ASEAN+3 tạo dựng sự liên kết chặt chẽ

Thứ bảy, ngày 30/10/2010 08:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 29-10, các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác bước sang ngày làm việc thứ hai với nhiều cuộc họp quan trọng như Hội nghị Cấp cao Mekong- Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 13...
Bình luận 0

ASEAN+3 thúc đẩy hợp tác Đông Á

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 13, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc, đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có việc phối hợp chuẩn bị cho sự tham dự của Chủ tịch ASEAN tại Cấp cao G-20 ở Hàn Quốc, Hội nghị COP-16 về Biến đổi khí hậu tại Mexico, tình hình bán đảo Triều Tiên…

img
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 13 tại Hà Nội ngày 29-10.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, kể từ năm 1997, tiến trình hợp tác ASEAN+3 đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, hỗ trợ đắc lực cho nỗ lực chung của các nước ASEAN+3 trong việc xử lý hiệu quả nhiều thách thức chung, nhất là vượt qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tiến trình ASEAN+3 ngày càng chứng tỏ là một trong những cơ chế năng động và hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy hợp tác Đông Á; khẳng định được vai trò là khuôn khổ chính hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng một cộng đồng ở Đông Á.

Về định hướng tương lai của tiến trình hợp tác ASEAN+3, các nhà lãnh đạo ASEAN+3 thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả các thỏa thuận nhất là Kế hoạch công tác Hợp tác ASEAN+3; tăng cường hợp tác sâu rộng hơn về các vấn đề tài chính - tiền tệ; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông vận tải và phát triển cơ sở hạ tầng ở cả hai cấp độ song phương và khu vực, để tạo dựng sự liên kết kinh tế chặt chẽ hơn ở khu vực.

“Hướng tới một thập kỷ Mekong xanh”

Tại hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ hai diễn ra cùng ngày, lãnh đạo các nước đã nhất trí thông qua chương trình hành động triển khai sáng kiến “Hướng tới một thập kỷ Mekong xanh”.

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng 5 nước vùng hạ Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam cùng Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan. Theo sáng kiến Mekong xanh và kế hoạch hành động “Hướng tới một thập kỷ Mekong xanh”, các bên sẽ hợp tác bảo tồn môi trường để khu vực Mekong có thể đạt được mục tiêu nhiều cây xanh, đa dạng sinh học và có khả năng chống chọi với thiên tai bằng nhiều biện pháp, trong đó có trồng rừng.

Các nhà lãnh đạo Mekong đánh giá cao vai trò của Nhật Bản tại khu vực, đặc biệt trong hợp tác và phát triển. Thủ tướng Nhật Naoto Kan cam kết tiếp tục chung sức với các nước trong khu vực Mekong để thực hiện các mục tiêu đề ra trong hội nghị lần thứ nhất.

Cũng trong ngày 29-10, Hội nghị ASEAN – Nhật Bản, Hội nghị cấp cao ASEAN- Hàn Quốc diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Hà Nội. Các Hội nghị này cũng đạt được những thỏa thuận quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển trong ASEAN và Đông Á. Đây là hoạt động cấp cao cuối cùng trong năm mà Việt Nam chủ trì với tư cách chủ tịch ASEAN.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon

Ngày 29-10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp thân mật Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Ông Ban Ki-moon khẳng định, LHQ sẽ tích cực hỗ trợ VN trong các lĩnh vực ưu tiên là xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống HIV/AIDS, phát triển năng lượng và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững; phối hợp chặt chẽ với VN triển khai có hiệu quả sáng kiến Một LHQ và tạo điều kiện thuận lợi để VN có thể tham gia hiệu quả hơn trong các hoạt động thuộc LHQ.

Tổng Bí thư đánh giá cao nỗ lực và đóng góp to lớn của LHQ và vai trò quan trọng của cá nhân Ngài Tổng Thư ký LHQ trong công cuộc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển vào bảo đảm quyền con người, xây dựng luật pháp quốc tế; khẳng định VN ủng hộ LHQ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, dân chủ hóa đời sống quốc tế, đóng vai trò trung tâm trong điều phối nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đáp ứng lợi ích của các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển và giải quyết các thách thức chung của nhân loại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem