Tên lửa Nga cần 20 phút để tới London, Anh có 10 phút để đánh chặn

Phương Đăng Thứ năm, ngày 15/03/2018 18:35 PM (GMT+7)
Mối quan hệ giữa Anh và Nga lao dốc tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh sau vụ điệp viên bị đầu độc làm dấy lên quan ngại chiến tranh bùng nổ giữa 2 nước. Điều gì xảy ra khi tên lửa Nga chỉ cần 20 phút để vươn tới London còn Anh chỉ có 10 phút để đánh chặn?
Bình luận 0

img

Tên lửa Nga cần 20 phút để tới London, Anh có 10 phút để đánh chặn 

Theo Express, Moscow đã cảnh báo Thủ tướng Theresa May đừng đe dọa một "cường quốc hạt nhân" chỉ vài ngày sau khi Nga công bố phát triển thành công một loạt các loại vũ khí hạt nhân bất khả chiến bại, bao gồm một tên lửa hành trình được mô tả là "có thể tiếp cận bất cứ nơi nào trên thế giới".

Ước tính, một tên lửa Nga sẽ mất khoảng 20 phút để tới thủ đô nước Anh. Nhưng trước khi vươn tới London, tên lửa này phải vượt qua lưới phòng thủ của nhiều nước NATO nên Anh sẽ có 10 phút để phản ứng.

Theo báo Anh, trong tình huống này, chính phủ Anh sẽ cần gửi tin nhắn báo động tới công chúng và hướng dẫn mọi người tới nơi trú ẩn an toàn. Hồi tháng 9 năm ngoái tại Nhật Bản, người dân đã nhận được cảnh báo hạt nhân, với lời khuyên là mọi người nên tìm một tòa nhà hoặc cấu trúc vững chắc để trú ẩn.

Cảnh báo hạt nhân được đưa trên truyền hình Nhật đồng thời điện thoại di động của người dân cũng nhận được cảnh báo SMS. Bên cạnh đó, còi báo động cũng réo vang khắp Nhật Bản khi một tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản rồi sau đó hạ cánh xuống biển Thái Bình Dương.

Trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân vào thủ đô Anh, Thủ tướng May sẽ có 10 phút để ban hành lệnh đáp trả.

Tuy nhiên, trong trường hợp Thủ tướng Anh bị mất năng lực hoặc bị ám sát trong một cuộc tấn công, không thể trực tiếp ra lệnh đáp trả một vụ tấn công hạt nhân sắp xảy ra, nước Anh vẫn còn một phương sách cuối cùng có thể được sử dụng.

Những "người gác cổng" canh giữ vũ khí hạt nhân của Anh - các tư lệnh quân đội đáng tin cậy đã có một mệnh lệnh để thực thi.

Theo Daily Star, các thủ tướng Anh tại thời điểm nhậm chức phải tự tay viết 4 thư lệnh tối mật giống hệt nhau, chỉ thị các hành động phải làm trong trường hợp Chính phủ Anh không còn tồn tại và thủ tướng (cũng như người chỉ định thay thế) đã thiệt mạng. Thư lệnh này được gọi là "Những lá thư cuối cùng” (the Letters of Last Resort). 

Thần thái của một số thủ tướng Anh được cho là đã tái đi khi viết thư lệnh này. Thủ tướng đương nhiệm của Anh Theresa May cũng đã viết thư lệnh bằng tay ngay khi bà nhậm chức. 

img

Căng thẳng giữa Anh và Nga đang leo thang trầm trọng vì vụ cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal, 66 tuổi bị đầu độc tại Anh hôm 4.3

4 bức thư sau đó được đặt trong một phong bì được đóng dấu và trao tận tay cho các tư lệnh của 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của Anh. 

Những bức thư được bảo quản trên tàu ngầm bằng 2 lớp két sắt. Mã mở két do 2 người khác nhau nắm giữ. Thường là thuyền trưởng giữ mã lớp ngoài, một sĩ quan chỉ huy khác giữ mã lớp trong. Chỉ duy nhất thủ tướng Anh biết nội dung thư lệnh trước khi nó được mở.

Khi Vanguard mất liên lạc với đất liền trong một thời gian dài, thuyền trưởng sẽ thực hiện hàng loạt bước kiểm tra trước khi khẳng định nước Anh đã chịu một đòn hạt nhân hủy diệt (bao gồm xác định đài BBC Radio 4 ngừng phát sóng trong tối thiểu 4 giờ liên tục). Chỉ khi đó, "Lá thư cuối cùng" mới được mở và đây cũng chính là mệnh lệnh cuối cùng của Thủ tướng Anh.

Cho đến nay, chưa bức thư lệnh nào được tiết lộ nội dung vì chúng đều bị thiêu hủy ngay khi một Thủ tướng Anh hết nhiệm kỳ. 

Điều này có nghĩa là công chúng sẽ không bao giờ biết được nội dung mệnh lệnh cuối cùng mà các cựu Thủ tướng Anh David Cameron, Gordon Brown hay Tony Blair đưa ra trừ phi bản thân họ tự tiết lộ.

Ông Blair được cho là đã "tái nhợt" khi đặt bút viết thư lệnh chỉ dẫn về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp chính phủ Anh không còn trong ngày đầu nhậm chức.

Theo Daily Star, các lựa chọn cuối cùng của thủ tướng Anh thực ra rất đơn giản. Hoặc là tấn công trả đũa bằng vũ khí hạt nhân hoặc là kiềm chế, không đáp trả dù bị tấn công.  Ngoài ra, có 2 lựa chọn khác tồn tại, bao gồm trao lại quyền quyết định có tấn công hạt nhân hay không cho tư lệnh của tàu ngầm lớp Vanguard hoặc ủy quyền kiểm soát tàu ngầm cho một đồng minh, chẳng hạn Mỹ. 

Trước đó, bà Theresa May từng tuyên bố, bà sẽ khởi động một cuộc tấn công trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu nước Anh bị đe dọa.

Căng thẳng Anh-Nga tiếp tục leo thang nghiêm trọng vì vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc khi Thủ tướng Theresa May ngày 14.3 tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga ở London và đe dọa có những hành động mạnh tay hơn để trừng phạt Moscow.

Cũng trong bài phát biểu ngày 14.3, Thủ tướng Anh tuyên bố hủy bỏ mọi liên lạc cấp cao với Nga và cho biếtLondon sẽ đóng băng mọi tài sản của Moscow nếu nước này bị xác định là mối đe dọa với Anh. Bà May cho biết không dung thứ cho hành động đe dọa mạng sống của công dân Anh và sẽ tiến hành các biện pháp khác nếu Nga tiếp tục có hành vi khiêu khích.

Cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, 66 tuổi, và con gái Yulia, 33 tuổi bị phát hiện bất tỉnh tại một bãi đỗ xe ở quận Salisbury hôm 4.3 do phơi nhiễm chất độc thần kinh. Skripal từng phục vụ nhiều năm cho cơ quan tình báo Nga trước khi bị tình báo Anh tuyển mộ vào năm 1995. Năm 2004, ông Skripal bị lực lượng an ninh liên bang Nga bắt, xét xử và buộc tội phản quốc. Năm 2010, ông được bàn giao cho Mỹ trong một thoả thuận trao đổi những người bị bắt với tội danh gián điệp. Cùng năm đó, Skripal sang Anh định cư.

Moscow đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc Nga liên quan tới vụ đầu độc. Ngay sau bài phát biểu hôm 14.3 của Thủ tướng May, đại sứ quán Nga tại Anh gọi quyết định trục xuất của London là "hành động thù địch thiển cận và không thể chấp nhận được".

Nghị sĩ Nga Vladimir Dzhabarov nói rằng Moscow không loại trừ khả năng trục xuất hơn 23 nhà ngoại giao Anh khỏi Nga để đáp trả quyết định của Thủ tướng May.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem