Bàn cờ Triều Tiên: Bước đi tiếp theo của các cầu thủ chính là gì?

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ năm, ngày 07/09/2017 12:20 PM (GMT+7)
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, Mỹ phải đối mặt với viễn cảnh "không thể tưởng tượng nổi" rằng, Bình Nhưỡng có thể tạo ra mối đe dọa hạt nhân thực sự chứ không chỉ dọa suông. Câu hỏi đặt ra lúc này là các cầu thủ chính - Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Triều Tiên sẽ đi nước cờ nào tiếp theo?
Bình luận 0

Mỹ 

img

Chính quyền Trump được cho là có ít lựa chọn để đối phó với Triều Tiên.

Đầu tuần này, Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cáo buộc rằng, Triều Tiên đang "cầu xin chiến tranh" trong một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an đồng thời kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung nhắm vào Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của chính quyền Kim Jong-un hôm 3.9.  

Cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với khủng hoảng Triều Tiên đã được các nhân vật quan trọng như bà Haley, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis liên tục nhắc đến trong những tuần qua. Theo đó, Mỹ sẽ "gây áp lực tối đa" để buộc Triều Tiên phải đàm phán.

Bản thân Tổng thống Trump ngày 6.9 tuyên bố hành động quân sự không phải lựa chọn đầu tiên để chống lại Triều Tiên dù không loại trừ khả năng này. 

"Chúng ta sẽ không chịu đựng những gì đang xảy ra với Triều Tiên. Chúng ta sẽ chờ xem điều gì tiếp theo", USA Today dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm qua.

Bất chấp những lời tuyên bố của ông Trump, Mỹ trên thực tế không có nhiều sự lựa chọn để đối phó với Triều Tiên. Cho dù Trump từng đe dọa sẽ khiến Triều Tiên "chìm trong biển lửa và sự cuồng nộ", thì không ai có thể chấp nhận được một hành động quân sự có thể dẫn đến hàng trăm nghìn người Hàn Quốc thiệt mạng trong vòng vài giờ sau cuộc oạch tạc đầu tiên.

Theo Washington Post, tuần này, các quan chức Mỹ sẽ tập trung kêu gọi mở rộng chế độ xử phạt quốc tế nhắm vào Triều Tiên trong nỗ lực siết chặt sợi dây thòng lọng quanh cổ chính quyền Bình Nhưỡng. Mỹ đang ra sức cắt đứt "đường sống cuối cùng" của Triều Tiên khi tìm cách cấm xuất khẩu dầu mỏ sangTriều Tiên đồng thời hạn chế việc Bình Nhưỡng gửi lao động giá rẻ tới các nước láng giềng là Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, động thái này của Mỹ bị Nga và Trung Quốc phản đối dữ dội.

Trung Quốc và Nga

Hiện chưa rõ liệu Moscow và Bắc Kinh có ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Triều Tiên mà Mỹ đang theo đuổi tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay không. 

Tuy nhiên, cả 2 nước đã phản đối một nghị quyết trừng phạt mới chống lại Triều Tiên hồi đầu tuần này. Cả đại sứ Trung Quốc lẫn Nga đều nhấn mạnh rằng, ngoại giao và đối thoại chứ không phải là các lệnh trừng phạt - mới là điều thiết yếu để làm dịu căng thẳng.

Các nhà phê bình Mỹ cho rằng, Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn để gây sức ép lên Bình Nhưỡng bao gồm cả việc cắt giảm viện trợ kinh tế. Tuy nhiên, người Trung Quốc cho rằng, việc cô lập chế độ Triều Tiên hơn nữa chỉ khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thêm nhiều hành động gây bất ổn và không thể đoán trước.

Bắc Kinh đang bị đẩy vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi chính quyền Trump đang ra sức kêu gọi cắt nguồn xuất khẩu dầu mỏ sangTriều Tiên mà Bắc Kinh là nguồn cung cấp chính. Theo giới phân tích, Trung Quốc có thể sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, bao gồm cả cắt giảm xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không cắt đứt hoàn toàn xuất khẩu năng lượng sang Triều Tiên vì lo ngại sụp đổ chế độ ở Bình Nhưỡng.    

"Trung Quốc đang bị dồn vào chân tường. Tôi sợ những gì chúng tôi đang phải đối mặt hiện nay. Chúng tôi đang ở giai đoạn thách thức cuối cùng", Cheng Xiaohe, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhấn mạnh.

Về phần mình, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ở Vladivostok hôm 6.9, Tổng thống Nga Putin cũng nêu rõ lập trường rằng, cần phải hành động mạnh hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên song, ông cũng cảnh báo rằng, các chế tài và áp lực, bao gồm cắt nguồn cung cấp dầu mỏ sẽ không đạt hiệu quả. Ông Putin nhấn mạnh rằng, không nên đẩy Triều Tiên vào chân tường. 

Nhật Bản và Hàn Quốc

img

Binh sĩ Hàn Quốc tập trận ở Seoul đầu tuần này trong bối cảnh các mối đe dọa từ Triều Tiên tăng cao

Dĩ nhiên, không ai lo ngại các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên hơn các đồng minh của Mỹ trong khu vực đó là Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước này là láng giềng của Triều Tiên. Toàn bộ lãnh thổ của Nhật Bản cũng như Hàn Quốc đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Mối đe dọa từ Triều Tiên gia tăng đang làm dấy lên những nghi ngại rằng, liệu Mỹ có đủ khả năng che chở cho họ trong trường hợp họ bị tấn công.  

"Nếu người Mỹ đối mặt với sự lựa chọn giữa San Francisco và Seoul, họ sẽ chọn San Francisco", Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul bình luận.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không chỉ tìm kiếm sự đảm bảo từ Mỹ mà còn có động thái tự củng cố kho vũ khí của riêng mình. Hàn Quốc đã tuyên bố đang tìm cách phát triển tên lửa siêu khủng mang đầu đạn hạt nhân 2 tấn có khả năng xuyên phá các căn cứ quân sự ngầm dưới lòng đất của Triều Tiên. 

David Straub, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người từng làm việc với cả Triều Tiên và Hàn Quốc nhấn mạnh: "Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người Hàn Quốc nằm trong nhóm chú ý đến Trump thấp nhất thế giới và đồng thời họ không xem Tổng thống Mỹ là người đáng tin cậy. Dù vậy, thực tế, Hàn Quốc vẫn muốn duy trì liên minh với Mỹ". 

Triều Tiên

img

Chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có những thành tựu vượt bậc.

Các nhà quan sát Triều Tiên đã rơi vào tình trạng bối rối trước những động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng năm qua. Đối với giới lãnh đạo Triều Tiên, có một điều rõ ràng rằng, vũ khí hạt nhân không chỉ là con đường sống còn mà còn là con đường duy nhất giúp nước này trở nên mạnh hơn, không phải sợ bất cứ đối thủ nào.

"Sau khi quan sát việc Trung Quốc mua vũ khí hạt nhân vào những năm 1960 và theo dõi chính sách thù địch và đế quốc của Mỹ vào đầu những năm 1970, chế độ Bình Nhưỡng dường như tin rằng nước nàycó thể đi theo con đường tương tự", Joshua Pollack, chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân bình luận.

Những nỗ lực của Triều Tiên trong chương trình tên lửa, hạt nhân những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đạt được thành tựu lớn. Những sự hỗn loạn có tính toán mà nước này gây ra đang khiến các láng giềng của họ lao đao tìm cách đối phó đồng thời thách thức liên minh Mỹ,Hàn, Nhật trong khu vực.

Chính quyền Trump đang tỏ ra không vừa lòng với chính quyền mới ở Hàn Quốc và đe dọa sẽ rút khỏi hiệp định thương mại tự do (FTA) với Seoul. Nếu điều này xảy ra, nó chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ kinh tế giữa hai đồng minh ruột trong khu vực trở nên căng thẳng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem