“Đả hổ” Chu Vĩnh Khang xong, Tập Cận Bình “đập ruồi“?

Nguyễn Tuấn (Theo South China Morning Post) Thứ tư, ngày 13/08/2014 08:00 AM (GMT+7)
Nhiều người đặt câu hỏi chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình kéo dài bao lâu và liệu sự sụp đổ của ông Chu Vĩnh Khang có chấm dứt cuộc "săn hổ" của ông Tập...  
Bình luận 0
Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào tháng 11.2012, ông đặt ra nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là giải quyết nạn tham nhũng tràn lan ở Trung Quốc. Chiến dịch của ông khiến cho hàng chục ngàn quan chức Trung Quốc bị trừng trị, trong số đó có hơn 30 quan chức cao cấp.

 img

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 11.2012, Tập Cận Bình đặt ra nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là giải quyết nạn tham nhũng tràn lan ở Trung Quốc. 

Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là lớn nhất kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949.

Chiến dịch đạt đến một cấp độ mới khi Chu Vĩnh Khang - một cựu Bộ trưởng Công an, cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc bị bắt vì tội danh tham nhũng. Trước đó, Từ Tài Hậu - một trong những tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Trung Quốc cũng bị truy tố vì tội danh tham nhũng.

Khi chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình triệt hạ nhiều “hổ lớn” và nhận được nhiều sự ủng hộ và tán dương ở Trung Quốc, động cơ của chiến dịch chống tham nhũng này trở thành một câu hỏi lớn.

Nhiều người đặt câu hỏi, chiến dịch "bắt hổ" của ông Tập sẽ kéo dài bao lâu và liệu sự sụp đổ của ông Chu Vĩnh Khang có đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc hay không.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ giảm quy mô của chiến dịch chống tham nhũng do chịu áp lực từ các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc và quay trở lại tập trung phát triển kinh tế.

Một số nhà đầu tư bắt đầu phàn nàn, chiến dịch chống tham nhũng đã tạo ra hậu quả khôn lường - các quan chức Trung Quốc sợ hãi và trì hoãn phê duyệt nhiều dự án vì e ngại có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của chiến dịch chống tham nhũng.

Tuy nhiên, cũng có không ít người nhấn mạnh, chiến dịch chống tham nhũng chỉ là một phần trong những nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm củng cố quyền lực bằng cách triệt hạ kẻ thù, bảo vệ đồng minh. Chiến dịch "săn hổ" sẽ còn tiến xa hơn vì nó phản ánh quyết tâm củng cố quyền lực không chỉ của riêng Chủ tịch Tập Cận Bình mà còn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi thúc đẩy một chương trình cải cách triệt để. 

Phe này cho rằng, giới tinh hoa của Trung Quốc đang hỗ trợ sự củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập, đặc biệt là, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, người vẫn được cho là có ảnh hưởng mạnh mẽ đằng sau hậu trường chính trị Trung Quốc.

Thông qua chiến dịch chống tham nhũng, Chủ tịch Tập Cận Bình đang từng bước củng cố quyền lực vững chắc của ông trong đảng đồng thời giành toàn quyền chi phối trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự, an ninh quốc gia, an ninh mạng và chính sách đối ngoại.

Thậm chí, quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình được củng cố và gia tăng khiến nhiều người so sánh ông với cố lãnh đạo Trung Quốc, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. 

Là con trai của một cựu lãnh đạo cải cách, Tập Cận Bình dường như nuôi dưỡng những tham vọng lớn để hình thành quyền lực chính trị của mình sánh ngang tầm với ông Đặng Tiểu Bình, người có công đưa Trung Quốc vào con đường cải cách và mở cửa.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang cố gắng để củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn đang lung lay vì tham nhũng, đe dọa tới sự tồn vong. Tham nhũng tràn lan đến mức hiện nay ở Trung Quốc có câu nói rằng: “Ngay cả quan chức tham nhũng cũng tin rằng tham nhũng là ngoài tầm kiểm soát”.

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Tập Cận Bình từng mạnh mẽ tuyên bố trước các quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản rằng, ông đã bỏ qua “sự sống, cái chết và danh tiếng” trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Điều này cho thấy ông sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng của mình và không tạo ra cơ hội để cho những “con hổ” phản kháng lại.

Có nhiều suy đoán đáng tin cậy rằng, sau sự sụp đổ của "cựu trùm an ninh" Chu Vĩnh Khang, các “con hổ” tiếp theo bị triệt hạ có thể bao gồm một “tay chân” đáng tin cậy nhất của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và một cựu phó thủ tướng trong chính quyền trước đây.

Để đối phó với những nghi ngờ rằng các đồng minh của mình được bảo vệ, Chủ tịch Tập cũng cử các nhà điều tra chống tham nhũng đến Thượng Hải và Chiết Giang, nơi ông từng làm lãnh đạo cấp địa phương trước đây.

Tất cả những điều đó cho thấy, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình sẽ không suy giảm trong tương lai gần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem