Các bộ trưởng xin lỗi thế nào trên thế giới?

Tiểu Đào Thứ tư, ngày 09/01/2019 07:30 AM (GMT+7)
Trên thế giới, việc các chính trị gia mắc sai lầm là không hiếm. Tuy nhiên, có những bê bối, sai lầm đã khiến họ phải trả giá bằng cả vị trí của mình.
Bình luận 0

Bê bối Windrush

img

Bộ trưởng Nhập cư thuộc Bộ Nội vụ Anh Caroline Nokes. Ảnh: Reuters.

Vào hồi tháng 11.2018, Bộ trưởng Nhập cư Anh Caroline Nokes đã công khai xin lỗi thành viên thế hệ Windrush, thừa nhận rằng bà cảm thấy xấu hổ với cách mà Bộ Nội vụ đã đối xử với họ. Trước đó vào tháng 4.2018, Bộ Trưởng Nội vụ tiền nhiệm Amber Rudd cũng đã phải đệ đơn từ chức liên quan tới vụ việc.

Được biết, xuất thân từ châu Phi và quần đảo Caribe, thế hệ Windrush (được lấy theo tên con tàu đã đưa những người thuộc một số quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung đến Anh) nhập cư hợp pháp vào xứ sở sương mù từ sau Thế chiến 2 để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân công.

img

Con tàu đưa người di cư đến Anh năm 1948. Ảnh: Getty.

Theo luật pháp tại thời điểm đó, các trường hợp này sẽ tự động được quyền cư trú tại Anh vĩnh viễn, song Chính phủ Anh lại không lưu trữ đầy đủ hồ sơ của tất cả những người nhập cư theo diện này.

Vì vậy, trong giai đoạn cuối những năm 40 đến những năm 70 của thế kỷ 20, nhiều thân nhân của những người tới Anh đều bị xếp vào diện di dân bất hợp pháp. Thực tế này đã khiến thế hệ con cháu của họ bị ảnh hưởng, bị coi là cư trú bất hợp pháp tại Anh dù được sinh ra, lớn lên và đi làm đóng thuế tại đây, song lại không được hưởng quyền lợi về phúc lợi xã hội và y tế công như những đối tượng cư trú hợp pháp, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Thậm chí một số người nhập cư Windrush đã bị trục xuất. Theo số liệu báo cáo, năm 2015, Anh đã trục xuất 12.056 trường hợp, trong đó 901 người trên 50 tuổi và 303 người là người Jamaica.

Thực trạng này đã làm bùng phát làn sóng phản đối từ nhiều nước và đã được đưa ra tại hội nghị Khối Thịnh vượng chung ở Anh hồi tuần trước, khiến cho Thủ tướng Anh phải lên tiếng xin lỗi lãnh đạo các nước vùng Caribe về cách hành xử đối với người di dân thế hệ Windrush, đồng thời cam kết Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ những đối tượng nhập cư nói trên khắc phục giấy tờ để họ có có thể tiếp tục cư trú vĩnh viễn và được hưởng mọi phúc lợi xã hội và y tế.

img

Tân Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid. Ảnh: Reuters.

Phát biểu khi nhậm chức hôm 30.4.2018, Tân Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid cam kết bằng mọi giá sẽ giải quyết triệt để và đúng đắn vấn đề thế hệ nhập cư Windrush.

Bộ trưởng Lebanon xúc phạm Ai Cập

img

Bộ trưởng Du lịch Lebanon Avedis Guidanian. Ảnh: Armen Press.

Vào hồi tháng 11, Bộ trưởng Du lịch Lebanon Avedis Guidanian đã phải lên tiếng xin lỗi Ai Cập sau khi chỉ trích tình trạng sống và điều kiện vệ sinh của nước này.

Trước đó, trên tờ Daily Star (Lebanon), Bộ trưởng Guidanian đã phàn nàn rằng truyền thông đang đưa tin quá tiêu cực về Lebanon, làm ảnh hưởng tới hình ảnh và ngành du lịch của nước này.

“Nhìn Ai Cập kia kìa, có ở đâu bẩn thỉu hơn không? Người Ai Cập ồn ào hơn chúng tôi, tắc đường tệ hơn, người dân thì sống trong các ngôi mộ. Thế nhưng, họ vẫn có ngành du lịch phát triển bởi người Ai Cập biết cách quảng bá đất nước của mình”, ông Guidanian nói.

Ngay sau đó, ông Guidanian đã phải lên tiếng xin lỗi, đồng thời ghé thăm Đại sứ quán Ai Cập tại Lebanon để tỏ sự hối tiếc, ăn năn của mình.

Trợ lý Phó Thủ tướng từ chức vì bê bối tình ái

img

Nghị sĩ quốc hội Úc Andrew Broad.

Theo Sydney Morning Herald, Nghị sĩ quốc hội Andrew Broad từ chức khỏi vị trí Trợ lý Phó Thủ tướng sau khi các cáo buộc về ông được công bố trên tạp chí New Idea.

Ông Broad bị cáo buộc đã sử dụng trang web Seeking Arrangement để tìm gặp gỡ phụ nữ trẻ trong các chuyến công tác. Amy, một cô gái có biệt danh là Sweet Sophia Rose, nói với New Idea rằng cô đã gặp Broad tại một nhà hàng đắt tiền ở Hồng Kông.

Mặc dù đã nói rõ cô chỉ muốn hẹn hò và không muốn thân mật, Amy cáo buộc Broad vẫn đặt phòng khách sạn cho họ.

“Ông ta cứ nắm tay tôi và đặt lên chân ông ta, vì vậy tôi cáo lỗi và đi vào phòng tắm. Khi tôi quay lại, tôi nói với ông ta rằng tôi sẽ về”, Amy nói với New Idea.

Amy cáo buộc Broad đã nói dối về tuổi của mình và liên tục tự gọi mình là James Bond (nhân vật trong phim Điệp viên 007).

“Tôi không nghĩ một người như thế này nên có vị trí quyền lực như thế và được đưa ra quyết định cho đất nước”, Amy nói. “Ông ta đã gửi ảnh mình lên TV cho tôi… Có vẻ như ông ấy muốn thể hiện rằng ông ta là một người rất quan trọng”.

Hiện cảnh sát liên bang Úc (AFP) đang điều tra vấn đề này.

Bộ trưởng “ngã ngựa” vì dùng bằng giả

img

Bà Carmen Montón. Ảnh: Getty.

Theo The Guardian, vào tháng 9.2018, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carmen Montón đã phải từ chức sau khi bị giới truyền thông nước này phát hiện dùng bằng giả. Cụ thể, nhiều tờ báo Tây Ban Nha đã phát ra rằng tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Giới tính Liên ngành vốn được Trường Đại học Quốc vương Juan Carlos cấp vào năm 2011 có nhiều điểm bất thường.

Dù Bộ trưởng Carmen khẳng định bản thân trong sách, một cuộc điều tra của tờ báo El Diario đã phát hiện sự khác biệt giữa số buổi đi học và điểm số của bà. Không chỉ có vậy, Carmen còn bị cáo buộc đạo văn trong luận án thạc sĩ của mình.

Canada rúng động bê bối video “đen”

img

Ông Tony Clement. Ảnh: Canadian Press.

Vào tháng 11.2018, Canada rúng động với vụ bê bối tình dục liên quan đến một chính khách nổi tiếng lâu năm. Theo Thời báo New York, ông Tony Clement, một cựu thành viên nội các và là nghị sĩ quốc hội của đảng Bảo thủ, ngày 6.11 đã bị buộc rời khỏi nhóm họp kín của lãnh đạo đảng này sau khi thừa nhận đã gửi những hình ảnh gợi dục và một video cho một phụ nữ trong suốt ba tuần lễ.

Ông cũng nói mình hiện là “nạn nhân bị tống tiền” và rằng “phía bên kia” đòi ông đưa 50.000 euro để không công bố những hình ảnh đó. Không lâu sau đó, ông Clement đã từ chức khỏi nhiều vị trí tại quốc hội, bao gồm một ủy ban có quyền tiếp cận thông tin tình báo về an ninh quốc gia.

“Tôi nhận ra rằng tôi đã sai lầm, đưa ra các quyết định không đứng đắn. Lời đầu tiên, tôi muốn xin lỗi gia đình mình vì đã bị tổn thương, xấu hổ trước hành vi mà tôi gây ra”, ông Clement nói.

“Tôi cũng muốn xin lỗi các đồng nghiệp vì đã làm họ thất vọng. Tôi cam kết sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ và điều trị cần thiết để đảm bảo rằng việc này sẽ không xảy ra nữa”.

Bộ trưởng Nam Phi vướng bê bối tình dục

img

Cựu bộ trưởng Nội vụ Nam Phi Malusi Gigaba. Ảnh: The Citizen.

Vào hồi tháng 10.2018, báo chí Nam Phi đăng tải thông tin về vụ bê bối tình dục của bộ trưởng Nội vụ nước này, ông Malusi Gigaba. Cụ thể đó là một đoạn video quay một cảnh không hay ho của ông này. Trong phản ứng đưa ra trên mạng Twitter, ông Gigaba viết rằng điện thoại của ông bị xâm nhập vào khoảng năm 2016 hoặc 2017 và đoạn video mà ông nói là để gửi cho vợ mình đã bị đánh cắp.

Đoạn phim sau đó đã nhanh chóng được phát tán trên mạng Internet khiến dư luận nước này phản ứng mạnh. Dù đã nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi nhưng trước sức ép từ chức ngày càng lớn sau khi bị tòa phán quyết là không trung thực khi tuyên thệ, ông cuối cùng đã phải rời khỏi nội các của Tổng thống Cyril Ramaphosa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem