'Tham chiến tới chết': Ukraine bãi bỏ thời hạn giải ngũ, binh lính vốn mệt mỏi càng giận giữ

V.N (Theo Al Jazeera) Thứ bảy, ngày 13/04/2024 07:05 AM (GMT+7)
Đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, các quan chức Ukraine đã hủy bỏ việc cho phép quân nhân giải ngũ sau khi đã kéo dài thời gian tại ngũ của họ.
Bình luận 0
'Tham chiến tới chết': Ukraine bãi bỏ thời hạn giải ngũ, binh lính vốn mệt mỏi càng giận giữ- Ảnh 1.

Những lá cờ và chân dung mang tên binh lính đã tử trận được cắm trên Quảng trường Độc lập ở Kiev. Ảnh: Al Jazeera.

Sau gần hai năm phục vụ quân đội ở tiền tuyến trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, chồng của Alina rất bất bình về luật huy động mới.

Quốc hội Ukraine đã thông qua luật này hôm 11/4 sau nhiều tháng tranh luận và gần 4.300 sửa đổi.

Alina cho biết chồng cô và những người anh em đang cầm vũ khí chết lặng trước việc loại bỏ giới hạn về thời gian phục vụ trong quân ngũ. Các phiên bản trước của luật đã quy định việc giải ngũ sau 36 tháng phục vụ.

Không có giới hạn về thời gian trong quân ngũ - và với sự thất bại của cuộc phản công năm ngoái cũng như viện trợ quân sự phương Tây chậm trễ suốt nhiều tháng - họ nhận ra rằng nghĩa vụ của họ có thể chỉ kết thúc với tình trạng tàn tật hoặc tử vong.

Alina, cư dân Kiev, có 2 con, nói với Al Jazeera: "Chính phủ đã làm nhục và xúc phạm họ. Họ không phải là vĩnh cửu. Họ muốn thấy con mình lớn lên và được ở nhà", cô nói.

Điều khoản giải ngũ đã bị bãi bỏ theo yêu cầu của các quan chức hàng đầu Ukraine với lý do thiếu hụt trầm trọng quân nhân ở tiền tuyến, đặc biệt là ở miền đông Ukraine.

"Kẻ thù đông hơn chúng ta từ 7 đến 10 lần", Tư lệnh Lực lượng Hỗn hợp Yuri Sodol nói với các nhà lập pháp hôm 10/4 khi kêu gọi họ thông qua luật.

Nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn chưa công bố chính thức luật huy động vì lo ngại phản ứng dữ dội từ dân chúng.

Luật này đã được thông qua với 283 phiếu ủng hộ tại quốc hội gồm 450 thành viên, chủ yếu là từ đảng Đầy tớ của Nhân dân, đảng của Zelensky đang áp đảo Verkhovna Rada, tức quốc hội Ukraine.

Luật này tăng lương cho các những người phục vụ tuyến đầu và trợ cấp tử tuất cho các gia đình, nhưng các đối thủ chính trị của Zelensky chỉ trích việc bãi bỏ thời gian tại ngũ.

Vài giờ sau khi luật được thông qua, quốc hội đã kêu gọi chính phủ xây dựng dự luật bổ sung về giải ngũ và luân chuyển quân nhân ở tiền tuyến.

Việc bãi bỏ giới hạn nghĩa vụ được dự đoán sẽ khiến các binh sĩ dày dạn kinh nghiệm phẫn nộ – đặc biệt là những người bắt đầu nhập ngũ năm 2014, khi Moscow ủng hộ phe ly khai thân Nga ở miền đông nam Ukraine giúp họ thành lập hai nước cộng hòa ly khai.

Artem Osipyan, một nhà tâm lý học chuyển sang làm quân nhân, viết trên Facebook: "Tiếp theo tôi sẽ là ai? Tôi có phải luôn là một quân nhân không? Cuộc đời tôi tầm thường đến vậy sao? Điều gì khiến cuộc sống của người khác có ý nghĩa hơn và ít đáng hy sinh hơn cuộc sống của tôi?" 

Những quân nhân trẻ tuổi hơn cũng thấy việc loại bỏ hoàn toàn khó hiểu.

Taras người đã đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự ba năm kể từ tháng 2/2022, nói: "Đây được cho là giống như một công việc - ba năm làm việc rồi kết thúc. Nhưng có vẻ như tôi sẽ phục vụ cho đến chiến thắng" trước Nga.

Đối với gia đình các quân nhân, sự không chắc chắn về việc giải ngũ khiến họ chán nản và mất tinh thần.

Vợ của một người lính đóng quân ở thị trấn phía đông Kramatorsk nói với Al Jazeera: "Anh không cần phải tham chiến cho đến khi chết, anh cần biết khi nào nghĩa vụ của mình kết thúc".

Chồng cô nhập ngũ năm 2015 nhưng chuyển sang làm tình nguyện viên sau những chấn thương ảnh hưởng đến việc đi lại.

Anh ta quay trở lại chiến đấu vào năm 2022 và vẫn ở tuyến đầu sau khi bị nửa tá vết bầm tím, các vấn đề về thị lực và tiêu hóa và phải nằm viện nhiều tuần.

"Họ sẽ ở đó cho đến người cuối cùng còn sống sót. Theo nghĩa đen, người đàn ông cuối cùng" - vợ anh nói.

Sự không chắc chắn về thời hạn nghĩa vụ cũng khiến những người sắp đi lính lo lắng.

Trong vòng vài giờ kể từ cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, các tình nguyện viên đã đổ về các văn phòng nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là ở các khu vực miền đông và miền trung, và một số thậm chí còn phải đến miền tây Ukraine để nhập ngũ.

Nhưng sự nhiệt tình chung đã giảm xuống sau tin tức về tổn thất nghiêm trọng và điều kiện khủng khiếp trong chiến hào và doanh trại quân đội, trong bối cảnh tham nhũng của các sĩ quan và nhà cung cấp.

Luật huy động lực lượng dự kiến thành lập cơ quan đăng ký điện tử thay vì hệ thống giấy tờ lỗi thời gây ra tham nhũng.

Trong hai năm qua, cảnh sát và các nhà điều tra đã báo cáo về việc bắt giữ hàng chục quan chức nghĩa vụ quân sự. Một số tích lũy được hàng triệu đô la tiền mặt và mua bất động sản đắt giá ở Ukraine và châu Âu.

Mọi người trong độ tuổi chiến đấu sẽ có 60 ngày để đăng ký trực tiếp hoặc thông qua cơ quan đăng ký điện tử, và những người không đăng ký sẽ bị coi là kẻ trốn quân dịch. Đàn ông sẽ phải luôn mang theo giấy đăng ký bên mình.

Một số quân nhân nói rằng việc huy động nên đi đôi với việc đào tạo tốt hơn cho lính nghĩa vụ.

"Đối thủ rất mạnh, có đủ tài nguyên, đủ nhân lực", một người lính đóng quân ở vùng Kherson phía nam nói với Al Jazeera. "Chúng tôi cần những người được đào tạo tốt hơn, những người hiểu họ sẽ làm gì, đăng ký những gì".

Việc cưỡng bức tòng quân đã trở thành một tai họa trên khắp Ukraine.

Ở nhiều vùng nông thôn, hầu hết nam giới trong độ tuổi chiến đấu đều đã phải nhập ngũ, trong khi ở các trung tâm thành thị, thanh niên trẻ tránh xuất hiện ở những nơi công cộng hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng vì có các quan chức nghĩa vụ và cảnh sát đi tuần tra.

Một số người được khuyến khích đến văn phòng nghĩa vụ quân sự để làm rõ thông tin cá nhân của họ - nhưng không bao giờ quay lại trong trang phục dân sự.

Tetiana Bozhko, người làm việc tại căng tin bệnh viện ở phía bắc Kyiv, nói với Al Jazeera: "Năm người mà tôi biết đã đến văn phòng nghĩa vụ quân sự và không quay lại" vì họ được điều động đến cơ sở huấn luyện ngay lập tức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem