Cảnh giác với các kiểu biến chứng sốt xuất huyết

Nguyễn Trang Thứ hai, ngày 10/11/2014 06:40 AM (GMT+7)
Sốt xuất huyết (SXH) được coi là bệnh lành tính, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bệnh nhiệt đới, SXH càng ngày càng có nhiều biến chứng.
Bình luận 0

Trong số các biến chứng nặng có các loại sau: Biến chứng do tăng tính thấm thành mạch và rối loạn đông máu; xuất huyết phủ tạng nặng, ở giai đoạn muộn do đông máu rải rác nội mạch (DIC).

imgKhi có các triệu chứng điển hình của SXH cần đưa con em tới cơ sở y tế để điều trị kịp thời. (ảnh minh hoạ).       Đàm Duy

 

Điểm đáng lưu ý, ngoài biến chứng liên quan tới xuất huyết, bệnh SXH còn gây biến chứng ở nhiều cơ quan khác trên cơ thể người. Cụ thể là các biến chứng:

Não: Hôn mê và hội chứng não cấp, phù não nặng.

Tim: Tràn dịch màng ngoài tim, suy mạch vành rối loạn dẫn truyền, phù nề khe tim, xuất huyết cơ tim.

Phổi: Tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp.

Thận: Suy thận cấp.

Tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tinh hoàn, phù thiểu dưỡng, xảy thai đẻ non ở phụ nữ có thai.

Khi điều trị, các bác sĩ sẽ thực hiện phân loại mức độ bệnh. Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, SXH Dengue chia thành 4 độ:

Độ I: Sốt + dấu hiệu dây thắt (+), không có xuất huyết tự nhiên.

Độ II: Sốt + xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc niêm mạc.

Độ III: Như độ I, II + mạch nhanh nhỏ huyết áp kẹt hoặc tụt, da lạnh, bứt rứt vật vã.

Độ IV: Sốc sâu, huyết áp không đo được, mạch không bắt được.

Khi bệnh nhân có mức SXH độ 3, các biến chứng nói trên sẽ “ồ ạt” đổ ra tấn công gây tiên lượng xấu khi điều trị. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến- Phó khoa Hồi sức (BV Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết, khoa đã cấp cứu nhiều ca SXH độ 3. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp nhưng trong trường hợp SXH độ 3, bệnh nhân sẽ được đặt catheter đo áp lực tĩnh mạch trung ương (CVP), để quyết định duy trì dịch chống sốc, catheter động mạch quay đo huyết áp xâm lấn, dùng vận mạch dopamine, dobutamine để duy trì huyết áp, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu để cầm máu xuất huyết tiêu hóa.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân bị tràn dịch màng bụng nhiều, gây suy hô hấp nặng không thở được, bác sĩ sẽ phải chọc dò màng bụng, giải ép, giúp bệnh nhân bớt khó thở”.

Chính vì vậy, theo khuyến cáo của các bác sĩ, cha mẹ bệnh nhi mắc SXH cần theo dõi kỹ biểu hiện sốt của con. Khi có các triệu chứng điển hình của SXH cần đưa con em tới cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh để biến chứng nặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem