Thu hút các công ty xuyên quốc gia

Thứ bảy, ngày 04/05/2013 20:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong gần 2 năm qua, một số mô hình thí điểm hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp đã phát huy hiệu quả. Cần làm gì để tiếp tục thúc đẩy mô hình này là chủ đề mà NTNN trao đổi với TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bình luận 0

Thưa ông, vì sao PPP được coi là chìa khóa trong việc thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực nông nghiệp?

img
Giải pháp hợp tác đầu tư công - tư trong nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

- Việc áp dụng giải pháp công - tư là một trong những phương tiện hết sức hiệu quả ở các quốc gia trên thế giới trong việc thu hút của các thành phần kinh tế, nhất là các thành phần tư nhân vào những lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích phát triển (trong đó có nông nghiệp).

Việt Nam là quốc gia có lợi thế so sánh rất rõ rệt về nông nghiệp và các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp xuyên quốc gia đã nhìn thấy lợi thế này, đặc biệt là trong tình hình kinh tế thế giới khó khăn hiện nay. Trên thế giới, nông nghiệp được đánh giá là ngành có triển vọng vì giá nông sản sẽ ở mức cao trong vòng nhiều năm tới khi biến đổi khí hậu đang có những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, đã có nhiều mô hình hợp tác PPP thành công, nổi bật là mô hình trồng chè ở Yên Bái, trồng khoai tây ở đồng bằng sông Hồng, chế biến thủy sản ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mô hình "vườn mẫu" trong trồng cà phê ở Tây Nguyên của Tập đoàn Nestlé… Hiện đang có 12 tập đoàn, công ty xuyên quốc gia đang tiến hành đàm phán hợp tác theo mô hình trên vào sản xuất nông nghiệp nước ta.

Theo ông, những lợi thế so sánh ấy sẽ đem lại cơ hội gì trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp?

- Chúng ta đang có rất nhiều ngành hàng mà Việt Nam chiếm vị trí quan trọng trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, thủy sản… Tuy nhiên, đó là về vị trí, còn về quy mô thì chưa có thương hiệu mạnh và giá trị gia tăng rất thấp.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để những mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế đem lại lợi ích cho nông dân, đất nước và phát triển bền vững là câu hỏi lớn; một trong những giải pháp hiệu quả là phải kết nối vào "chuỗi giá trị toàn cầu", đưa nó vào cung cấp cho các nước, các thị trường ổn định với thương hiệu nông sản của Việt Nam với giá trị gia tăng đem lại thu nhập cho người nông dân.

Trong thời gian qua, chúng ta đã xây dựng nhiều chính sách để khuyến khích liên kết giữa nông dân với các thành phần khác, song hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Theo ông, với mô hình PPP, liệu sự liên kết sẽ hiệu quả hơn?

- PPP là mô hình mà chúng ta mong đợi và ngay cả những ngành đã từng đầu tư rất nhiều như công nghiệp, dịch vụ từ trước đến nay cũng ít khi đạt được yêu cầu đó, đó là khó liên kết được với các công ty xuyên quốc gia, hoặc kết nối vào chuỗi liên kết toàn cầu. Theo tôi, cách phối hợp giữa tư nhân và Nhà nước, đặc biệt là vai trò của nông dân ở Việt Nam là rất hiệu quả, nhưng chúng ta còn phải làm rất nhiều trong một thời gian nữa để nâng quy mô lên đem lại thu nhập cho nông dân.

Chúng ta có 10 triệu hộ nông dân, mỗi hộ trung bình sản xuất chỉ có 0,6ha/hộ và được chia làm nhiều mảnh. Thế nên, sản xuất nhỏ lẻ áp dụng công nghệ lạc hậu và cơ sở hạ tầng thấp kém thì rất khó khăn để xây dựng nền kinh tế hàng hóa giá trị gia tăng, đây là khoảng cách rất lớn chúng ta phải vượt qua. Do đó, nếu chúng ta thu hút được thêm sự hỗ trợ từ quốc tế, thì tôi tin rằng, chúng ta sẽ đi đến đích bằng cách làm của Việt Nam- sáng tạo, có sự giúp đỡ hiệu quả của quốc tế.

Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem