Cái khó của Trung Quốc khi chơi với Triều Tiên

Lư Phổ Ân Thứ sáu, ngày 10/03/2017 19:00 PM (GMT+7)
Có thể thấy Triều Tiên đã bị Trung Quốc chơi đòn nặng và hiểm như thế nào. Với động thái này, Trung Quốc vừa gia tăng áp lực với Triều Tiên lại vừa cải thiện được thể diện và uy danh trên trường quốc tế, vừa khẳng định vai trò rất quyết định trong việc tác động vào chiều hướng diễn biến và triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Bình luận 0

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Khu vực Đông Bắc Á lại trở nên căng thẳng và phức tạp về chính trị an ninh với sự xuất hiện của tình huống mới và sự định hình của cục diện chính trị an ninh mới. Với lý do thể hiện phản ứng về việc Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung, Triều Tiên phóng đồng thời 4 quả tên lửa, cho rơi xuống vùng biển ở bên trong khu vực 200 hải lý của Nhật Bản, lại còn thẳng thừng tuyên cáo mục đích của vụ phóng tên lửa là tập tấn công căn cứ quân sự của  Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ và quyết liệt chưa từng thấy để thể hiện thái độ phản ứng và cảnh cáo Triều Tiên. Mỹ đã nhanh chóng triển khai những khẩu đội đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối (Thaad) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Lo ngại về động thái này của Mỹ còn nhiều hơn cả lo ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Trung Quốc cũng thể hiện thái độ khác trước rất nhiều, vừa phê phán Triều Tiên lại vừa cảnh báo Mỹ, vừa bi kịch hoá tình huống lại vừa chủ động đề nghị Mỹ và Triều Tiên đối thoại và đàm phán trực tiếp với nhau.

Về phương diện quân sự, Triều Tiên chứng tỏ ngày càng thêm tiến bộ trong chương trình tên lửa và hạt nhân trong khi Mỹ tăng cường vũ trang ở khu vực. Hệ thống Thaad của Mỹ có tác dụng góp phần quan trọng làm thay đổi "cuộc chơi" không chỉ giữa Mỹ và Triều Tiên mà còn cả giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga ở khu vực này.  Về chính trị, rõ ràng là mối quan hệ của Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng hơn trước rất nhiều và của Triều Tiên với Trung Quốc cũng phức tạp thêm lên không kém. Tất cả các đối tác này đều có cái khó xử và bế tắc riêng.

Triều Tiên gặp thêm khó khăn sau khi Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên. Theo số liệu thông kê về ngoại thương của Trung Quốc, năm ngoái Triều Tiên xuất khẩu than đá trị giá 1,2 tỷ USD sang Trung Quốc. Số tiền này chiến một phần ba tổng thu nhập của Triều Tiên từ xuất khẩu.

Có thể thấy Triều Tiên đã bị Trung Quốc chơi đòn nặng và hiểm như thế nào. Với động thái này, Trung Quốc vừa gia tăng áp lực với Triều Tiên lại vừa cải thiện được thể diện và uy danh trên trường quốc tế, vừa khẳng định vai trò rất quyết định trong việc tác động vào chiều hướng diễn biến và triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Triều Tiên không thể không bực bội và cảm nhận bị thất thế khi răn đe mãi mà Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiến hành tập trận chung. Hơn nữa, căng thẳng mới bùng phát trong quan hệ giữa Malaysia và Triều Tiên cũng khiến Triều Tiên hiện tại rất khó xử. Trong bối cảnh tình hình như thế, Triều Tiên dùng việc phóng tên lửa về phía Nhật Bản để đối phó và tự giải thoát khỏi tình thế khó khăn.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường vũ trang và thể hiện thái độ cứng rắn với Triều Tiên vì thực sự lo ngại về tiến bộ của Triều Tiên trong việc thực hiện chương trình tên lửa và hạt nhân. Cái khó của họ là tưởng chủ động nhưng trong thực chất lại gần như bị động trong đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Chưa thấy ba đối tác này ló ra được ý tưởng chiến lược nào mới trong quan hệ với Triều Tiên ngoài xiết chặt những biện pháp trừng phạt Triều Tiên, gia tăng các hoạt động quân sự và tăng cường vũ trang ở khu vực, củng cố liên minh quân sự tay ba và tìm cách thúc ép Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng và vị thế của mình để buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa, tuân thủ nghiêm chỉnh những quyết định của LHQ.

Trong chuyện này, Trung Quốc có lợi thế nhưng cũng có cái khó riêng. Triều Tiên và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc càng làm găng nhau, Triều Tiên cứ tiếp tục thử hạt nhân và phóng tên lửa cũng như Mỹ cùng các đồng minh càng tăng cường vũ trang ở khu vực thì nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang trực tiếp ngày càng tăng,  Trung Quốc cảm nhận mối đe doạ an ninh ngày càng thêm thực tế không chỉ bởi chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên mà còn bởi tiềm lực quân sự của Mỹ và đồng minh. Cái khó của Trung Quốc còn là bị Triều Tiên lôi kéo vào cuộc chơi giữa Triều Tiên với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, biến chuyện của Triều Tiên với ba đối tác này thành cả chuyện giữa Trung Quốc và họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem