Lớp học đặc biệt của những phụ nữ lầm lỡ

Thứ sáu, ngày 20/11/2015 08:20 AM (GMT+7)
Có người thì phá phách lớp học, chống đối bằng được để không phải đến lớp, cũng có trường hợp sợ đi học đến nỗi... lăn đùng ra lớp vì sợ.
Bình luận 0

Trong câu chuyện của mình, cô giáo Phạm Thị Thu Nhung (SN 1979) luôn tự hào về nghề nghiệp của mình, cho dù nó hơi đặc biệt một chút.

Học sinh ở đây, không phải là các em, các con, các cháu nhỏ,... mà là những người đã trưởng thành, có những người 40, 50, thậm chí 60 tuổi đang ngồi tập đọc i - tờ, nắn nót từng con chữ. Nhiều người chia sẻ rẳng nếu không nghiện ma túy, không bị bắt vào trại cai nghiện thì sẽ chẳng bao giờ họ mới có dự định đi học "xóa mù".

Lớp học đặc biệt

Cô Phạm Thị Thu Nhung, hiện đang là giáo viên lớp xóa mù tại trung tâm Lao động, Xã hội số 2 Ba Vì kể về cơ duyên của mình khi đến với lớp học đặc biệt này.

Chẳng là, cô Nhung tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm khoa Văn, đã đi dạy được một thời gian thì nghỉ. Được người quen giới thiệu vào làm tại đây, năm đầu tiên cô làm công tác quản lý. Sang năm thứ hai, cô chuyển sang làm công tác giáo dục vì nhớ nghề. Cô chia sẻ: "Mình thích làm cô giáo từ bé rồi, nên đi thi đại học cũng chỉ mong muốn mai sau được đứng trên bục giảng thôi".

img

Lớp học xóa mù của những người lầm lỡ.

Tại lớp học này, tất cả học sinh trong lớp đều là các học viên cai nghiện tại trung tâm, vì không thoát khỏi lời cám dỗ của "nàng tiên nâu", họ phải vào đây để giáo dục, cải tạo thành một người có ích trong xã hội.

Học sinh trong lớp, có những người đã lớn tuổi, thời gian đã qua rất lâu để họ có thể khoác lên mình những bộ đồng phục để ngồi học lớp 1, lớp 2.

Nhưng có những người, dù trên đầu đã có 2 thứ tóc nhưng để đánh vần tên mình còn khó. Thậm chí họ coi việc cầm bút vẽ những nét ngang, nét dọc còn là một cực hình.

Cô Nhung trải lòng với nghề: "Những học viên học ở lớp xóa mù thường tiếp thu rất chậm, có những người học 3-4 năm rồi mà không thể viết được tên mình. Thứ nhất, họ đã lớn tuổi nên rất khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Thứ hai, là ảnh hưởng của ma túy làm cho đầu óc của họ bị ảnh hưởng, tiếp thu chậm".

Để làm được công việc này, nhiều cô giáo phải có lòng kiên trì sắt đá mới có thể trụ được. Ví dụ các cô phải dạy từ cách cầm bút làm sao cho đúng, rồi tư thế ngồi làm sao cho phải, rồi phải cầm tay từng người hướng dẫn cách tập viết, cần mẫm, tỉ mỉ từng nét chữ một.

Có những học viên nhắc đến đi học "xóa mù" là xấu hổ, cảm thấy tự ti khi mình không biết chữ. Có người thì phá phách lớp học, chống đối bằng được để không phải đến lớp, cũng có trường hợp sợ đi học đến nỗi... lăn đùng ra lớp vì sợ.

Nhưng khi tự tay mình viết được những nét nghuệch ngoạc đầu đời là họ cười hoan hỉ, vui sướng tới tột cùng. Nhiều học viên coi thành quả của mình như một báu vật quý giá.

Với nhiều người, những người phải sống đằng sau cánh cổng trại là những người đáng trách, sống trong nỗi ê chề, cũng với những lời chê bai rè bỉu, khi nhân phẩm của họ đã bị mài mòn từ lúc vướng vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội.

Họ phải sống trong ảo tưởng của khói thuốc, trong một mê cung không lối thoát, quay cuồng bởi những cơn say thuốc điên dại nhưng khi nhìn họ cần mẫm ngồi ê a từng con chữ sẽ khiến nhiều người phải băn khoăn có phải phần lương thiện của họ đang sống lại.

Nỗi vất vả của các giáo viên trong trại cai nghiện

Cuộc sống hằng ngày của các giáo viên cũng như các đồng nghiệp ở những bộ phận khác trong trung tâm này đều phải sống xa gia đình, cách ly gần như hoàn toàn bên ngoài.

Cô Nhung tâm sự: "Thời gian ở trong này có khi còn nhiều hơn thời gian sống cùng gia đình. Nhưng biết sao được, do đặc thù công việc nên gia đình cũng hiểu. Những lúc buồn nhất là những lúc nhớ con. Mình cứ day dứt mãi khi không được tự tay chăm sóc con mình cẩn thận. Cũng may ông xã cũng là giáo viên nên cũng hiểu và thông cảm cho mình" - cô Nhung thở dài khi nhắc về gia đình.

img

Cô Nhung cần mẫm chỉ từng nét chữ cho học sinh.

Hầu như các học viên tại đây đều nhận thức được sự nguy hiểm của những loại hợp chất ma túy các loại, nhưng để vượt qua cám dỗ thì không phải ai cũng làm được. Có nhiều người tái nghiện nhiều lần mà vẫn không "chạy đâu cho thoát". Nhưng cũng có những người vượt qua được sức mê hoặc của "nàng tiên nâu" để làm chủ chính mình, làm lại cuộc đời từ những vấp ngã.

Để làm được những điều đó, là những đóng góp không hề nhỏ của những giáo viên nơi đây. Các cô phải động viên, chia sẻ rất nhiều khi họ tủi thân. Có những người đa cảm, họ mặc cảm với đời, bất mãn với xã hội, các cô cũng phải nhẫn nại, cùng động viên lẫn nhau như người thân ruột thịt để cùng họ vượt qua.

Cô Nhung cho hay, các giáo viên ở đây chưa bao giờ có một ý nghĩ kì thị các học viên mà đều coi họ như người trong nhà. Từ đó họ mới trải lòng mình ra và từ đó chính là những bước đệm quan trọng giúp họ thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của khói thuốc ma túy.

Những điều giản dị trong ngày nhà giáo Việt Nam

Ở ngoài xã hội, các học viên có thể là ông nọ, bà kia. Cũng có thể họ là những "anh hùng" sống một cuộc đời ngang dọc, bất tuân xã hội và sống ngoài lề của pháp luật. Nhưng khi họ ở đây, họ đều rất mực tôn trọng giáo viên dạy chữ cho mình.

Cô Phạm Thị Thu Nhung cho biết, các học viên ở đây đôi khi cũng hay trêu chọc cô giáo nhưng cũng chỉ trêu cho vui mà họ không hề có bất kì ác ý gì. Học viên đi học nhiều khi tạo tiếng cười trong lớp, giảm bớt sự mặc cảm giúp mọi người hòa đồng hơn.

Có một kỉ niệm nhân ngày nhà giáo mà cô Nhung nhớ mãi. Chẳng là, năm ngoái, có một học viên lén lút đi câu cá mang về tặng cô. Mặc dù, biết trước kiểu gì cũng bị phạt, nhưng người này vẫn hớn hở tặng cô một con cá rất to nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam. Điều này khiến cô Nhung rất cảm động.

Hay có những học viên cũ đã ra trung tâm từ rất lâu, thi thoảng cũng gọi điện về hỏi thăm cô, cùng các đồng nghiệp khác. Họ tâm sự rằng, từ những lớp học này, họ có thể đứng vững được trước những cám dỗ để làm lại cuộc đời.

img

Ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Trung tâm Lao động Xã hội số 2 Ba Vì.

Cô cho rằng: "Mọi người hãy cho họ một cơ hội để làm lại cuộc đời. Vì ai khi sinh ra đều muốn mình là người tốt. Chỉ là do số phận đưa đẩy họ tới bến nức của những cảm bẫy, và cũng một phần do họ sa lầy vào mà không chịu thoát ra. Nhưng rồi ai cũng sẽ có một ngày, được sống trong thanh thản. Đánh người chạy đi, ai lại đánh kẻ chạy lại".

Theo ông Phạm Đình Giang, Giám đốc trung tâm Lao động - Xã hội số 2 Ba Vì cho biết: "Những lớp học xóa mù được thành lập từ những năm 1999. Mục đích là xóa mù cho những đối tượng không biết chữ có thể đọc, viết được. Những lớp học này cũng giúp cho nhiều người khi ra khỏi đây có thể tự tin hòa nhập cộng đồng".

Tiểu Lâm (Người đưa tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem