Tập Cận Bình thăm Triều Tiên: Láng giềng gần đấu đối thủ xa

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ tư, ngày 19/06/2019 13:30 PM (GMT+7)
Việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Triều Tiên không bất ngờ bởi lời mời đã được nói ra từ tháng 3 năm ngoái và bởi sau những gì đã diễn ra trên bán đảo Triều Tiên cũng như những động thái ngoại giao của Triều Tiên với Mỹ và Nga thì chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình chỉ còn là vấn đề thời gian và lại còn sẽ chỉ có thể sớm chứ không muộn.
Bình luận 0

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong chuyến thăm Bắc Kinh.

Nhưng việc chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình được công bố chỉ vài ngày trước khi nó diễn ra và trong bối cảnh tình hình quan hệ hiện tại giữa Mỹ với Triều Tiên và với Trung Quốc thì lại là chuyện bất ngờ. Nó tạo cảm nhận như thể thời cuộc hiện tại là cú hích quyết định nhất khiến ông Tập Cận Bình phải nhanh chóng thực hiện chuyến công du này, như thể được quyết định và thu xếp khá gấp rút và vội vã.

Lần gần đây nhất có Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch Trung Quốc thăm Triều Tiên là vào năm 2005. Các vị lãnh đạo Trung Quốc từ Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào đều tới thăm Triều Tiên và thậm chí chuyến công du nước ngoài đầu tiên thường là đến Triều Tiên. Ông Tập Cận Bình kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào năm 2012 nhưng từ đó đến nay chưa tới thăm Triều Tiên. Ở Triều Tiên, ông Kim Jong Un kế nghiệp cha năm 2011 và từ đó đã có 4 lần tới Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình.

Chỉ như thế không thôi đã đủ để thấy chuyến thăm Triều Tiên  đầu tiên này của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Trung Quốc và Triều Tiên. Đương nhiên là phía Triều Tiên mong muốn ông Tập Cận Bình tới thăm từ lâu và chắc chắn cũng đã nhiều lần hối thúc vì Triều Tiên xưa cũng như nay và cả trong tương lai nữa vẫn cần Trung Quốc làm đồng minh và đối tác chiến lược cũng như muốn sử dụng Trung Quốc làm đối trọng với Mỹ.

Phải có nhu cầu hiện tại cấp thiết thì ông Tập Cận Bình mới công cán Triều Tiên vào lúc này - ngay trước hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 được tổ chức tại thành phố Osaka của Nhật Bản chỉ một tuần sau chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình.

Xem ra chỉ có thể có hai lý do.

Thứ nhất, ở Osaka sẽ có cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump. Phía Trung Quốc thì chưa, nhưng chính ông Trump đã xác nhận như thế. Giữa Trung Quốc và Mỹ hiện tồn tại bất đồng quan điểm cơ bản và xung khắc lợi ích chiến lược về nhiều vấn đề và trên nhiều phương diện của mối quan hệ song phương.  Trung Quốc hiện đang bị Mỹ o ép và gây khó như chưa từng thấy kể từ vài thập kỷ nay. Ông Tập Cận Bình cần chuẩn bị cho phía Trung Quốc nhiều con chủ bài như có thể được để chiến với phía Mỹ trong cuộc gặp ông Trump, để gỡ gạc thể diện cho Trung Quốc, để thuần chế sự khiêu chiến hung hăng của phía Mỹ và để buộc Mỹ phải thoả hiệp ngang bằng với Trung Quốc, bất kể cho giải pháp dứt điểm lâu bền hay tình thế nhất thời.

Triều Tiên có thể là một con chủ bài như thế bởi tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên hiện bị ngưng trệ, ông Trump vẫn bế tắc ý tưởng giải pháp cho vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên và bởi ông Trump trong mọi trường hợp đều cần đề sự ủng hộ xây dựng của Trung Quốc. Tiến trình kia càng trắc trở và kéo dài thì ông Trump lại càng cần Trung Quốc. Càng gần đến ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ mà ông Trump muốn được tái đắc cử thì ông Trump càng cần kết quả cụ thể trong việc xử lý quan hệ của Mỹ với Triều Tiên và vì thế càng cần Trung Quốc.

Thứ hai, so với người cha của mình ở Triều Tiên thì ông Kim Jong Un đã thành công hơn với việc gây dựng vị thế cao hơn cho Triều Tiên trong chiến lược và chính sách của các đối tác quan trọng nhất đối với an ninh của Triều Tiên là Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Ngoài 4 lần đi Bắc Kinh, ông Kim Jong Un đã nhiều lần gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, đã hai lần gặp ông Trump, đã sang Nga gặp tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã nhiều lần ngỏ ý sẵn sàng gặp ông Kim Jong Un một cách vô điều kiện. Có thể thấy Triều Tiên vẫn phải dựa cậy nhiều, nếu như không muốn nói là vẫn còn phụ thuộc nhiều, vào Trung Quốc nhưng trên thực tế và trong thực chất đã có được không ít đối tác để chơi con bài đối trọng, trong đó cả chơi với Trung Quốc.

Khi trước, với sáng kiến về khuôn khổ diễn đàn đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc có ý dùng đàm phán đa phương để xử lý chuyện Triều Tiên. Nhưng trong thời gian một năm rưỡi qua, Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ dường như đã chuyển sang cách tiếp cận song phương để giải quyết mọi vấn đề mà khuôn khổ đàm phán đa phương kia không giải quyết nổi, cụ thể là thông qua các kênh song phương giữa Mỹ với Triều Tiên, giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và giữa Hàn Quốc với Mỹ. Bộ ba này tuy không phớt lờ nhưng có vẻ như không muốn các đối tác khác can dự nhiều vào các tiến trình mà bộ ba vận hành trong thời gian vừa qua.

Trung Quốc dùng chuyến thăm Triều Tiên này nhằm 3 mục đích chính. Thứ nhất là xác lập lại ảnh hưởng đối với Triều Tiên trong cả quan hệ song phương lẫn trong mọi chuyện đang diễn ra liên quan đến tương lai chính trị an ninh trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á. Thứ hai là gây dựng con chủ bài mới để chơi với Mỹ trong cả những chuyện song phương hiện tại với Mỹ, ở đây có phần phục vụ cho cuộc gặp sắp tới của ông Tập Cận Bình với ông Trump ở Osaka, lẫn trong tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên. Và thứ ba là khẳng định vai trò không thể bỏ qua được của Trung Quốc nói chung trong mọi chuyện liên quan đến Triều Tiên ở khu vực này, tức là phát đi thông điệp gửi tới tất cả các đối tác liên quan là chớ có phớt lờ hay bỏ qua, lại càng không được bất chấp Trung Quốc.

Nhưng trước hết, chuyến đi này của ông Tập Cận Bình là sự thể hiện của láng giềng gần hợp tác với nhau cùng đấu đối thủ xa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem