Sứ giả văn hóa của người Vân Kiều

An Sơn Thứ sáu, ngày 10/04/2015 08:01 AM (GMT+7)
Không chỉ miệt mài sưu tầm những bài hát, điệu nhạc, sưu tầm và chế tác những nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều nơi đỉnh Trường Sơn, Nghệ nhân Hồ Văn Pờng còn là người mang văn hóa của dân tộc mình đến với nhiều vùng miền trong và ngoài nước.
Bình luận 0

“Báu vật sống” của người Vân Kiều

Nhiều năm qua, ở thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện ĐaKrông (Quảng Trị), ngôi nhà ngăn nắp nằm nép mình bên sườn núi của ông Hồ Văn Pờng được nhiều người biết đến như là một bảo tàng nhạc cụ của người Vân Kiều. Hàng trăm nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều có tại nhà ông như: Khèn bè, sáo, khui, tà ri, a cương, a quảy, đàn ta lư, tù và, cồng, chiêng, trống… Để có những nhạc cụ này, ngoài kỳ công chế tác, ông băng rừng lội suối đi đến rất nhiều nơi sưu tầm.

img
Ông Hồ Văn Pờng đang thổi điệu tà oải thổi bằng tà ri.   An Sơn

Sở hữu năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh nên mới hơn 10 tuổi, ông Pờng đã sử dụng thành thạo hầu hết các loại nhạc cụ của dân tộc. Rồi niềm say mê nhạc cụ truyền thống thôi thúc ông lặn lội đến nhiều nơi tìm gặp các nghệ nhân để học cách chế tác. Chẳng bao lâu, ông đã làm được những nhạc cụ của người Vân Kiều.

Kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông lên đường nhập ngũ. Những ngày đánh giặc gian khổ cũng là dịp giúp ông được đi đến nhiều nơi, đặc biệt là đất Lào để học hỏi thêm những tinh hoa của nhạc cụ các dân tộc khác nhằm hoàn thiện những nhạc cụ dân tộc mình. Từ ngày xuất ngũ đến nay, ông gần như dành trọn thời gian cho việc chế tác, sưu tầm nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều.

Ông không thể nhớ nổi mình đã chế tác ra bao nhiêu khèn bè, sáo, tà ri, a cương, a quảy, đàn ta lư... Phần lớn nhạc cụ làm ra ông cung cấp cho người dân các bản làng trên dãy Trường Sơn, phần còn lại cất giữ tại nhà. Ngoài ra, mỗi năm ông còn bỏ ra hàng tháng trời đi đến nhiều bản làng để sưu tầm nhạc cụ. “Nhiều khi miềng (mình) đi qua Lào nhiều tháng liền để sưu tầm. Vất vả, tốn kém lắm nhưng nghĩ việc làm của miềng giúp giữ gìn văn hóa của người Vân Kiều nên miềng thấy vui”- ông Pờng tâm sự.

Giúp văn hóa Vân Kiều lan tỏa

Quan điểm

Ông Hồ Văn Diên- Chủ tịch 
UBND xã Tà Long
  Ông Pờng đã có đóng góp rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Vân Kiều. Ông là “báu vật sống” của người Vân Kiều, là sứ giả giúp văn hóa Vân Kiều lan tỏa đến với các dân tộc, vùng miền khác”. 
Không chỉ nổi tiếng với việc chế tác và sưu tầm nhạc cụ, ông Pờng còn là người duy nhất còn lại trên dãy Trường Sơn thuộc làu những lời hát, điệu nhạc của đồng bào Vân Kiều. “Có nhạc cụ mà không thuộc lời hát, điệu nhạc truyền thống thì nhạc cụ không phát huy tác dụng. Nghĩ vậy nên hàng chục năm qua, miềng đã lặn lội đi rất nhiều nơi sưu tầm, học hỏi những lời hát, điệu nhạc của người Vân Kiều”- ông kể.

 

Sự am tường về nhạc cụ, lời hát, điệu nhạc của dân tộc đã giúp ông trở thành nghệ nhân người Vân Kiều duy nhất ở tỉnh Quảng Trị từng nhiều lần được đi biểu diễn ở các liên hoan nghệ thuật trong và ngoài nước, chinh phục trái tim của những người yêu âm nhạc truyền thống.

Hàng chục năm qua, ông Pờng đã truyền dạy cho rất nhiều người dân Vân Kiều, nhất là lớp thanh niên, về cách chế tác, sử dụng nhạc cụ và những lời hát, điệu nhạc của dân tộc mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem