Sự thật việc canh tác lúa bằng phương pháp mới: Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT lên tiếng (Bài cuối)

Trần Quang - Nguyễn Chương (thực hiện) Thứ bảy, ngày 11/05/2024 06:00 AM (GMT+7)
"Đối với việc đưa một giống cây trồng về sản xuất, buôn bán tại địa phương mà giống đó chưa được cấp quyết định lưu hành là hành vi vi phạm pháp luật"- ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt như trên về các quy định trong sản xuất các giống cây trồng ở Việt Nam.
Bình luận 0
Sự thật việc canh tác lúa bằng phương pháp mới: Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT lên tiếng (Bài cuối)- Ảnh 1.

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: Đối với việc đưa một giống cây trồng về sản xuất mà giống đó chưa được cấp quyết định lưu hành là hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Như Cường cho biết:

- Về sản xuất giống cây trồng, hiện nay theo các quy định của pháp luật, đối với các giống cây trồng chính gồm lúa, cà phê, cam, bưởi..., trước khi sản xuất, kinh doanh phải được cấp có thẩm quyền cấp quyết định lưu hành. Tất cả các các giống được cấp quyết định lưu hành đều phải có bước khảo nghiệm, đánh giá về năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng, cũng như giá trị canh tác, giá trị sử dụng của các giống đối với các vùng sinh thái mà tác giả của giống đó muốn sản xuất, kinh doanh.

Khi khảo nghiệm, chúng ta sẽ khảo nghiệm về khả năng chống chịu đối với các loại sâu bệnh chính như đạo ôn, rầy nâu, bạc lá đối với giống lúa.

Đối với các cây trồng không thuộc danh mục cây trồng chính theo Luật Trồng trọt thì từ ngày 1/1/2023 những giống cây trồng không thuộc giống cây trồng chính muốn sản xuất, kinh doanh thì phải được công bố lưu hành.

Theo tìm hiểu của nhóm PV Báo điện tử Dân Việt, từ năm 2020 đến nay, người dân tại một số địa phương miền Bắc như Ninh Bình, Nam Định... đang sản xuất giống lúa hạt ngọc thiên hương (hay còn gọi là giống lúa tiến vua). Thậm chí, nông dân ở các vùng này còn được tuyên truyền là có thể sử dụng phương pháp canh tác lúa hữu cơ, kết hợp với biện pháp được cho là mang tính "tâm linh" để chăm sóc lúa, xua đuổi chuột, sâu bệnh hại cây trồng bằng... "năng lượng phi vật chất". Là đơn vị được Bộ NNPTNT giao quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về hoạt động trồng trọt, ông có nhìn nhận, đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

- Về vấn đề này, bước đầu chúng tôi đã nhận được thông tin do phóng viên Báo điện tử Dân Việt cung cấp. Sau đó, chúng tôi có vào cuộc xác minh, kết quả cho thấy: Giống lúa này khảo nghiệm không đạt yêu cầu. Khi giống không đạt yêu cầu trong khảo nghiệm, chưa được cấp quyết định lưu hành theo quy định, sẽ không được phép sản xuất, buôn bán tại địa phương.

Sự thật việc canh tác lúa bằng phương pháp mới: Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT lên tiếng (Bài cuối)- Ảnh 2.

Nông dân chăm sóc giống lúa mới trong vụ xuân 2024 trên cánh đồng xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Hiện chúng tôi đang làm văn bản gửi cơ quan chức năng để phối hợp xử lý. Đồng thời, chúng tôi đã làm văn bản gửi và đề nghị các tỉnh, thành phải vào cuộc xác minh và xử lý nghiêm các hoạt động sản xuất giống lúa chưa được công nhận và tuyên truyền những biện pháp canh tác chưa được công nhận trong sản xuất.

Tôi xin khẳng định, việc sản xuất lúa đã trải qua hàng nghìn năm, về thực tế cũng như khoa học, rõ ràng các yếu tố cơ bản để hình thành như đất, nước, giống và quy trình canh tác phù hợp bao gồm phân bón, thuốc BVTV mới có thể đảm bảo thực hiện được theo quy trình canh tác lúa.

Đối với việc sản xuất lúa dùng năng lượng huyền bí nào đó, theo tôi đây là những việc, hiện tượng không có cơ sở khoa học và cần phải chấm dứt. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để đánh giá tính hợp pháp của hoạt động này cũng như các tác động, ảnh hưởng của vấn đề này đối với hoạt động sản xuất, thu nhập của người dân.

Sau một thời gian dài theo dõi, đối chứng việc sản xuất giống lúa trên và các biện pháp canh tác mới ở một số địa phương, PV Dân Việt đã tìm hiểu về một người ở Côn Sơn (Hải Dương) được cho là có khả năng "tâm linh" giúp nông dân ở một số tỉnh miền Bắc xua đuổi chuột, sâu bệnh hại cho lúa, chè, cà phê, thậm chí còn có thể thay lõi, "linh hồn" cho các giống cây trồng, giúp "trẻ hóa" các giống cũ để thành giống mới, với kinh nghiệm thực tế của ngành, ông có ý kiến như thế nào?

- Về vấn đề cá nhân nào đó, tự cho mình có khả năng để thay đổi giống cây trồng bằng các biện pháp khác khoa học hiện nay, tôi chưa được biết. Song về cơ chế khoa học, giống cây trồng là một thực thể về sinh vật, một cá thể sinh học và tất cả các yếu tố quy định về khả năng chống chịu với sâu bệnh, thời tiết khí hậu cũng như tiềm năng năng suất, thời gian sinh trưởng, đó là đặc tính di truyền của giống. Để làm thay đổi các yếu tố di truyền của giống thì cần phải có quá trình lai tạo, quá trình tác động vật lý cụ thể bằng các phương pháp khoa học.

Do đó, không thể có chuyện dùng một năng lượng siêu nhiên, một câu "thần chú" gì đó mà có thể thay đổi được bản chất di truyền của giống đã được hình thành trong quá trình rất lâu, được chọn tạo trong một thời gian dài.

Vậy ông có khuyến cáo gì đối với người nông dân, các địa phương trong sản xuất nông nghiệp hiện nay nói chung và sản xuất lúa nói riêng?

- Như tôi đã nói, lúa là giống cây trồng chính, để được sản xuất, kinh doanh hợp pháp thì phải được cơ quan chức năng, cụ thể là Cục Trồng trọt cấp quyết định lưu hành.

Để được cấp quyết định lưu hành thì cần xác định rõ nguồn gốc, đặc tính sinh học, khảo nghiệm, sự ổn định, sự đồng nhất về giống cũng như khảo nghiệm khả năng canh tác, khả năng sử dụng của giống đối với từng vùng sinh thái. Giống đó phải đảm bảo tiêu chí của tiêu chuẩn công nhận giống thì mới được cấp quyết định lưu hành. Khi được cấp quyết định này thì mới được phép sản xuất, kinh doanh.

Đối với việc đưa một giống về sản xuất ở địa phương mà giống đó chưa được cấp quyết định lưu hành là hành vi vi phạm pháp luật.

Sự thật việc canh tác lúa bằng phương pháp mới: Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT lên tiếng (Bài cuối)- Ảnh 4.

Người dân ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) nói về giống lúa tiến vua ở địa phương.

Trong những năm qua, Cục Trồng trọt đã có rất nhiều văn bản gửi các địa phương đề nghị rà soát tất cả các giống cây trồng, đặc biệt là cây trồng chính trên địa bàn mình và chỉ cho phép sản xuất các giống cây trồng được cấp phép lưu hành, công nhận là giống cây trồng mới thuốc danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem