Các nước vùng Vịnh chuẩn bị "giáng đòn sấm sét" với Qatar?

Phương Đăng (theo Gulf News) Chủ nhật, ngày 11/06/2017 22:06 PM (GMT+7)
Các nước vùng Vịnh có thể truy tố Qatar ra Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) và Doha sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt vì vi phạm Nghị quyết chống khủng bố 1373 được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua sau vụ tấn công 11.9.2001, một chuyên gia luật UAE tuyên bố.
Bình luận 0

 img

Thủ đô Doha của Qatar nhìn từ trên cao.

Cụ thể, Tiến sĩ Mohammad Hassan Al Qasim, Trưởng khoa Luật kiêm Giáo sư Luật Quốc tế tại Đại học UAE nhấn mạnh rằng, bất cứ thành viên nào của Liên Hợp Quốc cũng có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an đưa ra nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt Qatar do Doha vi phạm các cam kết chống khủng bố. Theo ông Al Qasim, các nước vùng Vịnh cũng có thể truy tố Qatar  tại ICJ với cáo buộc Doha tài trợ tài chính cho các tổ chức khủng bố.

Tuần trước, một số nước vùng Vịnh bao gồm Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Yemen, Libya, Maldives và Mauritius tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này hỗ trợ các nhóm khủng bố làm rối loạn an ninh Trung Đông và can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia khác.

Doha bác bỏ các cáo buộc trên và cho rằng, khủng hoảng ngoại giao bắt đầu từ một bản tin giả trên một hãng tin của Qatar vào ngày 23.5. Bản tin này đưa những lời bình luận sai của Quốc vương Qatar, trong đó, ông tỏ thái độ thân thiện với Iran và bày tỏ sự ủng hộ với tổ chức Anh em Hồi giáo. 

Tuy nhiên, Saudi Arabia, UAE và Bahrain vẫn đưa ra yêu sách buộc Qatar phải trục xuất các thành viên của Hamas và các nhóm khác bị họ xem là khủng bố.

Ai Cập đã yêu cầu Hội đồng Bảo an điều tra thông tin Qatar đã trả tới 1 tỷ USD cho một nhóm khủng bố đang hoạt động ở Iraq để chuộc 26 con tin bị bao gồm các thành viên Hoàng gia của nước này. Nếu đúng thì đây được xem là hành động vi phạm Nghị quyết 2133 được Liên Hợp Quốc thông qua tháng 1. 2014, tái khẳng định quy định rằng tất cả các nước thành viên phải ngăn chặn bất cứ nguồn tài chính nào từ các nhóm khủng bố, trong trường hợp khủng bố bắt cóc con tin đòi tiền chuộc, phải tuân thủ chính sách không trả tiền chuộc... 

Phó Đại sứ Ai Cập Ehab Moustafa nói trong cuộc họp Hội đồng tuần trước rằng, 193 thành viên Liên Hợp Quốc đều có nghĩa vụ phải tuân thủ các nghị quyết "nhằm ngăn chặn những kẻ khủng bố trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng các khoản tiền chuộc hoặc các nhượng bộ chính trị khác".

Ông Moustafa nhấn mạnh, nếu Qatar trả tiền cho khủng bố để chuộc 26 công dân bị bắt cóc tháng 12.2015 trong một cuộc săn chim ưng ở miền Nam Iraq, thì đây rõ ràng "là sự ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và chắc chắn tạo ra những tác động tiêu cực đến những nỗ lực chống khủng bố".

Ông Abdul Rahim Ali, một thành viên của Quốc hội Ai Cập nói rằng, ông đang chuẩn bị một bộ hồ sơ hoàn thiện để kiện Qatar về các tội ác chiến tranh có liên quan đến nước này được thực hiện ở Libya và Yemen.

Ông Ali cáo buộc, trong 6 năm qua, Qatar đã tài trợ và hỗ trợ các nhóm khủng bố bao gồm Tổ chức Anh em Hồi giáo và Nhóm Chiến đấu Hồi giáo ở Libya. Sự hỗ trợ của Qatar được cho là đã hỗ trợ cho các tổ chức trên về hậu cần và vũ khí.

Libya cũng tuyên bố có kế hoạch để nộp đơn kiện chống lại Qatar tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) với cáo buộc Doha có liên quan đến một loạt các vụ ám sát trong nước bao gồm vụ ám sát Thiếu tướng Abdul Fatah Younus.

Libya cũng là một trong số những quốc gia cắt quan hệ ngoại giao với Qatar đầu tuần trước vì cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem