Vì sao nhà văn Nguyễn Hiếu được xem "lực sĩ của văn xuôi Việt Nam"?

Ngọc Linh Chủ nhật, ngày 05/03/2023 21:35 PM (GMT+7)
Khi tuổi cao, sức yếu, nhà văn Nguyễn Hiếu vẫn viết bằng cả tâm huyết. Ông tếu táo giải thích, tôi viết là do "giời đày".
Bình luận 0

Nhà văn Nguyễn Hiếu tên khai sinh là Nguyễn Văn Hiếu, ông sinh năm Mậu Tý 1948, quê Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Hiếu ngoài danh xưng nhà văn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.

Sự nghiệp nhà văn Nguyễn Hiếu: "Lực sĩ của văn xuôi Việt Nam" - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Hiếu ra đi khi sức sáng tạo vẫn căng đầy khiến bao người tiếc thương. (Ảnh: Thuỷ Vũ)

Nhà văn Nguyễn Hiếu - một đời dành tình yêu cho văn chương 

Trong làng văn, nhiều người biết đến, quý trọng sức viết, sức sáng tạo của nhà văn Nguyễn Hiếu. Ông viết nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch đến phê bình văn học... và thể loại nào cũng gặt hái nhiều giải thưởng.

Gần 50 năm miệt mài cày ải trên cánh đồng nghệ thuật, "lão nông" Nguyễn Hiếu có thể tự hào rằng mình là một nhà văn hiếm hoi sống được bằng nghề. Đặc biệt suốt nửa thế kỷ sáng tác, ông đã gửi vào các tác phẩm của mình một tình yêu tha thiết với Hà Nội, một Hà Nội vừa lung linh, hào hoa, vừa dở dang, đan xen những điều cũ mới.

Tài năng văn chương của nhà văn Nguyễn Hiếu sớm được bộc lộ. Hồi còn học phổ thông, được tuyển vào đội Hà Nội đi thi học sinh giỏi văn miền Bắc năm 1966. Từ năm lớp 8 (hệ 10 năm) ông đoạt giải Nhất cuộc thi viết truyện ngắn của trường phổ thông với tác phẩm Bác tôi.

Năm 1970, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông là một trong những nhà văn cho ra đời nhiều tiểu thuyết bậc nhất, 26 tác phẩm, tính từ tiểu thuyết đầu tiên: Người đàn bà quỷ ám (in năm 1988). Có thời, chỉ trong độ dăm năm (1988 - 1992), mỗi năm trung bình ông viết hơn 600 trang bản thảo.

Chia sẻ về lĩnh vực sở trường trong văn chương, nhà văn Nguyễn Hiếu từng nói: "Tôi mạnh nhất là tiểu thuyết". Bộ Dòng sông màu máu vẫn chảy (2 tập, khoảng 800 trang) viết về những con người làng Chèm, làng ven đô trải qua bao binh biến xã hội, từ năm 1939 đến 2000.

Tiểu thuyết Con ngố viết về thân phận người đàn bà trong xã hội Việt Nam: Nhẫn nhục, cam chịu, hiền lành. Cuốn Tình nhân viết về Hà Nội năm 1954 đến đầu thế kỷ XXI, được người xem thừa nhận là bức tranh sống động, một phòng triển lãm về tính cách người Hà Nội. Hay tiểu thuyết Mặt nạ để đời là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nạn tranh chức, tranh quyền...

Trong số các tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết, Bụi đường được giải Nhất về đề tài Giao thông vận tải và cuốn Tôi bán mình đồng giải Nhất trong cuộc thi tiểu thuyết tại thành phố Hồ Chí Minh. Cũng bởi vậy mà những năm 90 của thế kỷ trước, nhà văn Ma Văn Kháng đã "phong" ông là "lực sĩ của văn xuôi Việt Nam". Còn ông chỉ đơn giản nghĩ rằng "đã là nhà văn thì phải viết".

Sự nghiệp nhà văn Nguyễn Hiếu: "Lực sĩ của văn xuôi Việt Nam" - Ảnh 2.

Nhà văn Ma Văn Kháng đã "phong" nhà văn Nguyễn Hiếu là "lực sĩ của văn xuôi Việt Nam". (Ảnh: ST)

Bên cạnh năng lực viết "khỏe" nhà văn Nguyễn Hiếu còn được đánh giá là người viết được nhiều đề tài từ hài, viễn tưởng đến hiện thực... Trong đó được bạn đọc nhắc nhiều nhất là tiểu thuyết: Những mảnh trần gian (tiểu thuyết hài du ký); Tây tây, ta ta (tiểu thuyết hài); Dương gian trong sọt (tiểu thuyết tự sự hư cấu)...

Yêu văn học, nhưng sân khấu mới là lĩnh vực Nguyễn Hiếu đam mê và khát khao cống hiến nhiều nhất. Từ năm 2013 đến năm 2019, trong số gần chục kịch bản đã dựng thì ông đã tạo dựng cho mình ba cột mốc tiêu biểu cho sự sáng tạo, cách tân của mình. 

Năm 2013, vở diễn Chu Văn An - người thầy của muôn đời do Nhà hát Chèo Quân đội dựng theo kịch bản Thầy Chu của Nguyễn Hiếu đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Chèo, đồng thời đoạt Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cùng danh hiệu "Vở diễn hay nhất năm".

Năm 2016, Nhà hát Kịch Việt Nam dựng Kiều theo kịch bản Nguyễn Hiếu chuyển thể từ danh tác của thi hào Nguyễn Du. Vở diễn này đoạt Giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017. Và năm 2019, sân khấu Lệ Ngọc dựng Tấm, Cám theo kịch bản Nguyễn Hiếu chuyển thể từ truyện cổ tích nổi tiếng, quen thuộc của nước ta. Vở diễn này sẽ tham gia Liên hoan sân khấu quốc tế ở Nhật Bản năm 2020...

Làng Chèm - nơi nuôi dưỡng tâm hồn văn chương của nhà văn Nguyễn Hiếu

Trong số gần 30 tiểu thuyết, chục tập truyện ngắn, hơn 60 kịch bản sân khấu, gần 20 kịch bản điện ảnh, nhiều tác phẩm ghi đậm hình ảnh làng Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quê ngoại của nhà văn Nguyễn Hiếu.

Làng Chèm (trong các tác phẩm được ông đổi tên là Chiện), một làng cổ có dòng sông Hồng chảy qua cùng phong cảnh kỳ thú, nên thơ với những đầm ao, cánh đồng mênh mông, lũy tre xanh mướt, dốc làng hoang vắng nhiều huyền thoại, ngôi đình hàng nghìn năm, những am, miếu giữa làng... đã tạo ra chất hư ảo trong bút pháp của Nguyễn Hiếu.

Làng Chèm cũng chính là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn, và khiến cho nhà văn Nguyễn Hiếu có được sự nhạy cảm trong việc quan sát cuộc sống, xã hội đương thời để làm chất liệu cho văn học của ông. Trong một lần chia sẻ với báo chí, nhà văn Nguyễn Hiếu cho biết: "Tôi là dân làng Chèm, một làng quê khá cổ. Tôi đã trải qua nhiều chế độ, lớn lên làm báo lại va chạm với nhiều người, nhiều hoàn cảnh, nên vốn sống ắp đầy, phản xạ đề tài nhanh nhạy. 

Sự nghiệp nhà văn Nguyễn Hiếu: "Lực sĩ của văn xuôi Việt Nam" - Ảnh 4.

NSƯT Lê Chức – tri kỷ lâu năm của nhà văn Nguyễn Hiếu chụp ảnh lưu niệm tại Đình Chèm thuộc làng Chèm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: Thuỷ Vũ)

Với tư cách là một nhà văn, bằng tác phẩm và việc làm của mình khẳng định một điều bất biến: Tình yêu với quê hương là một trong những tình cảm cao quý nhất, đó chính là sức mạnh tạo cho mỗi con người biết yêu thương, vượt qua, hy sinh.

Dù thăng trầm của thời gian, của cuộc sống và cả môi trường sống thay đổi thế nào thì quê hương luôn là điểm tựa của cội nguồn trong sáng, là niềm tin để mỗi con người xây dựng và giữ gìn thiện lương trong tâm hồn mình, trong thời đại kỹ thuật, sự tính toán thương mại đang ngày càng ảnh hưởng tới cuộc sống", nhà văn Nguyễn Hiếu trải lòng.

Khi tuổi đã cao, sức đã yếu, nhà văn Nguyễn Hiếu vẫn duy trì đam mê rực cháy với văn chương. Khi được hỏi vì sao vẫn duy trì cường độ lao động ghê gớm đến vậy, nhà văn Nguyễn Hiếu tếu táo giải thích, ấy là do "giời đày". Với lý tưởng muốn cho độc giả đương thời và cả mai sau cùng hiểu rõ hiện thực cuộc sống hôm nay, nhà văn Nguyễn Hiếu vẫn cứ miệt mài viết. Cả cuộc đời của ông đã sống và cống hiến cho văn chương nước nhà.

Nhà văn tài hoa, "lực sĩ của văn xuôi Việt Nam" đã đột ngột  qua đời lúc 10h50 ngày 5/3 tại nhà riêng ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi trong sự bàng hoàng và xót thương vô hạn của bạn bè đồng nghiệp và người hâm mộ văn chương ông.

Lễ viếng nhà văn Nguyễn Hiếu diễn ra vào 16h5 cùng ngày. Lễ truy điệu vào chiều 6/3, an táng tại nghĩa trang quê nhà - phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem