Đề Văn đại học dễ bị hiểu nhầm vì "khôn khéo"

Thứ ba, ngày 16/07/2013 17:06 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của nhiều giáo viên dạy Văn. Để rộng đường dư luận, Dân Việt xin giới thiệu ý kiến của Thạc sĩ Văn học Nguyễn Thị Xuân Dung- Giảng viên Thỉnh giảng của ĐH Văn Lang.
Bình luận 0

img

"Câu nghị luận xã hội năm nay ở đề thi môn Văn CĐ khá dễ vì chỉ yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm xoay quanh ý kiến: “Khi mắc lỗi người tử tế sẵn sàng nhận lỗi, còn người ti tiện sẵn sàng đổ lỗi”. Những vấn đề đó thí sinh đã từng nghe, từng đọc, từng gặp qua… nên cứ thế viết ra bằng lập luận của mình.

Tuy nhiên, ở đề thi môn Văn ĐH khối C thì lại khác, dẫn lời Giáo sư Trần Đình Hượu về lối sống người Việt: “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn” nêu yêu cầu khá rõ ràng là “từ những nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực” của lối sống trên để “bày tỏ quan điểm sống của chính mình”, cho nên thí sinh lại rất dễ đi nhầm đường. Lý do xuất phát từ tầm nhận thức và kinh nghiệm sống còn khá hạn hẹp của tuổi học trò.

Quan điểm đề cao sự khôn khéo khá phổ biến, không chỉ ở người Việt Nam ta mà hầu như đều xuất hiện ở hầu hết các nước, đặc biệt là các nước phương Đông. Chẳng hạn như triết lý sống của cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống” cũng không nằm ngoài ý này. “Biết” ở đây cũng chính là sự khôn khéo.

Nhưng, cái “biết”, cái “khôn khéo” ấy đòi hỏi ở chúng ta có sự trải nghiệm, thậm chí là qua những va chạm, những lần được mất thì mới rút ra và thấm thía được. Trong khi đó, tâm hồn và suy nghĩ của các em học sinh còn ngây thơ, trong sáng nên các em chưa đủ tầm nhận thức để hiểu hết cái gọi là “khôn khéo” ở đây.

Một hệ quả khó tránh khỏi là có không ít em nghĩ rằng “khôn khéo” chính là thái độ “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Vô hình trung, sự “khôn khéo” bị đánh đồng với sự “khôn lỏi”, và theo yêu cầu của đề thi, các em phải nói về mặt tích cực của nó. Sẽ có không ít thí sinh sẽ phân tích đề thi này theo hướng: phải khôn khéo mà sống.

Hơn nữa, nếu chỉ chăm chăm vào câu nhận xét của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu và thiếu tỉnh táo một chút, các em sẽ dễ bị đẩy theo một chiều suy nghĩ là đề cao sự khôn khéo (có thể bị nhầm là khôn lỏi), và cứ thế ca ngợi sự khôn lỏi khi đưa ra quan niệm sống của mình.

Hẳn đó không phải là điều người ra đề thi, cũng như người chấm thi mong đợi.

Thí sinh không sai, chỉ là tầm hiểu biết của các em chưa đủ để cảm nhận và bình luận về vấn đề được đặt ra. Câu hỏi cũng không đáng bị phê phán, vì yêu cầu của nó thực sự rất hay và thú vị. Vấn đề ở đây là sự thiếu phù hợp. Do đó, đây là một câu hỏi khó, không giăng bẫy thí sinh, nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều em bị lạc đường".

Quốc Hải (ghi) (Quốc Hải (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem