Tâm phúc nào của Lưu Bang diệt họ Lã, đưa Hán Văn Đế lên ngôi?

Sơn Hà Thứ năm, ngày 11/01/2024 18:31 PM (GMT+7)
Chu Bột theo Lưu Bang từ những ngày khởi sự, rồi lại một tay diệt họ Lã, khôi phục lại nhà Hán và đưa Hán Văn Đế lên ngai vàng...
Bình luận 0

Chu Bột xứng danh tâm phúc của Lưu Bang

Tháng 7 năm 209 TCN, Lưu Bang khởi binh ở Bái huyện, xưng là Bái công. Chu Bột thấy thế bèn đầu quân cùng Lưu Bang. Khi quân của Lưu Bang tiến công vào quận Đãng, trong số các tướng thì Chu Bột là người đầu tiên lên được thành

Trong chiến dịch bình định Tam Tần, Chu Bột có công tiến chiếm Khúc Nghịch mở đường.

Năm 202 TCN, Lưu Bang xưng đế, lập ra nhà Hán, phong Chu Bột làm Giáng hầu.

Năm 200 TCN, Hàn vương Tín phản Hán theo Hung Nô. Tín thuyết phục Trần Hy làm phản nhà Hán. Hàn vương Tín đánh phá biên giới phía bắc, Trần Hy cũng làm phản ở đất Đại. Lưu Bang cùng Chu Bột mang quân đi đánh Trần Hy. Ông bình định được 17 huyện ở Nhạn Môn, sau đó ông tiến vào Linh Khâu, giết Trần Hy.

Tâm phúc nào của Lưu Bang diệt họ Lã, đưa Hán Văn Đế lên ngôi?- Ảnh 1.

Chu Bột theo Lưu Bang từ những ngày khởi sự. Ảnh minh họa.

Năm 195 TCN, Lưu Bang nghe tin Yên vương Lư Quán khởi binh chống lại nhà Hán bèn cử Chu Bột cùng Phàn Khoái dẫn binh đánh dẹp. Yên vương Quán bỏ chạy sang Hung Nô.

Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ qua đời, Huệ Đế Lưu Doanh lên nối ngôi, Chu Bột tiếp tục đảm nhận chức thái úy.

Ra tay diệt họ Lã, khôi phục quyền lực cho họ Lưu

Hán Huệ Đế không có con. Lã Thái hậu chọn từ bên ngoài một đứa trẻ rồi mạo xưng là con của Huệ Đế, lập làm thái tử. Năm 188 trước Công nguyên, Huệ Đế chết đứa trẻ đó liền nối ngôi vua, Lã Thái hậu có danh chính ngôn thuận để lâm triều chấp chính. 

Để củng cố quyền lực của mình, Lã Thái hậu muốn lập người họ Lã lên làm vương liền hỏi ý kiến các đại thần. Hữu thừa tướng Vương Lãng vốn là người cương trực, nói:

“Cao hoàng đế đã giết ngựa trắng ăn thề, ai không phải họ Lưu thì không được làm vương”.

Lã Thái hậu nghe nói rất không vui, lại hỏi Tả thừa tướng Trần Bình và thái uý Chu Bột. Trần Bình, Chu Bột nói:

“Cao Tổ bình định thiên hạ, phân phong con em mình làm vương, điều đó rõ ràng là đúng. Nay Thái hậu lâm triều, phong con em mình làm vương, thì sao lại không được”.

Lã Thái hậu sung sướng gật đầu.

Tan buổi chầu, Vương Lãng trách Trần Bình và Chu Bột:

”Khi tuyên thệ trước mặt tiên đế, các ông đều có dự. Thế mà bây giờ các ông lại đi ngược với lời thề. Như vậy thì sao xứng với tiên đế?”

Trần Bình và Chu Bột nói: “Thừa tướng đừng giận, hôm nay dám tranh luận với Thái hậu giữa triều đình thì chúng tôi không bằng ông; nhưng sau này bảo toàn được thiên hạ của họ Lưu ông sẽ không bằng được chúng tôi”.

Sau đó, Lã Thái hậu lần lượt phong các cháu là Lã Thái, Lã Sản, Lã Lộc, Lã Gia, Lã Thông làm vương, còn trao cho họ nắm quân quyền.

Toàn bộ đại quyền trong triều hầu như đều nằm trong tay họ Lã. Gia tộc của Lã Hậu chiếm hết quyền của họ Lưu, làm nhiều đại thần không phục nhưng đa số chỉ hậm hực không dám nói ra.

Lã Thái hậu chấp chính đến năm thứ tám thì lâm bệnh nặng. Trước khi hết, phong Triệu vương Lã Sản làm tướng quốc, thống lĩnh Nam quân, Lã Lộc làm thượng tướng quân, thống lĩnh Bắc quân, đồng thời dặn dò họ:

“Hiện nay họ Lã nắm quyền, các đại thần đều không phục. Sau khi ta mất các ngươi nhất định phải nắm lấy quân sĩ mà bảo vệ cung đình, không được đi đưa đám, đề phòng có kẻ ám hại”.

Sau khi Lã Thái hậu chết, binh quyền đều nằm trong tay Lã Sản, Lã Lộc. Họ muốn phát động chính biến nhưng chưa dám ra tay. Lưu Chương qua lời vợ, biết được âm mưu của họ Lã, liền cử người báo cho anh là Tề vương Lưu Tương biết, hẹn với Lưu Tường đem quân từ ngoài vào Trường An. Tề Vương Lưu Tường đem quân tiến về phía tây. Lã Sải được tin, liên phái tướng Quán Anh đem quân ra đối phó. Quán Anh đến Huỳnh Dương, bàn bạc với các bộ tướng:

“Họ Lã thống lĩnh đại quân toan chiếm thiên hạ của Họ Lưu. Nếu chúng ta tiến đánh Tề Vương thì chẳng phải là giúp họ Lã làm loạn hay sao?”.

Mọi người quyết định án binh bất động và ngầm thông báo cho Tề vương biết, đề nghị ông ta liên lạc với các chư hầu, đợi thời cơ để cùng khởi binh chống họ Lã. Tề vương nhận được thông báo, cũng tạm thời án binh bất động.

Chu Bột, Trần Bình biết họ Lã muốn làm loạn, toan ra tay trước, nhưng binh quyền còn nắm trong tay họ Lã nên chưa biết làm thế nào. Họ nghĩ tới Lịch Ký, con trai của Lịch Thương là bạn thân của Lã Lộc, liền cử người đến bảo Lịch Ký nói với Lã Lộc:

“Lã Hậu mất rồi, hoàng đế còn ít tuổi. Ngài là Triệu vương, lại cứ ở Trường An nắm quân đội, các đại thần và chư hầu đều nghi ngờ ngài, điều đó rất bất lợi. Nếu ngài giao binh quyền cho thái uý và về đất phong của mình thì quân Tề sẽ rút đi và các đại thần đều an tâm".

Lã Lộc tin theo lời của Lịch Ký, liên giao Bắc quân cho thái uý Chu Bột nắm. Chu Bột nắm được tướng ấn Bắc quân, liền tới ngay trại Bắc quân, nói các tướng sĩ:

“Ngày nay họ Lã muốn cướp quyền của họ Lưu, các ông xem nên làm thế nào? Ai theo họ Lã thì sắn tay áo bên phải lên, ai theo họ Lưu thì sắn tay áo bên trái lên!”.

Tướng sĩ Bắc quân xưa nay đều hướng về họ Lưu, nên vừa nghe lệnh, đã nhất tề sắn tay áo bên trái. Chu Bột đã tiếp quản được Bắc quân, giành được binh quyền từ tay Lã Lộc một cách êm thấm.

Lã Sản chưa biết Bắc quân của Lã Lộc đã rơi vào tay Chu Bột, nên vào cung Vị Ương để chuẩn bị phát động chính biến. Chu Bột phái Chu Hư hầu Lưu Chương dẫn hơn một ngàn quân ập tới, giết được Lã Sản. Tiếp đó, Chu Bột dẫn Bắc quân, tiêu diệt thế lực họ Lã.

Đến lúc đó, các đại thần mới dám mạnh dạn. Họ nói:

“Trước kia, người được Lã Thái hậu đưa lên ngôi vua không phải là con của hoàng thượng (tức Hán Huệ Đế). Ngày nay chúng ta diệt họ Lã, mà vẫn để thái tử giả đó làm hoàng đế, thì lớn lên chẳng vẫn là người họ Lã hay sao? Chi bằng chúng ta chọn trong số chư vương họ Lưu một người hiền minh nhất tôn lên làm hoàng đế”.

Các đại thần bàn bạc và nhận thấy trong số các con của Hán Cao Tổ, có Đại vương (Vương ở đất Đại) Lưu Hằng là người lớn tuổi nhất, lại có phẩm cách tốt nhất, liền phái người tới Đại quận (trị sở nay tại huyện Úy, Hà Bắc), đón Lưu Hằng về Trường An, lập làm hoàng đế. Đó là Hán Văn Đế.

Do sự đề cử của Trần Bình, Hán Văn Đế phong cho Chu Bột làm Hữu thừa tướng nhưng ở địa vị cao nhất, còn Trần Bình làm Tả thừa tướng nhưng chỉ ở ngôi thứ hai. Khi Hán Văn Đế bắt đầu quen với việc triều chính, có hỏi Chu Bột và Trần Bình các việc như một năm xét xử ngục hình bao nhiều người, một năm tiền và thóc xuất nhập bao nhiêu nhưng ông đều không biết được, mà Trần Bình ứng đối trôi chảy trước mặt Hán Văn Đế, được vua khen. Khi ra triều, Chu Bột trách Trần Bình sau không chỉ cho mình biết, nhưng lại bị ông ta hỏi vặn:

"Ông ở địa vị của mình mà lại không biết chức trách của mình sao? Nếu bệ hạ hỏi số người ăn trộm ăn cướp ở Tràng An thì ông định nói liều sao?”.

Cuối cùng ông nhận ra mình không bằng Trần Bình, bèn trả ấn thừa tướng. Tuy nhiên chỉ qua một năm, đến 178 TCN, Trần Bình qua đời, Chu Bột lại được trở về giữ chức thừa tướng.

Bị Hán Văn Đế nghi ngờ, suýt chết trong ngục tù

Càng về sau, Hán Văn Đế càng không còn tin tưởng Chu Bột. Chỉ một năm sau khi tái đảm nhận chức tướng, Chu Bột lại bị Văn Đế đuổi về ấp phong. Ông đành phải nghe theo, dâng biểu xin từ chức, về ấp Giáng. Chu Bột không cam tâm, lại sợ bị hãm hại và tỏ ra hống hách, khi gặp quận thủ và quận úy đều bảo gia nhân phải đem theo vũ khí. Ít lâu sau có người tố cáo ông có mưu đồ tạo phản. Hán Văn Đế ra lệnh bắt ông về Trường An xét xử. Chu Bột đã già, không thể tự biện hộ, bèn bị nhốt vào ngục. Trong ngục, ông bị bọn ngục lại đối xử tệ bạc. Ông đã phải ngầm lấy 1000 lạng vàng hối lộ cho cai ngục, cai ngục mới bày kế cho ông, bảo con dâu ông là công chúa nhà Hán (em gái Hán Văn Đế, lấy con trai ông là Chu Thắng) làm chứng, rồi xin Bạc Thái hậu miễn xá cho ông.

Một hôm, Hán Văn Đế lâm triều, Bạc Thái hậu lấy khăn trùm hướng phía Hán Văn Đế mà ném, nói: "Giáng hầu có công với Hoàng đế, suất lĩnh Bắc quân hơn cả vạn người, giúp Hoàng đế lên ngôi. Khí thế khi đó một lòng vì Hoàng đế, không hề mưu phản, thế mà bây giờ một chuyện nhỏ thì lại khép tội ông ta mưu phản sao?!”. Hán Văn Đế hướng đến Thái hậu quỳ nói: "Quan coi ngục đã điều tra xong, lập tức thả ông ta ra ngục”.

Cuối cùng Chu Bột thoát khỏi ngục và được trở về ấp Giáng. Nhưng cũng từ đó ông không được trọng dụng nữa.

Năm 169 TCN, Giáng hầu Chu Bột qua đời, thụy hiệu là Giáng Vũ hầu. Tính từ khi theo Lưu Bang khởi nghĩa năm 209 TCN đến khi mất, Chu Bột hoạt động 40 năm, không rõ bao nhiêu tuổi. Con trưởng của ông, Chu Thắng (người lấy công chúa nhà Hán) kế tập tước hầu. Được sáu năm, Chu Thắng phạm tội, tình cảm với công chúa cũng đã rạn nứt nên bị phế bỏ tước vị.

Ít lâu sau, Hán Văn Đế tiếp tục phong cho con trai thứ của ông là Chu Á Phu, đang làm thái thú Hà Nội, làm Điều hầu để kế tục ông. Năm 154 TCN, khi bảy nước khởi loạn, Chu Á Phu được lệnh cầm quân đánh dẹp, nhờ chiến thuật xuất sắc đã nhanh chóng đánh bại được các chư hầu, lập được đại công cho nhà Hán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem