Điều gì khiến tộc Nữ Chân nhỏ bé, bị chèn ép vùng lên xâm lược Trung Quốc?

Vương Nam Thứ sáu, ngày 08/11/2019 00:25 AM (GMT+7)
Từ những bộ tộc nhỏ lẻ, lạc hậu, thường xuyên bị triều Minh áp bức, động lực nào đã giúp cho những người Nữ Chân quật khởi, trở thành một thế lực hùng mạnh, thậm chí tiêu diệt triều Minh, làm chủ cả Trung Quốc?
Bình luận 0

img

Trước mối đại thù, những người Nữ Chân đã vùng dậy, lần thứ hai xâm lược Trung Hoa (ảnh minh họa)

Nhà Thanh là một trong những triều đại tồn tại chính thức trong lịch sử Trung Quốc với chiều dài gần 300 năm. Tuy nhiên, ít người biết rằng, nhà Thanh cũng đã phải mất tới gần một thế kỷ mới có thể lật đổ triều Minh, chinh phục thành công Trung Quốc. Suốt quá trình đó, đã diễn ra vô số những cuộc chiến ác liệt và nổi tiếng giữa hai bên. Loạt bài này sẽ kể lại về quá trình lịch sử đầy biến cố đó.

Nữ Chân là tộc người đã từng gây dựng nhà Kim, một quốc gia tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi (1115-1234) nhưng tiếng tăm thì vô cùng lẫy lừng trong lịch sử Trung Quốc.

Nhà Kim từng tiêu diệt Đại Liêu, Bắc Tống, bắt sống hai vị vua nhà Tống trong sự kiện “mối nhục Tĩnh Khang”, chèn ép Mông Cổ, mặc sức tung hoành tại Trung Quốc lúc bấy giờ.

Quốc hiệu Kim thể hiện ý chí cứng cỏi, mãi mãi không bị hủy hoại như kim loại của những người Nữ Chân. Tuy nhiên, sau khi bị Thành Cát Tư Hãn đánh cho đại bại trong chiến dịch Dã Hồ Lĩnh, nhà Kim đã dần suy yếu.

Dù vậy, với sức mạnh của quân Mông Cổ lúc bấy giờ, Thành Cát Tư Hãn vẫn không thể nào tiêu diệt được nước Kim. Mãi đến năm 1234, nhà Kim mới bị đánh bại hoàn toàn bởi liên quân Mông - Tống.

Sau khi bị diệt quốc, những người Nữ Chân phải di dời và sống phiêu bạt tại khu vực đông bắc Trung Quốc  (tỉnh Liêu Ninh). Mãi cho đến hơn 300 năm sau, tộc Nữ Chân đó lại vùng dậy, một lần nữa xâm chiếm Trung Hoa, vì phải báo một mối đại thù.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích (1559-1626), được xem là ông tổ của nhà Thanh. Cha và ông nội của Nỗ Nhĩ Cáp Xích vì muốn bảo vệ bộ tộc, phải khuất phục và làm thuộc tướng cho viên tổng binh nhà Minh, tên Lý Thành Lương.

Năm lên 10 tuổi, mẹ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích mất. Không thể sống nổi trong nhà do bị mẹ kế ngược đãi, ông bỏ ra nhà đi. Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã phải đi đào nhân sâm và nhặt hạt thông để kiếm sống qua ngày.

img

Nỗ Nhĩ Cáp Xích – ông tổ của nhà Thanh (ảnh minh họa)

Nỗ Nhĩ Cáp Xích từ nhỏ đã tỏ ra rất hứng thú với văn hóa của người Hán. Ông chăm chỉ học tiếng và chữ viết Hán. Ông đặc biệt thích đọc “Tam quốc diễn nghĩa” và “Thủy hử”. Những tác phẩm đó đã ảnh hưởng rất lớn đến cách dụng binh sau này của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Ông thường nói với bè bạn:

– Muốn lập nên sự nghiệp lớn, tất phải có chí và đông anh em bạn bè, lại phải có võ nghệ, có trí tuệ và nhiều mưu kế.

Đến tuổi trưởng thành, Nỗ Nhĩ Cáp Xích quay về, cùng cha và ông nội đầu quân cho Lý Thành Lương. Gia tộc của Nỗ Nhĩ Cáp Xích dần trở nên rất có uy tín trong bộ lạc.

Theo Thanh sử, vì cố gắng giúp cho người Nữ Chân đoàn kết lại với nhau, ông nội và cha của Nỗ Nhĩ Cáp Xích trở thành cái gai trong mắt nhà Minh.

Họ đã bị Lý Thành Lương, cùng một tộc trưởng khác là Ni Kham Ngoại Lan, lập mưu ám hại. Trong một trận chiến, cả hai người đều bị “giết nhầm” bởi quân của Lý Thành Lương.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích may mắn trốn thoát được khỏi cuộc thanh trừng đó. Năm 24 tuổi, ông trở về bộ lạc và kế thừa chức vị thủ lĩnh của cha. Nhằm xoa dịu sự bất mãn của người Nữ Chân, nhà Minh đã ban chức tước và trả lại thi thể của ông nội và cha cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích.

Sự bạo ngược của nhà Minh, khiến Nỗ Nhĩ Cáp Xích cùng những người Nữ Chân vô cùng căm phẫn, nhưng vì lực lượng còn yếu, họ nén nhịn mối nhục và chịu sắc phong.

Năm 1584, lấy danh nghĩa Long Hổ tướng quân, do nhà Minh phong, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tập hợp quân đội, lấy 13 bộ giáp sắt của cha để lại trang bị, đi đánh Ni Kham Ngoại Lang để báo thù. Chi tiết này trong cũng phần nào thể hiện sự yếu kém của lực lượng Nỗ Nhĩ Cáp Xích lúc đó.

img

Nỗ Nhĩ Cáp Xích từng bước gây dựng lực lượng, báo mối đại thù với nhà Minh (ảnh minh họa)

Trong trận ác chiến tại thành Đồ Luân, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đánh bại quân của Ni Kham Ngoại Lang. Tuy nhiên, tên này sau đó trốn thoát được sang bộ lạc Nga Nhĩ Hồn.

Năm 1587, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đại phá bộ lạc Nga Nhĩ Hồn, Ni Kham Ngoại Lan lại chạy đến chỗ của Lý Thành Lương. Nỗ Nhĩ Cáp Xích buộc Lý Thành Lương phải giao trả Ni Kham Ngoại Lan và giết hắn để tế bái ông cha.

Sau khi tiêu diệt được Ni Kham Ngoại Lan, danh tiếng của Nỗ Nhĩ Cáp Xích trở nên vang dội trong các bộ lạc Nữ Chân. Năm 1588, các bộ lạc người Nữ Chân hầu hết đều quy phục dưới trướng của Nỗ Nhĩ Cáp Xích.

Năm 1593, liên minh 9 bộ tộc Nữ Chân không chịu khuất phục trước Nỗ Nhĩ Cáp Xích tấn công. Ông đã đánh tan lực lượng này và thu phục họ. Đến năm 1619, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tiêu diệt bộ lạc chống đối cuối cùng là Diệp Hách, hoàn thành việc thống nhất tất cả các bộ lạc của người Nữ Chân.

Năm 1615, Lý Thành Lương chết, toàn bộ vùng Liêu Đông và một phần Mông Cổ rơi vào tầm ảnh hưởng của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Năm 1616, ông chính thức lên ngôi Đại Hãn, lập nhà Hậu Kim.

img

Nỗ Nhĩ Cáp Xích từng bước chinh phục những đối thủ, quyết tâm báo thù nhà Minh (ảnh minh họa)

Nỗ Nhĩ Cáp Xích tự đặt họ cho mình là Ái Tân Giác La, hàm ý kế thừa chính thống dòng máu triều Kim. Các vua nhà Thanh đời sau cũng đều lấy họ là Ái Tân Giác La.

Sau khi Hậu Kim thành lập, Nỗ Nhĩ Cáp Xích bắt đầu xây dựng lực lượng nhằm báo thù nhà Minh.

Trước hết, về văn hóa, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã cho khôi phục lại chữ viết của người Nữ Chân.

Về mặt hành chính, Nỗ Nhĩ Cáp Xích chia quân dân của mình thành các kỳ, tất cả được 8 kỳ lớn. Lực lượng quân sự cũng được ông xây dựng theo mô hình này, trở thành Bát Kỳ quân, một đội quân nổi tiếng tinh nhuệ, bách chiến bách thắng trong lịch sử Trung Quốc.

Ban đầu, mỗi cánh quân Bát Kỳ có 7.500 người, toàn quân Bát Kỳ có hơn 6 vạn người. Thông qua việc chinh phục các bộ lạc, số lượng binh sĩ Bát Kỳ cũng ngày càng tăng cả chất và lượng.

img

Người Nữ Chân chính thức bước vào cuộc chiến với nhà Minh (ảnh minh họa)

Đến năm 1618, Đại Kim đã trở nên hùng mạnh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích cho triệu tập đại thần và các tướng lĩnh bàn việc đánh nhà Minh. Trong bài hịch “Thất đại hận” (bảy mối thù lớn), ông đã tuyên bố bảy tội ác lớn của nhà Minh với người Nữ Chân:

– Bây giờ, ta muốn phát binh chống lại nhà Minh. Vì sao ta lại muốn tiến công triều Minh? Vì ta có bảy mối đại hận. Cái hận đầu tiên, các ngươi đã biết, ông, cha ta đã bị triều Minh giết hại, ta phải báo mối thù này.

Những mối hận tiếp theo trong “Thất đại hận” chủ yếu thể hiện việc nhà Minh nhiều lần chèn ép, cướp phá người Nữ Chân, trợ chiến cho kẻ thù của người Nữ Chân là bộ tộc Diệp Hách và nhiều lần làm nhục Nỗ Nhĩ Cáp Xích.

Bầu không khí căm thù tràn ngập, cuộc chiến tranh xâm lược Trung Hoa lần hai của những người Nữ Chân, dưới sự lãnh đạo của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, chính thức bắt đầu.

____________

Sau khi tuyên chiến với nhà Minh, những người Nữ Chân đã giành chiến thắng hay phải hứng chịu thất bại thảm khốc? Mời các bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau.

Vì sao người Nhật ít hơn gấp 10 lần lại áp đảo người Trung Quốc?

Dù dân số chỉ bằng 1/10 Trung Quốc nhưng Nhật Bản luôn thể hiện được ưu thế trong giai đoạn đầu cuộc Thế chiến lớn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem