giúp trẻ giảm chú ý thay vì chỉ tập trung cho một thần tượng. Giúp con hiểu rằng, có thần tượng là tốt nhưng đó sẽ không phải là tất cả cuộc sống của con.

Theo Phụ nữ Thủ đô
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem