Người mẹ của những đứa trẻ mồ côi

Chủ nhật, ngày 25/08/2013 06:28 AM (GMT+7)
Người phụ nữ ấy đã mười mấy năm gắn bó với trẻ mồ côi, để ươm mầm hy vọng, chắp đôi cánh cho hàng trăm trẻ thơ tung bay trong tình yêu thương ngập tràn.
Bình luận 0
Song, với chị ước mơ cháy bỏng vẫn là cầu mong cho xã hội bớt đi mảnh đời trẻ thơ bất hạnh, không phải để mình đỡ vất vả mà để bản thân các cháu không phải chịu thiệt thòi nhiều hơn nữa.

Bớt tình yêu con mình để sẻ san cho trẻ mồ côi

Hơn 13 năm miệt mài với công việc chăm sóc trẻ mồ côi, chị Võ Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và sơ sinh Quảng Nam tại xã Tam Đàn, Phú Ninh, Quảng Nam) đã ươm mầm hy vọng, giúp hàng trăm trẻ thơ bất hạnh vững bước trên con đường đời.

Dáng người phúc hậu, nụ cười nhẹ nhàng mà chan chứa yêu thương, với cương vị giám đốc trung tâm nhưng chị không có vẻ gì là lãnh đạo, vẫn bộ quần áo như của các bảo mẫu, vẫn luôn tay luôn chân với công việc chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ, vẫn những lời khuyên và sự sẻ chia, chị đã khơi dậy biết bao niềm hạnh phúc và mơ ước cho những mảnh đời nơi đây.
Chị Hạnh bên những đứa con của mình

Chúng tôi cùng chị Hạnh đang mải mê câu chuyện về những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh, chợt một đồng nghiệp của chị nói vui: “Chị là người giàu có nhất đấy!”. Chị Hạnh với nụ cười hiền hậu bảo: “Phải rồi, mình giàu vì có cả trăm con cơ đấy!”. Rồi chị nhẩm tính hơn 13 năm qua, chị đã chăm sóc cho hàng trăm đứa trẻ.

Dẫu chẳng phải do chính mình rứt ruột sinh ra nhưng chị đã ôm ấp chúng, nuôi dạy chúng trong dạt dào tình yêu thương của người mẹ dành cho những đứa con thơ. Mỗi một đứa trẻ là một mảnh đời bất hạnh nhói đau, nhưng bù lại chúng có được những người thật sự yêu thương dưới mái ấm này.

Chị tâm sự: “Mỗi cháu ở đây là một số phận khác nhau, có cháu mới mấy tháng tuổi nhưng đã mang trong mình căn bệnh HIV do mẹ truyền sang, có cháu dù đã 6 tuổi nhưng cứ ngây ngô không biết gì, cũng có cháu sống cuộc sống thực vật suốt những năm qua... Do vậy, chăm sóc các cháu rất vất vả. Nhưng, nhìn các cháu còn quá nhỏ và đáng yêu, các “bà mẹ” của trung tâm đều dành tất cả sự thương yêu xem như con ruột của mình, để bù đắp cho sự thiếu hụt của các cháu...”.
Chị Hạnh bên những đứa con của mình
Chị Hạnh bên những đứa con của mình
Chị ngậm ngùi nói khi nhìn những đứa trẻ chạy lon ton ra đầu cổng hát mừng đón người mẹ đặc biệt. Những khuôn mặt thơ dại với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, nhưng đằng sau đó lại là những số phận đáng buồn bởi cuộc đời gắn với hai chữ “mồ côi”. Có trẻ vẫn còn người thân, có gia đình. Nhưng cũng có rất nhiều trẻ chẳng bao giờ biết được cha mẹ mình là ai. Cuộc đời chúng mãi mãi gắn với những tháng ngày không cha, không mẹ, không người thân thích.

Tôi hỏi cơ duyên đến với nghề này, chị nhẹ nhàng bảo có lẽ cuộc đời đã gắn chị với những đôi mắt trẻ thơ như thế này. Sau khi học xong ngành y sỹ chuyên khoa nhi, chị tình nguyện lên công tác tại huyện miền núi Hiệp Đức 15 năm. Đến năm thứ 16 thì được luân chuyển công tác về miền xuôi đúng lúc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (cũ) tuyển nhân viên y tế cho Làng trẻ SOS tại Đà Nẵng. Nhưng rồi lúc này vì xa nhà, lại mới lập gia đình nên chị xin về thị xã Tam Kỳ (cũ) công tác.

Đến năm 2001 khi trung tâm này được thành lập, chị viết đơn xin vào đây để chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi này. Chị nhớ mãi cái lần đầu tiên nhận quyết định về đây đã có một đứa trẻ bị bỏ rơi, sức khỏe rất yếu. Chị đạp xe từ nhà đến trung tâm với chặng đường hơn 7km mà chỉ cầu mong Trời Phật giúp chị giữ được tính mạng của sinh linh bé nhỏ này. Cũng may chị đến kịp, nếu không đứa trẻ mới sinh được vài ngày tuổi bị bỏ rơi ngay tại trung tâm đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe, chị Hạnh còn dạy các con học hành
Không chỉ chăm sóc sức khỏe, chị Hạnh còn dạy các con học hành
Sau cái lần đầu tiên đáng nhớ ấy, còn biết bao lần khác trung tâm có những đứa trẻ bị bỏ rơi như thế đều đến tay chị chăm sóc, nuôi dưỡng. Có những lúc phát hiện cháu bé bị bỏ rơi lúc 2 giờ sáng, chị lại hộc tốc chạy đến để kiểm tra sức khỏe cháu bé, rồi lo mọi thủ tục để trung tâm nhận nuôi cháu. Một ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ 6 giờ, và có khi kết thúc vào khoảng 22 giờ.

Anh Võ Duy Sinh - chồng chị - ban đầu cũng khó chịu vì lịch làm việc không có giờ giấc gì của vợ, rồi chuyện nhà cửa con gái không ai lo. Nhưng rồi nhận thấy công việc đặc biệt của vợ, nhận thấy tình cảm đặc biệt của vợ dành cho những đứa trẻ mồ côi đã chịu nhiều thiệt thòi bất hạnh ấy nên anh càng cảm phục vợ hơn. Cảm phục nên anh thông cảm và chia sẻ công việc với vợ. Có những đêm ở trung tâm có chuyện, chị mải miết chạy xe đến giữa đêm mưa gió, đến cửa trung tâm thì thấy chồng mình và đứa con gái nhỏ cũng đã ở phía sau lưng. Thì ra sợ chị đi đêm hôm mưa gió gặp chuyện gì nên anh không an lòng, lúc ấy chị cảm động và thương chồng đến rơi nước mắt.

Anh Sinh cũng càng thương vợ nhiều hơn. Còn đứa con gái nhỏ của chị thấy mẹ ít dành thời gian cho mình nên nhiều lúc cũng hờn lẫy. Chị lại thủ thỉ với con rằng ít ra con còn có cha có mẹ, còn được chăm sóc thương yêu. Còn mấy đứa trẻ kia nào có gì ngoài thời gian ít ỏi chị dành cho chúng, không được ăn quà bánh, không có manh áo lành, không có cả những đêm ngủ ngon giấc. Sau những lần hai mẹ con tâm sự như thế, con gái chị cũng hiểu ra, lại càng thương mẹ và thương các em nhỏ mồ côi nhiều hơn.

Chị Hạnh bộc bạch: “Chị có một đứa con ruột nhưng nhẩm tính thời gian chị bên con ở nhà ít hơn nhiều so với các con ở trung tâm, được cái con ở nhà thấu hiểu công việc của mẹ, thương những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh nên cứ động viên mẹ cố gắng!”. Nhiều lúc con gái chị để dành tiền ăn sáng mùa quà, mua sách vở, quần áo mang vào cho các em nhỏ mồ côi. Thấy con gái có tấm lòng như thế, chị hạnh phúc mà không nói thành lời.

Trong tình thương bao la

Ngược dòng thời gian nhớ lại chuỗi ngày làm mẹ của trẻ mồ côi, chị Hạnh khóc rồi lại cười. Cảm xúc bên những đứa con thơ bất hạnh chất chứa bao niềm vui nỗi buồn. “Trung tâm từ rất lâu là một gia đình lớn, các cháu gọi các cô bảo mẫu là mẹ, còn các cô bảo mẫu gọi các cháu là con… Thương lắm! Lũ trẻ có tội tình gì đâu mà đang tâm vứt bỏ nó! Nếu may mắn được mọi người phát hiện thì chúng có cơ hội để được làm người, còn không thì...”.

Trong những lời kể đứt quãng của chị Hạnh, có những câu chuyện như dao cắt lòng. Như trường hợp một bé trai bị bỏ rơi tại Trường mẫu giáo Hòa Hương, khi người dân phát hiện được thì cháu đã quá yếu sức, lại bị côn trùng bu khắp người. Dù các bác sĩ đã cấp cứu và tích cực điều trị nhưng chỉ một tuần sau cháu không qua khỏi. “Có lẽ thương số phận hẩm hiu của chúng nên trời đất cũng ưu ái. Có nhiều cháu bị bệnh nặng trước khi đến đây tưởng không qua khỏi, nay phát triển bình thường!

Để bù đắp những tổn thất, chúng tôi chọn những tên hay, đẹp, đặt cho các cháu, mong chúng có một tương lai tốt đẹp, hạnh phúc hơn”. Không chỉ bị bỏ rơi lúc sơ sinh, nhiều trẻ bị bỏ rơi lúc vài tuổi, không được chăm sóc, bị tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần. Khác với những trẻ em có cha mẹ, lớn lên trong sự dạy bảo, yêu thương, đa số trẻ vô thừa nhận, thiếu tình thương gia đình sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm sinh lý khi trưởng thành.

Chị Hạnh chẳng nhớ đã bao nhiêu lần rơi nước mắt khi nghe những đứa trẻ tâm sự về cuộc đời, và cả những suy nghĩ của chúng. Và dù công việc nhiều vất vả, cuộc sống của lũ trẻ còn nhiều khó khăn nhưng chị vẫn luôn động viên mình và mọi người trong trung tâm cố gắng. “Quan trọng nhất là cái tâm. Các anh chị em ở đây đều thế, không có cái tâm thì không thể gắn bó lâu dài được”, chị Hạnh chia sẻ. Chị cười thật hiền: “Có người mẹ nào thấy con khôn lớn mà không vui cơ chứ.

Nhiều cháu đã lập gia đình riêng, công việc ổn định thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm sức khỏe của mẹ và các em trong trung tâm. Chỉ cần có thế đã vui lắm rồi!”. Hạnh phúc nào hơn khi đêm đến các cháu tranh nhau để được ngủ với “mẹ Hạnh”, để được sưởi ấm trong tình thương của mẹ. “Nhiều lúc phải phân công hôm nay đứa này ngủ thì hôm sau đến lượt đứa khác, mà đứa nào cũng giành ngủ với mẹ hết!”, chị Hạnh nói trong niềm hạnh phúc.

Chị Hạnh tâm sự: “Nhiều lúc mình rất buồn vì nói hoài mà các cháu không nghe. Nhưng khi nghĩ lại mới thấy tội, đứa trẻ nào cũng bất hạnh, sớm sinh ra đã bị khuyết tật hay vắng tình thương của cha mẹ nên không phát triển giống những trẻ khác được. Thấy các em như thế này mình xót xa lắm. Phần lớn những em này có tuổi đời rất ngắn, nên nhiều em trong số đó có thể sẽ không có cơ hội nhìn thấy người thân...”.

Câu nói của chị khiến chúng tôi khắc khoải mãi trên đường về. Bởi chẳng biết ngày nào đó, khi chúng tôi quay lại nơi đây, những cái tên, và cả những số phận mồ côi được nhắc trong bài viết này có còn nữa hay không? Còn chị, tôi vẫn cứ mong rằng chân cứng đá mềm, để chị có đủ niềm yêu thương dành cho những mảnh đời bất hạnh ấy…
Hữu Cường (Dòng Đời) (Hữu Cường (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem