Dự luật trừng phạt Mỹ cuối cùng lại tặng Putin một bàn thắng

Phương Đăng (theo NI) Thứ ba, ngày 01/08/2017 14:00 PM (GMT+7)
Dự luật trừng phạt Mỹ được thiết kế để làm tổn hại Nga nhưng cuối cùng có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho Mỹ.
Bình luận 0

img

Tổng thống Nga Putin.

Một điều ngạc nhiên là quyết định xử phạt của Nga đối với các nhà ngoại giao cũng như các cơ sở sứ quán Mỹ đã không được đưa ra sớm hơn, theo nguyên tắc phản ứng đối xứng. Thực tế, khi chính quyền Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa 2 cơ sở sứ quán Nga vào tháng 12 năm ngoái với cáo buộc Điện Kremlin can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Ngoại trưởng Lavrov đã xuất hiện trên truyền hình một ngày sau đó và đưa ra danh sách 35 nhà ngoại giao Mỹ mà ông đề nghị Tổng thống Putin trục xuất để đáp trả.

Tuy nhiên, thời điểm đó, ông chủ Điện Kremlin khiến thế giới ngạc nhiên với tuyên bố: "Dù chúng tôi có quyền trả đũa, nhưng chúng tôi sẽ không hạ mình để đáp lại lối ngoại giao "nhà bếp" vô trách nhiệm này. Chúng tôi sẽ có những động thái nhằm nối lại quan hệ Nga – Mỹ dựa trên chính sách mà chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump áp dụng”, Tổng thống Putin nhấn mạnh. 

Rõ ràng Điện Kremlin tin rằng, một khi ông Trump lên nắm quyền, các lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt chống lại Nga sẽ được dỡ bỏ và quan hệ 2 nước sẽ được cải thiện, vậy nên lúc đó Moscow đã lựa chọn khoan dung.

Nhưng 7 tháng sau đó, kể cả sau khi ông Trump và ông Putin có cuộc họp song phương kéo dài bên lề Hội nghị G20 ở Hamburg, Đức dấy lên triển vọng quan hệ Nga-Mỹ sẽ được cải thiện thì lưỡng viện Quốc hội Mỹ lại phê chuẩn dự luật tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Động thái này khiến Tổng thống Putin giận dữ thật sự và kết quả là Mỹ sẽ phải giảm 60% nhân viên ngoại giao ở Nga, tuân thủ đúng lệnh trừng phạt mà Điện Kremlin đưa ra.

Viễn cảnh cải thiện quan hệ Nga Mỹ hiện nay trở nên đen tối, thậm chí còn hơn hồi tháng 12 năm ngoái. 

Theo nhà phân tích của National Interest, Angela Sten, sự suy thoái trong quan hệ Nga-Mỹ bắt nguồn từ nội bộ cả 2 nước.

Cuộc điều tra về các mối quan hệ giữa gia đình Tổng thống Trump và các cố vấn thân cận của ông chủ Nhà Trắng với Nga - cộng thêm cáo buộc Điện Kremlin can thiệp bầu cử Mỹ - khiến Nga trở thành chủ đề khó chịu ở Washington, DC.

Trong một liên minh bất thường giữa các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa Mỹ, Hạ viện nước này đã thông qua một dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt hiện hành được áp đặt dưới thời Obama đối với Nga. Động thái này nhằm ngăn chặn khả năng ông Trump đơn phương dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga. 

Trong khi đó, các yếu tố trong nước cũng ảnh hưởng đến phản ứng của Nga. Theo ông Angela Stent, chủ nghĩa dân tộc ở Nga đã trở thành với thế lực mạnh mẽ. Tổng thống Putin sắp đối mặt với một cuộc tái bầu cử vào tháng 3 năm sau. Do đó, khi viễn cảnh cải thiện quan hệ Nga-Mỹ bốc hơi, Tổng thống Putin có thể cảm thấy cần phải chứng minh rằng, Moscow không thể tiếp tục phản ứng thụ động trước những động thái lấn lướt, xúc phạm từ Mỹ thêm nữa. 

Ông Angela Stent cho rằng, dự luật trừng phạt Nga của Mỹ được thiết kế để làm tổn hại Nga, nhưng cũng có thể mang đến những hậu quả khôn lường cho Mỹ. Cụ thể, dự luật này  không chỉ trừng phạt các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức Nga, mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức Mỹ và châu Âu vì những hạn chế trong lĩnh vực năng lượng có sự tham gia của các công ty Nga.

Dự luật này sẽ ngăn chặn việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream Two để xuất khẩu khí đốt Nga dưới biển Baltic tới châu Âu. 

Đức và nhiều nước châu Âu xem đường ống này là cách hiệu quả để đảm bảo nhu cầu khí đốt tương lai. 

Theo đó, ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đã cảnh báo rằng, dự luật trừng phạt của Mỹ "có thể ảnh hưởng tới các lợi ích an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU)".

Một số quan chức EU còn cảnh báo Mỹ rằng, EU có thể xem xét xử phạt Mỹ nếu Washington quyết tâm phê chuẩn dự luật. Dĩ nhiên, đây là tin tốt cho Điện Kremlin. 

Các động thái mới nhất của Điện Kremlin có thể chỉ là khởi đầu cho một loạt các biện pháp trừng phạt mới mà Nga và Mỹ sẽ đưa ra. Hai cường quốc này vẫn có thể phối hợp tại Syria nhưng đây có thể sẽ là một trong số ít các lĩnh vực 2 bên còn hợp tác.

Tóm lại, theo ông Angela Stent, quan hệ Nga-Mỹ có thể sẽ tiếp tục xấu đi trước khi bắt đầu được cải thiện. Trong khi đó, với tình trạng bất ổn hiện này ở Washington thì viễn cảnh cải thiện quan hệ Nga-Mỹ sẽ còn rất xa. .

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem