Đồng ý trừng phạt Triều Tiên, Trung Quốc muốn dạy Kim Jong-un bài học

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ tư, ngày 13/09/2017 08:30 AM (GMT+7)
Bỏ phiếu ủng hộ gói trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc nhắm vào Triều Tiên, Trung Quốc không chỉ muốn xoa dịu Mỹ mà còn gửi thông điệp mạnh mẽ rằng Bắc Kinh đang rất không hài lòng với Bình Nhưỡng.
Bình luận 0

img

Trung Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ gói trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc nhắm vào Triều Tiên hôm 11.9 mặc dù trước đó từng lên tiếng phản đối.

Theo Biên tập viên Trung Quốc Carrie Gracie, Bắc Kinh luôn cảm thông với nỗi bất an của Triều Tiên đối với Mỹ bởi trong nhiều thập kỷ, nước này cũng nghi ngờ Washington có kế hoạch kiểm soát và thay đổi chế độ bằng cách loại bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền.  

Bắc Kinh muốn Mỹ nói chuyện với Triều Tiên trong bước đi đầu tiên để xây dựng niềm tin. Và Bắc Kinh cũng muốn Bình Nhưỡng ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân, tên lửa đạn đạo.

Nhưng mong muốn của Bắc Kinh không được lắng nghe và thực hiện. Thay vào đó, chính quyền Kim Jong-un tăng tốc thực hiện các cuộc thử nghiệm vũ khí dẫn đến chiến tranh ngôn từ gay gắt giữa 2 bên (Bình Nhưỡng và Washington) đồng thời đẩy bán đảo Triều Tiên ngấp nghé bờ vực chiến tranh.

Cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên trong quá khứ mà cả Mỹ và Trung Quốc đều tham chiến đã cướp đi cuộc sống của hàng triệu người. Nếu một cuộc chiến mới xảy ra, bắt nguồn từ hành động đơn phương của Mỹ, đều có thể kéo Trung Quốc vào xung đột một lần nữa.

img

Cả Triều Tiên lẫn Mỹ đều được xem là những đối tác khó lường của Trung Quốc.

Vì thế, dù không tin các biện pháp trừng phạt mới, bao gồm hạn chế bán dầu mỏ cho Triều Tiên, sẽ ép được nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng Bắc Kinh vẫn ủng hộ vì muốn dạy cho chính quyền Kim Jong-un một bài học.

Đây là một cách để Trung Quốc báo hiệu sự không hài lòng với sự theo đuổi liều lĩnh của Bình Nhưỡng đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.  

Ngoài ra, đây cũng là cách để Bắc Kinh tránh bị Mỹ cáo buộc ủng hộ, dung túng cho Bình Nhưỡng, loại bỏ bất cứ nguy cơ nào cho nền kinh tế đang bị thiệt hại đáng kể bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp nhắm vào các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên hoặc có kết nối với Triều Tiên. 

Tuy nhiên, để có bước đi như trên, Bắc Kinh cũng đã tính toán kỹ để tránh nguy cơ các gói trừng phạt dồn Bình Nhưỡng vào chân tường, khiến chế độ Kim Jong-un sụp đổ. 

Mặc dù không muốn Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân, song Bắc Kinh càng không muốn chứng kiến sự sụp đổ của Bình Nhưỡng dẫn tới một cuộc khủng hoảng tị nạn trên biên giới Trung Quốc, đe dọa đến sự ổn định trong nước cũng như viễn cảnh quân đội Mỹ tràn tới ngay trước cửa nhà.

Mặc dù Bắc Kinh thất vọng với chính quyền Kim Jong-un, nhưng Triều Tiên là láng giềng và đồng minh ruột của Trung Quốc với quá khứ cùng chiến đấu cùng nhau và hiện tại có cùng tham vọng xóa bỏ sự hiện diện của Mỹ ở Đông Bắc Á trong tương lai.

Hơn nữa, mục tiêu chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay là duy trì sự ổn định trong nước để giữ vững quyền lãnh đạo. Do đó, theo đánh giá của Bắc Kinh, hiện nay tốt nhất là cần phải giữ chính quyền Kim Jong-un ở đúng chỗ của mình.

Theo đó, đồng ý trừng phạt Triều Tiên chứng tỏ sự khôn khéo, linh hoạt của Bắc Kinh trong việc điều chỉnh, vận hành chính sách mà nước này cài đặt giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem