Tết ba miền: Mỗi nơi một vẻ

Thứ tư, ngày 18/02/2015 09:00 AM (GMT+7)
Tết đã cận kề gõ của từng nhà khi ta nhìn thấy những cành đào bày bán trên phố, “ngửi” thấy đâu đó mùi bánh chưng thoang thoảng, cảm nhận được cái lạnh buốt của mùa đông. Tết miền Bắc là như vậy, còn người miền Trung và Nam có đón tết như vậy không?
Bình luận 0
Mâm cỗ ngày Tết
 
Ở miền Bắc, món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ tất niên cũng như bữa cơm gia đình trong những ngày Tết cổ truyền là bánh chưng. Chiếc bánh chưng xanh vuông vắn đặt trên bàn thờ tổ tiên ngày tết thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội, về lịch sử, và cha ông của con cháu. Bánh chưng chính là lịch sử, là nét văn hóa thiêng liêng mà bao thế hệ vẫn luôn cố gắng gìn giữ. Đêm giao thừa, cả nhà quây quần gói bánh, trẻ con vui đùa bên nồi bánh chưng là cảm giác thân thuộc nhất mà những đứa con sau này lớn lên vẫn tự hào nhắc lại. Ngoài bánh chưng, các món như nem rán, thịt nấu đông, xương ninh măng, hay canh mộc… cũng là những món ăn truyền thống đến bây giờ vẫn còn hiện diện trong bữa cơm ngày tết. Người Bắc kiêng kỵ ăn trứng gà đầu năm vì không muốn khởi đầu là “con số 0” ngày đầu năm mới.
img
Mâm cỗ tết truyền thống của người miền Bắc.
Khác với miền Bắc, người dân miền Trung và Nam có tục lệ gói bánh tét mỗi dịp Tết về. Bánh tét của người miền Trung được gói bằng lá chuối với các nguyên liệu giống như bánh chưng, chỉ khác là gói thành hình trụ dài chứ không phải hình vuông. Khi ăn cắt thành từng khoanh, ở giữa nhân đậu xanh và thịt mỡ nổi lên như nhụy hoa. Bánh tét được coi là dạng nguyên thủy của bánh chưng, là biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa. Bên cạnh đĩa bánh tết, dưa món, nắm tré, bò ngâm màu trầm, thường có chén (bát nhỏ) tôm chua, xinh như một bông hoa, chói chang đỏ như vầng mặt trời mùa xuân ấm áp.
img
Người miền Trung gói bánh Tét thay vì bánh chưng. Ngoài ra còn có bánh Tổ, món bánh truyền thống ngày Tết
Mâm cỗ Tết của miền Nam thường có nhiều đồ nguội do điều kiện khí hậu nắng nóng gần như quanh năm. Hầu như nhà nào cũng có ba món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt kho tàu trong mấy ngày tết. Trong quan niệm của người phương Nam, bánh tét tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác. Món thịt kho tàu là thịt ba rọi (ba chỉ) thái to khoảng trên bốn phân nấu chung với một trái dừa xiêm để thịt kho lạt đi, ăn được to miếng. Thịt hầm từ bắp đùi hầm nhừ với vài vị thuốc Bắc. Món này chỉ để ăn chơi chứ không ăn với cơm. Khổ qua dồn thịt heo rồi hầm như hầm thịt. Món cuối cùng là nem và bì, rau ăn kèm chỉ độc nhất một loại là dưa giá. Dù là bất kỳ món ăn nào trong bốn món trên cũng phải ăn kèm với dưa giá. Các món truyền thống này chỉ cúng và ăn tới chiều mồng hai, sang ngày mồng ba sẽ cũng và ăn món khác phải như gà, cá.
img
Những ngày tết, mâm cơm người dân miền Nam không bao giờ thiếu món thịt hầm cút lộn.
Mâm ngũ quả
 
Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhìn chung nhỏ hơn miền Nam và không thể thiếu 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam). Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu – dừa – đủ – xoài theo tiếng người miền Nam đọc gần giống “cầu vừa đủ xài” - mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới. Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung và quả đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn “đầy đủ, sung túc”.
img
Mâm ngũ quả của các gia đình miền Bắc.
img
Mâm hoa quả “Cầu vừa đủ xài” của người dân miền Nam.
Khác với hai miền nam bắc, khúc ruột miền Trung quanh năm bão lũ, Tết lại rơi vào những ngày đông khắc nghiệt, người dân quê một nắng hai xương không câu nệ về mâm ngũ quả phải đầy đủ, chu toàn. Họ tâm niệm đặt cái tâm là trên hết, có gì cúng nấy. Cũng vì ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Họ không bày cam quýt vì theo quan niệm “cam đành quýt đoạn”.
img
Người miền Trung quanh năm bão lũ coi trọng tấm lòng thành hơn là một mâm hoa quả phải đầy đủ mọi thứ.
Du xuân đầu năm mới
 
Người miền Bắc luôn mặc định “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Thế nên vào 3 ngày Tết chính, các gia đình thường dành hai ngày đầu năm mới trọn vẹn cho gia đình nội ngoại, sang ngày thứ 3 là ngày để các “cô cậu học trò” tới thăm lại những người thầy của mình. Người Bắc coi trọng tục lệ xông nhà nên buổi sáng mùng Một sẽ ra đường chơi hoặc ở nhà ăn Tết mà không vào nhà ai cả. Kiêng kị như thế là vì có những người “nặng vía” sẽ làm cho gia chủ năm đó làm ăn thất bát, xảy ra cơ sự… Vì thế, có những gia đình sẽ mời người “nhẹ vía” hoặc hợp tuổi với gia chủ để xông đất.
img
Xông đất là tục lệ truyền thống của cả 3 miền.
Ngày mồng một Tết, người miền Trung đi thăm mộ, lên chùa khấn vái, cầu nguyện ông bà hoặc các vị thần linh phù hộ cho mọi thành viên trong gia tộc. Sang mồng 2, mồng 3 Tết, mới bắt đầu đi thăm láng giềng, bà con xa hoặc bạn bè thân cận. Ở miền Trung cũng có tục “xông đất” như người Bắc. Gia đình sẽ nhờ người lớn tuổi, còn mạnh khỏe, có vai vế và uy tín trong xã hội hoặc những đứa trẻ thông minh, hoạt bát, vui vẻ đến “xông đất” đầu năm. Sáng mùng một, cả nhà cùng dậy sớm dọn dẹp, bày biện bánh kẹo để đón người xông đất.
 
Ba ngày tết của người miền Nam là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người đều chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi.
(Theo Hải Yến/songmoi.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem