Vợ chồng già nhặt rác: "Kẻ lang thang gặp người lếch thếch"

Hạ Nhiên - Mỹ Duyên, ảnh: Hồng Phú Thứ năm, ngày 07/04/2016 07:36 AM (GMT+7)
Hai vợ chồng từng phải chui bao tải ngủ để tránh rét, ôm gốc chuối để tránh bão…
Bình luận 0

img

Những bức hình cười ngập tràn hạnh phúc của cặp vợ chồng nhặt rác (Ảnh: Hai Le Cao)

Trên chiếc bè nổi chừng 5m2 được làm từ 24 chiếc thùng phi và nhiều tấm gỗ mỏng ghép lại với nhau, cuộc sống của cặp vợ chồng già nên duyên từ bãi rác dường như chẳng mảy may thay đổi dù vừa được hàng nghìn người biết đến khi là nhân vật chính trong bộ ảnh “đám cưới thế kỷ” xúc động.

Nhịp sống vẫn vậy, bà cả ngày trông nom lũ gà mua từ số tiền vốn được cho ăn Tết, còn ông, bên cửa bè hướng ra sông Hồng mênh mông, vừa nhả khói vừa ung dung ngâm vài câu thơ… chờ khi đêm xuống xách bao đi nhặt rác.

Phận  đời “người sắp chết gặp kẻ hết hơi”

Từ cầu Long Biên đi xuống, chúng tôi men theo con đường đất lầy lội tìm về nơi ở của vặp vợ chồng 3 không: không nhà cửa, không con cái, không nghề nghiệp… Nếu không được tận mắt chứng kiến cuộc sống của họ, ông Thành (sinh năm 1936), bà Thủy (sinh năm 1938) bên trong túp lều nổi hơn 5m2 này, khó có thể tin ngay giữa lòng Thủ đô lại có những phận đời nổi trôi như thế.

Ấy vậy mà với cặp vợ chồng già đã gắn bó với nhau gần 5 thập kỷ, việc có một chỗ để chui ra, chui vào đã là niềm may mắn nhất đời. Bởi, trước khi về sông Hồng “cắm cọc”, dựng lều, họ đã trải qua hơn 40 năm phiêu bạt, gầm cầu, vỉa hè là nhà, còn bao tải là chăn chiếu.

img

Ông bà Thành, Thủy vui vẻ xem lại bộ ảnh cưới trên chiếc điện thoại mượn được

Hai ông bà có cùng cảnh ngộ, phải lang thang, mưu sinh từ khi lên 9, 10 tuổi. Ông Thành chẳng nhớ rõ mình sinh ra ở xứ nào của Thanh Hóa, chỉ biết đó là một nơi khô hạn, nhiều núi non. Cha mẹ ông mất sớm, anh em tứ tán khắp nơi kiếm ăn, riêng ông, lên 10 tuổi, đã phải bỏ quê, tha hương tứ xứ, đi xin ăn, xin mặc.

Còn bà Thủy, khi được hỏi về quá khứ thì liên tục lắc đầu: “Nhớ làm gì, đời có trăm cơ, ngàn cực chứ riêng gì cái thời bé tí ấy”.

Bà không có anh chị em ruột thịt, lúc bố mẹ qua đời cũng là lúc một mình bơ vơ giữa cõi đời. Cho đến giờ, bà vẫn không quên được hình ảnh đứa bé nhỏ xíu, đội mê nón rách, nép sau đàn trâu phốp pháp nhìn người ta đào khoai, đào sắn mà thèm thuồng. Rồi bà cũng bỏ đi xin ăn, lang thang thế nào lại dạt về đúng cái đất lắm xô bồ này và bám rễ cho đến giờ.

47 năm trước đây, hai ông bà gặp nhau ở bãi rác trong cảnh, ông vận quần đùi rách, còn bà manh áo thủng. Ở cái xứ chật hẹp, “người khôn của khó này” thì ngay cả nghề nhặt rác cũng có kẻ tranh giành, lấn chiếm địa bàn, cướp miếng cơm manh áo của nhau. Và sau nhiều đêm nhóm ngó, “hậm hực”, ông bà đã quyết định “về chung một nhà” để khỏi phải tranh giành từng chiếc chai nhựa, hộp cơm thừa.

img

Ông Thành bà Thủy nên duyên từ bãi rác và đã gắn bó với nhau suốt 47 năm (Ảnh: Hai Le Cao)

Đó là ngày 2/6/1969, ông hỏi bà:

- Tôi có cái quần thủng này bà có lấy không?

- Có.

- Vậy bao giờ lấy?

- Lấy luôn.

Thế là từ bấy đến giờ, trên đường đời, hai con người bất hạnh ấy chẳng còn phải bơ vơ. Cả hai sớm tối cùng nhau nhặt rác, mưu sinh, cứ manh áo mỏng, đôi chân trần đi hết không biết bao nhiêu đường đất.

Nghĩ, lang thang thì gặp lếch thếch, sắp chết lại gặp ông hết hơi, ấy thế mà có đôi có cặp. Lúc bấy giờ có nhà cửa đâu, cứ dắt tay nhau đi kiếm ăn phố này, phố nọ, sớm đâu là nhà, ngã đâu là giường. Đúng cảnh, nhà không số, phố không tên còn người thì từ dưới lỗ chui lên”, bà Thủy hấp háy đôi mắt, vừa cười vừa kể.

Chẳng có lễ cưới cũng chẳng có cành cau nào, chỉ gật đầu một cái, hai ông bà đã về ở với nhau và gắn bó cho đến bây giờ. Nếu nói “cơm áo gạo tiền” và những nỗi lo thường nhật là điều khiến vợ chồng dễ xa nhau thì với ông bà Thành, Thủy, quy luật này đã bị đảo ngược lại.

Cuộc sống chìm nổi của cặp vợ chồng nhặt rác

Nói là vậy chứ hơn bốn chục năm sống cảnh không một thước đất cắm dùi, không nhà cửa cũng là quãng đời đầy những “sỏi” của ông bà. Về chung một nhà, ông bà tiếp tục nhặt rác kiếm ăn. Ông dẫn bà đi khắp các ngõ ngách, chia nhau từng hộp cơm thừa nhặt được. Về sau này, rác được quy hoạch và phân loại cẩn thận hơn, thu nhập của ông bà ít đi, cuộc sống ngày càng khó khăn, vất vả.

img

Ông Thành kể về những năm tháng cơ hàn (Ảnh: Hồng Phú)

Chúng tôi phải xuống sông mò từng cái sắt nhỏ để bán, được hào nào thì được. Trên cạn không có rác thì phải xuống sông thôi. Lúc bấy giờ, đi cả ngày, tối về thì ăn, ngủ ở ven đường, gầm cầu. Bà ấy thổi cơm bằng cái ống bơ, ấy thế mà cũng ngon ra phết”, ông Thành cười khà khà.

Còn bà Thủy, nhớ lại những ngày tháng đó, chỉ nhắc đến một hình ảnh duy nhất, đó là lúc ông dắt chiếc xe đạp, trên người buộc chằng chịt những đồ.

Người ta thấy thương nên hay cho chúng tôi quần áo và vài cái xoong, chảo. Sợ mất, ông ấy buộc hết lên người, chằng chịt nhìn như “phi công nhảy dù”.  Thế mà, đêm ngủ vẫn không yên đâu, cứ nơm nớp sợ bị giật mất đồ. “Gà què ăn quẩn cối xay” mà, người nghèo lại bị người nghèo hơn lấy trộm”, bà Thủy kể.

Vì không có xe nên hai ông bà phải đi bộ nhặt rác, mỗi người một bao tải trên vai. Vất vả là thế nhưng cứ hôm nào được vác nặng là hôm đó ông bà mừng vì có thế thì mới có miếng cơm, bát cháo. Thấy cảnh đó, một nhà sư ở chùa Quán Thánh thương tình, cho ông bà tiền mua một chiếc xe đạp.

Cứ dắt tay nhau lang thang như thế rồi ông bà cũng đi qua hơn 40 năm, nghèo khó, đói khát, đắng cay nếm đủ cả. Kể về quãng đời những khó khăn ấy mà ông bà Thành, Thủy vẫn cười ha hả, thi thoảng rít điều thuốc lào. Tiếng cười giòn giã vang cả sông Hồng khiến cho cuộc sống vốn quá nhiều khó khăn và nặng nề này trở nên nhẹ bẫng.

img

Hình ảnh hạnh phúc đáng ngưỡng mộ của cặp vợ chồng già (Ảnh: Hai Le Cao)

Sống nay biết nay, mai biết mai thôi, nhắm mắt vào mà còn mở được mắt ra thì biết còn phải sống. 80 rồi, trước chả rầu rĩ thì thôi, giờ còn buồn với phiền gì nữa”, ông Thành gật gù.

Nói đoạn, bà Thủy chợt nảy ra ý muốn xem lại mấy tấm ảnh cưới chụp từ hôm qua. Cứ đến chiếc ảnh nào có cảnh nắm tay nhau, bà lại gọi với: “Ông ơi xem này, làm thế nào mà lúc ấy lại nắm tay được nhỉ. Úi trời, cái răng hút thuốc lào, đen xì cả rồi, trông gớm chết”. Trong làn khói thuốc lào cay xè mắt, hai ông bà hấp háy nhìn nhau cười khà khà.

Chúng nó dỗ khéo quá nên tao nghe theo chứ già rồi chụp choẹt nỗi gì. Cậu nhiếp ảnh hôm qua gọi điện về, thấy bảo có mấy chục người xem, làm gì mà nhiều thế, hay là nó nói dối cho bà vui hả con?”, câu hỏi vang lên giữa dập dềnh sóng nước của bà già 78 tuổi khiến chúng tôi bật cười.

(Còn nữa)

Suốt 47 năm nắm tay nhau từ gầm cầu, vỉa hè, trôi nổi trên sông, hai vợ chồng đã cùng nhau chia sớt những đau khổ, ngọt bùi trong cuộc sống. Hãy đón đọc phần tiếp theo vào lúc 8h00 ngày 8/4/2016 để hiểu rõ hơn về tình yêu của "người lang thang gặp kẻ lếch thếch" dành cho nhau trong suốt hơn 40 năm qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem