Thải bỏ bóng đèn huỳnh quang, compact: Tỷ lệ thu gom, xử lý còn thấp

P.V Thứ ba, ngày 17/03/2015 08:00 AM (GMT+7)
Tổng cục Môi trường đã cấp giấy phép quản lý chất thải nguy hại (CTNH) cho 106 DN trên toàn quốc nhưng chỉ có 24 DN có trang bị thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang, compact thải bỏ. Hiện nay thu gom, xử lý CTNH liên quan đến bóng đèn huỳnh quang, compact chủ yếu thực hiện tại các cơ sở tư nhân, công suất thiết bị xử lý chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng bóng đèn phát sinh.
Bình luận 0

Nguy hiểm khi không xử lý đúng cách

Theo các chuyên gia, đèn compact có cấu tạo là ống thủy tinh, mặt trong ống có phủ lớp bột huỳnh quang với thành phần chủ yếu là hợp chất phốt pho, hơi thủy ngân và khí trơ (acgon, kripton). Trong trường hợp người tiêu dùng sử dụng, không may để bóng bị nứt và vỡ thì thủy ngân, bột phốt pho trong bóng sẽ thoát ra ngoài, điều này có thể gây hại cho môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bột phốt pho, khi tiếp xúc trực tiếp với da người có thể gây bỏng phốt pho. Người bị bỏng phốt pho, nếu không vệ sinh đúng cách sẽ bị nhiễm trùng, gây lở loét hoặc hoại tử. Cùng với bột phốt pho, trong bóng đèn compact còn có thủy ngân, được sử dụng ở dạng nguyên tố nên dễ dàng gây độc cho người sau khi hít vào. Thủy ngân nguyên tố được hít vào sẽ hấp thu nhanh qua đường hô hấp, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và tập trung gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.

img

 

Theo Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, công nghệ sản xuất bóng đèn trước đây là sử dụng thủy ngân dạng lỏng nên hàm lượng thủy ngân nhiều gây ra những ảnh hưởng không mong muốn khi bị vỡ. Với Điện Quang, những năm gần đây, Công ty đã chuyển sang công nghệ dùng Amalgam (thủy ngân dạng rắn) thay cho thủy ngân dạng lỏng, có thể hạn chế được tối đa những tác hại này, đồng thời có thể thu gom và tái chế sản phẩm một cách dễ dàng. Trong quá trình xử lý bóng đèn hỏng, những bộ phận có thể tái chế gồm: Vỏ thủy tinh, hạt Amalgam, đuôi đèn… Tuy nhiên, chỉ có những đơn vị có trách nhiệm mới được phép thu gom, tái chế. Người sử dụng không được tự ý đập vỡ bóng đèn hoặc tùy tiện xử lý nhằm tránh nguy cơ phát tán thủy ngân ra ngoài môi trường.

Đẩy mạnh thu gom, xử lý bóng đèn đã qua sử dụng

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, tính đến nay, đã cấp giấy phép quản lý CTNH cho 106 DN trên toàn quốc nhưng chỉ có 24 DN có trang bị thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang, compact thải bỏ. Các DN này giữ vai trò chủ đạo trong công tác quản lý CTNH nói chung và bóng đèn huỳnh quang, compact nói riêng trên toàn quốc thời gian qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, vấn đề thu gom CTNH liên quan đến bóng đèn thải đạt kết quả rất thấp, việc xử lý chủ yếu thực hiện tại các cơ sở tư nhân. Đối với các cơ sở hành nghề xử lý CTNH, công suất thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang thải chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng bóng đèn phát sinh, kèm theo đó, công nghệ xử lý bóng đèn thải hiện có của Việt Nam chưa hiện đại, còn sử dụng các công nghệ đa dụng cho nhiều loại CTNH…

Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã thực hiện khảo sát về thói quen của người tiêu dùng khi thải bỏ sản phẩm bóng đèn đã qua sử dụng và thực trạng thu gom, xử lý sản phẩm bóng đèn đã qua sử dụng hiện nay. Kết quả cho thấy, với số lượng bóng đèn thải bỏ nhỏ lẻ, không thường xuyên, nên phần lớn người dân không phân loại để đưa đến các điểm thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn quy định mà thải bỏ chung với các loại rác thải sinh hoạt thông thường. Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở phân phối bóng đèn hiện nay là các cửa hàng, đại lý nhỏ lẻ với chủng loại sản phẩm kinh doanh đa dạng như bóng đèn, pin, ắc quy, thiết bị điện… từ nhiều nhà sản xuất khác nhau. Do đó, sẽ khó khăn khi yêu cầu họ tiếp nhận, thu hồi, phân loại từng loại sản phẩm đã qua sử dụng của từng nhà cung ứng, đáp ứng các điều kiện kỹ thuật về điểm thu hồi. Hiện nay Công ty Điện Quang đã lập kế hoạch và đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở có chức năng xử lý, tái chế CTNH nhằm thiết lập và mở rộng các điểm tập trung thu gom, xử lý sản phẩm bóng đèn đã qua sử dụng; khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, gây tác động xấu đến môi trường.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, để xử lý hiệu quả chất thải bóng đèn tại Việt Nam, một mặt cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở cho việc xử lý chất thải bóng đèn. Mặt khác, thúc đẩy việc tái chế, tận dụng các vật liệu cấu thành bóng đèn huỳnh quang bằng cách đẩy mạnh thu gom, phân loại và tái chế theo yêu cầu; thúc đẩy phát triển công nghệ xử lý CTNH cả về số lượng và chất lượng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, từ ngày 1/1/2015, tổ chức thu hồi và xử lý bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang đã qua sử dụng. Quyết định này áp dụng đối DN sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam.

Quyết định nêu rõ DN sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Điểm thu hồi là nơi tiếp nhận sản phẩm thải bỏ phù hợp quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có nghĩa là phải đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, chẳng hạn như tại điểm thu hồi thì sản phẩm thải bỏ được lưu giữ trong thùng kín, không rò rỉ, rơi vãi, phát tán ra môi trường. Quyết định này đã gắn trách nhiệm của DN sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm bị thải bỏ và được xử lý đảm bảo môi trường. Việc quy định trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các DN không ngừng cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Chú thích: Điện Quang là doanh nghiệp duy nhất cả nước liên tục 2 lần được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận “Nhãn Xanh Việt Nam” – chứng nhận sản phẩm thân thiện môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem