Cách trị bệnh đái tháo đường không dùng thuốc

Tuấn Kiệt (ghi) Thứ bảy, ngày 11/07/2015 08:41 AM (GMT+7)
Bác sĩ Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ người dân mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam đã tăng 200% (từ 2,7% lên 5,4%) trong khi thế giới chỉ tăng 54%. 
Bình luận 0

Nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường típ 2 mà nguyên nhân thường do lối sống không lành mạnh, ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều đường, uống nhiều nước ga, nước ngọt, uống nhiều rượu bia, béo phì… Hầu hết các bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện ở giai đoạn muộn khi có các biến chứng như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, biến chứng thận, biến chứng tim mạch…

img
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Dương, nếu kiểm soát bệnh từ sớm, phát hiện ra chỉ số đường huyết tăng có thể ngăn chặn nguy cơ bệnh đái tháo đường mà không cần thuốc. Trước hết, người có đường huyết cao cần thay đổi chế độ ăn để ổn định mức đường trong máu: Hạn chế ăn thức ăn có chứa nhiều đường, mỡ, đặc biệt là thức ăn nhanh, nước ngọt. Người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều rau và các loại trái cây có vỏ (táo, ổi, gạo lứt…); ăn nhiều thức ăn có chất xơ vì chất xơ sẽ giúp cơ thể hạn chế hấp thu đường, kích thích hoạt động của ruột, tăng cường tiêu hóa thức ăn, chống táo bón và giảm được nhiều chất có hại cho cơ thể.

Có nhiều người cho rằng bị đái tháo đường không nên ăn nhiều tinh bột vì tinh bột có thể chuyển hóa thành đường. Thực tế người bệnh nên hạn chế ăn tinh bột chứ không nên ăn kiêng tinh bột hoàn toàn với lượng khoảng 50-60% người khỏe mạnh. Nhưng nên sử dụng ngũ cốc thô, có nhiều vỏ chứa vitamin có lợi cho cơ thể như gạo lứt, đỗ, vừng. Phương thức chế biến cũng chủ yếu là luộc, hầm, hạn chế chiên xào.

Chất đạm cũng nên ăn cá, trứng, đặc biệt là sữa đậu nành, thịt nạc. Không ăn các thức ăn nhanh, đồ hộp, kẹo bánh ngọt. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, đồng thời ăn thêm bữa tối để tránh hạ đường huyết ban đêm. Ăn nhạt khi có tăng huyết áp, chỉ nên ăn 2-3g muối/ngày.

Người bệnh cũng nên uống nhiều nước lọc, ít nhất từ 1,5-2 lít mỗi ngày.

Bệnh nhân cần tập thể dục đều đặn để duy trì cân nặng hợp lý bằng các bài tập nhẹ như đi bộ, đạp xe, đi bơi, tập dưỡng sinh, yoga… Đặc biệt với các bệnh nhân vừa bị đái tháo đường vừa có bệnh huyết áp cao không nên tập quá sức, tránh đột quỵ; cũng không tập thể dục khi đường huyết quá cao.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem