Sự kiện đá Ba Đầu, mũi "tiến công mềm" của Trung Quốc về phía Nam Biển Đông?

Tiến sỹ Trần Công Trục Thứ ba, ngày 08/06/2021 19:10 PM (GMT+7)
Giữa lúc dịch Covid-19 vẫn đang nóng hổi, chúng ta cũng không thể quên tình hình trên Biển Đông tiếp tục phức tạp. Xin giới thiệu loạt bài của Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ, viết riêng cho Dân Việt phân tích một số sự kiện trên Biển Đông, trong đó nổi bật là sự kiện đá Ba Đầu.
Bình luận 0

Việc Trung Quốc huy động hơn 200 tàu cá vũ trang tiến xuống hoạt động và neo đậu trong nhiều ngày tại đá Ba Đầu trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vẫn được dư luận quan tâm với nhiều góc nhìn khác nhau. Để đánh giá bản chất sự việc, chúng tôi xin cung cấp các thông tin có liên quan sau đây:                                        

Vị trí địa lý của đá Ba Đầu thuộc nhóm đảo Sinh Tồn

Ở phía Nam nhóm đảo Nam Yết, là nhóm đảo SinhTồn, có 2 thực thể địa lý, đáp ứng đủ điều về cấu tạo tự nhiên để được công nhận là "đảo" theo quy định của Điều 121, UNCLOS1982; đó là:

Đảo Sinh Tồn nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, ở tọa độ 09053'02'' vĩ độ Bắc, 114019'07'' kinh độ Đông, cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 15 hải lý về phía Tây. Đảo có chiều dài 392m, rộng 115m, diện tích nổi và thềm san hô khoảng 0,9km2.

Đảo Sinh Tồn Đông nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, ở tọa độ 09054'03'' vĩ độ Bắc, 114033'07'' kinh độ Đông, có chiều dài 160m, rộng 59m, cao 2,5-3,0m, diện tích nổi và thềm san hô rộng khoảng 0,5km2.

Xung quanh hai thực thể này còn có các vành đai san hô, đá, bãi cạn phụ thuộc, có mối quan hệ chặt chẽ về vị trí địa lý, cấu tạo địa chất, địa mạo và cả về mặt lịch sử, kinh tế… tạo thành một tổng thể thống nhất; đó là: Đá Ken Nam; đá Len Đao; đá Gạc Ma; đá Cô Lin; đá Nhạn Gia; đá Tư Nghĩa; đá Bãi Khung; đá Đức Hòa; đá Ba Đầu (ở tọa độ 09059'03'' vĩ độ Bắc, 114039' kinh độ Đông); đá An Bình; đá Bia; đá Văn Nguyên; đá Phúc Sỹ; đá Bình Khê; đá Nghĩa Hành; Tam Trung; đá Sơn Hà…

Đá Ba Đầu là một trong số 17 thực thể phụ thuộc đó. Là một  rạn san hô hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10km2, đá Ba Đầu chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống thấp.

Sự kiện đá Ba Đầu, mũi "tiến công mềm" của Trung Quốc về phía Nam Biển Đông? - Ảnh 1.

HÌnh ảnh vệ tinh chụp đá Ba Đầu và tàu Trung Quốc neo đậu tại đây.

Sự kiện đá Ba Đầu, mũi "tiến công mềm" của Trung Quốc về phía Nam Biển Đông? - Ảnh 2.

Tiến sỹ Trần Công Trục, chuyên gia về biên giới lãnh thổ của Việt Nam. Ảnh: Phạm Hưng.

Chế độ pháp lý của đá Ba Đầu theo lập trường của Việt Nam

* Về quyền thụ đắc lãnh thổ:

Đá Ba Đầu là một thực thể địa lý phụ thuộc và là một bô phận không thể tách rời của nhóm đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam đã có đầy đủ các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định rằng: "Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, kể từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là rõ ràng, liên tục và hòa bình; phù hợp với nguyên tắc chiếm hữu thật sự của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế hiện hành".

* Về hiệu lực pháp lý của đá Ba Đầu trong việc xác định phạm vi biển:   

Đá Ba Đầu ở cách đảo Sinh Tồn Đông chưa tới 12 hải lý. Vì vậy nếu xác định phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông theo quy định của UNCLOS 1982, có 2 khả năng: 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hằng: "Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc".

- Nếu tính từ đường cơ sở bao quanh Sinh Tồn Đông thì đá Ba Đầu nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông;

- Nếu trên đá Ba Đầu có xây dựng cây  đèn biển hay một công trình nhân tạo thì theo quy định của UNCLOS1982 về điều kiện để thiết lập đường cơ sở, quốc gia có chủ quyền có quyền sử dụng đá Ba Đầu làm một điểm cơ sở  để vạch đường cơ sở đoạn thẳng của Sinh Tồn Đông, và trong trường hợp này, vùng biển phía trong đá Ba Đầu sẽ là nội thủy của Sinh Tồn Đông.

Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải xung quanh các đảo đúng theo định nghĩa của Điều 121 UNCLOS1982. Do đó phạm vi lãnh hải hay nội thủy của Sinh Tồn Đông vẫn chỉ là về nguyên lý.

Vì vây, về nguyên tắc, Việt Nam vẫn có quyền khẳng định quan điểm của mình  theo đúng tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hằng: "Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc".

Theo đó, Việt Nam có quyền khẳng định tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc đã vi phạm:

 - Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

  - Chủ quyền lãnh hải (hay nội thủy) của đảo Sinh Tồn Đông.

Chế độ pháp lý khu vực biển xung quanh đá Ba Đầu theo quan điểm của Philippines

Là một quốc gia quần đảo, Philippines đã công bố hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia quần đảo. Nếu tình từ hệ thống đường cơ sở của Philippines thì phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines bao trùm lên khu vực đá Ba Đầu. Chính vì vậy, Philippines đã  khẳng định một cách rõ ràng và  mạnh mẽ rằng hơn 200  tàu cá Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippnes trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Mặc dù, quy chế pháp lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không giống với quy chế pháp lý Lãnh hải, Nội thủy, nhưng phạm vi các vùng biển đó đã được cụ thể hóa trên thực tế. Đó là một điểm mạnh của Philippines khi họ triển khai các phương án đấu tranh pháp lý và ứng xử trên thực tế.

Sự kiện đá Ba Đầu, mũi "tiến công mềm" của Trung Quốc về phía Nam Biển Đông? - Ảnh 4.

Tuần duyên Philippines cung cấp ảnh cho thấy họ đang dùng xuồng tuần tra xung quanh khu vực neo đậu của tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu ngày 14/4/2021.

Tuy nhiên, nội bộ chính quyền Philippines đã có những phát biểu mâu thuẫn nhau về lập trường của Philippines trước sự kiện này, khiến cho dư luận nghi ngờ và lên tiếng phản đối . Vì vậy, chúng tôi xin được trình bày kỹ hơn để có thể đánh giá một cách khách quan về lập trường của Philippines:

Theo tin của Đài ABS-CBN, ngày 11/5/2021, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, phát biểu rằng Philippines chưa bao giờ thực sự sở hữu đá Ba Đầu.Tuy nhiên, một ngày sau đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã bác bỏ tuyên  bố của ông Roque và nhắc nhở rằng khi nói đến chính sách đối ngoại thì Bộ Ngoại giao mới là nơi có tiếng nói cuối cùng duy nhất.

Chuyên gia Jay Batongbacal đã bày tỏ: "Thật sự đáng lo ngại với kiểu phát ngôn của Harry Roque. Ông ta là luật sư, có hiểu biết vấn đề và là người phát ngôn của tổng thống nhưng lại phát biểu như thế trước công chúng. Trung Quốc có thể sử dụng những lời nói đó để chống lại Philippines".

Quan điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau, trong nội bộ người Philippines về Biển Đông trước những hoạt động của Trung Quốc không phải mới xuất hiện mà đã từng diễn ra từ trước, nhất là kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền từ năm 2016 đến nay. Xuất phát từ những phát biểu nói trên, có thể thấy rằng:

1. Philippines, đặc biệt là ông Duterte và cộng sự, đã tính toán vận dụng sách lược "kẻ tung, người hứng" trong quan hệ với các siêu cường, đặc biệt với Trung Quốc, vì sự tồn tại của họ, với tư cách là một quốc gia nhỏ yếu, trong bối cảnh cuộc tranh chấp địa chính trị, địa chiến lược đang diễn ra rất căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.

2. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng về chiến lược Philippines luôn luôn giữ vững nguyên tắc bất di bất dịch về chủ quyền, lãnh thổ đã được ghi trong Hiến pháp của họ. Cho nên, sau mỗi lần có người "tung" thì lập tức có kẻ "hứng" ngay. Phải thấy rằng đó mới là chính sách khôn ngoan của chính quyền Duterte mà nhiều người thường lên tiếng chê bai, lên án…

3. Như vậy, có thể thấy nội dung phát biểu của ông Harry Roque  về vụ Ba Đầu không có giá trị khẳng định rằng Philippines đã từ bỏ quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia quần đảo Philippines mà họ đã tuyên bố.

Về lập trường và những tính toán của Trung Quốc

Bằng việc huy đông hơn 200 tàu cá xuống khu vực biển đá Ba Đầu, Trung Quốc đang triển khai chiến dịch xâm lăng mới đối với khu vực đá Ba Đầu, một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng nằm trong cụm đảo Sinh Tồn của khu vực trung tâm quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Với diện tích đầm phá khoảng 10,89km2, đá Ba Đầu là rạn san hô có góc nhọn hướng về phía Đông Bắc, là đê chắn sóng tự nhiên, có thể bảo vệ tốt trước gió mùa Đông Bắc mạnh ở Biển Đông vào mùa đông và là nơi trú ẩn tự nhiên tốt nhất tại cụm đảo Sinh Tồn. 

Đây cũng là thực thể không có người ở mà phía Trung Quốc có thể tiếp cận được dễ hơn vì đang kiểm soát trái phép đá Huy Gơ gần đó và dù đá Ba Đầu nằm trong tầm kiểm soát của 2 thực thể do Việt Nam quản lý là đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông, nhưng so với đá Én Đất và bãi Bàn Than ở cụm Nam Yết thì vị trí này có  nhiều ưu thế hơn.

Vì vậy, Trung Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động xâm phạm đá Ba Đầu từ các năm 1992 cho đến 2014, như đổ bộ, thả vật thể lạ làm phao chủ quyền…; năm  2016 cho neo đậu tàu lớn và thả các tốp ngư dân đi thuyền nhỏ vào đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, Hải quân Việt Nam đã xua đuổi và thu hồi vật thể lạ. Việt Nam còn duy trì động thái chống tiếp cận các đá Én Đất, bãi Bàn Than… do Trung Quốc liên tục tiến hành dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau.

Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc "xâm lăng mới" làm chủ Biển Đông

Để gây ra sự kiện đá Ba Đầu lần này, Trung Quốc đã huy động một lực lượng khổng lồ mà họ gọi là "tàu cá", cụ thể:

Về chủng loại, đây không phải tàu cá thông thường, mà là các lớp tàu cá vỏ thép cỡ lớn (hơn 84 tàu giống mẫu FT-16 WAG theo tài liệu của Văn phòng tình báo Hải quân Mỹ) đóng năm 2016 để giao cho lực lượng dân quân biển của TP.Tam Sa (còn gọi là "các tàu Tam Sa"). Nên nói cách khác, đây không phải tàu cá thông thường dùng để khai thác hải sản, mà là các lớp tàu cá giả trang có thể được vũ trang hạng nhẹ, chuyên phục vụ công tác hộ tống cho các tàu xây dựng, chuyên chở vật liệu trong chiến thuật "tác chiến vùng xám" của Trung Quốc.

Về số lượng, các tàu cá vỏ thép cỡ lớn này không chỉ giới hạn ở "một số" mà thực tế lên đến 220 tàu (ngày 21/3), tập trung thành 2 nhóm đóng bên ngoài và ven bờ khu vực đầm phá của bãi đá Ba Đầu. Ảnh vệ tinh còn cho thấy các nhóm tàu này không trú đóng riêng lẻ mà neo đậu gắn kết thành từng chuỗi, thể hiện ý muốn trú đóng lâu dài. Sau khi bị phản đối, số tàu giảm xuống còn 183 vào ngày 22/3, vẫn lớn hơn rất nhiều so với số tàu cá Trung Quốc vây đảo Thị Tứ (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Philippines chiếm đóng trái phép) vào quý I năm 2019 (hơn 50 tàu) và quý I năm 2020 (113 tàu).

Về mục tiêu trú đóng, thời điểm trú đóng của các "tàu cá" Trung Quốc được phát hiện từ ngày 7 đến 21/3 trong điều kiện thời tiết ổn định, nhiều nắng ở khu vực biển xung quanh cụm Sinh Tồn. Các tàu này cũng không đánh bắt cá, mà chỉ trú đóng cố định và bật đèn sáng rực vào ban đêm. Do đó, rõ ràng mục tiêu trú đóng không chỉ để "tránh gió" như phía Trung Quốc lập luận.

Sự kiện đá Ba Đầu, mũi "tiến công mềm" của Trung Quốc về phía Nam Biển Đông? - Ảnh 5.

Ảnh do Lực lượng Tuần duyên Philippines cung cấp hôm 21/3 cho thấy khoảng 200 tàu Trung Quốc đã tập trung ở Ba Đầu ngày 7/3.

Tuy nhiên, để ngụy biện cho hành động phi pháp của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oanh ngày 22/3/2021 đã trả lời báo chí rằng "một số" tàu đánh cá của Trung Quốc chỉ "trú tránh gió" ở bãi Oxbow (là bãi đá Ba Đầu thuộc nhóm đảo  Sinh Tồn nằm trong  quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc tự nhận là "một phần quần đảo Nam Sa") và nhấn mạnh đây là điều "khá bình thường".

Điều mà Trung Quốc nói là "khá bình thường" chính là điều rất bất thường và sai trái; bởi vì:

- Đó là hành đông của lực lượng vũ trang trá hình của Trung Quốc nhằm thử nghiệm hiệu lực của Luật Hải cảnh của Trung Quốc vừa mới ban hành hồi đầu tháng Hai năm 2021; cũng là phép thử để Trung Quốc bố trí thế trận tấn công binh chủng hợp thành, chuẩn bị cho một cuộc xâm lược thích hợp với những tình huống có thể xẩy ra trong khu vực Biển Đông.

- Đó là những hành động có tính toán để phá vỡ khối đoàn kết của các thành viên ASEAN, trong đó chủ yếu là giữa Việt Nam-Philippines, Việt Nam-Malaysia, đang tồn tại một số bất đồng, tranh chấp tại một số khu vực nhạy cảm trong Biển Đông, khu vực Ba Đầu là một ví dụ điển hình nhu phân tích ở trên.

 - Đó là hành động cố ý thách thức và là phép thử đối với các quốc gia khác trong và ngoài khu vực, với tư cách là đồng minh hay đối tác với các nước trong khu vực Biển Đông, nhất là Hoa Kỳ, một đối thủ cạnh tranh về địa - chính trị, địa - chiến lược, địa - kinh tế với Trung Quốc.

 - Đó là hành động được sắp xếp trong  một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn với sự tham gia của các quân binh chủng hợp thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc "xâm lăng mới" để làm chủ Biển Đông trong bố cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem