Kim Jong Un chơi trò cao tay khi Thế vận hội Hàn Quốc khai mạc

Duy Anh (Tổng hợp) Thứ bảy, ngày 10/02/2018 19:30 PM (GMT+7)
Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 đã khai mạc với mong muốn từ phía Hàn Quốc là một “Thế Vận Hòa Bình”. Nhưng với Triều Tiên, đây không chỉ là một Thế vận hội thuần túy thể thao, mà còn là một “trò chơi địa chính trị”.
Bình luận 0

img

Em gái ông Kim Jong Un dẫn đầu đoàn đại biểu Triều Tiên dự Thế vận hội mùa Đông.

Pompom-girls đối nghịch với tên lửa. Cùng một ngày, Triều Tiên đã đưa ra hai hình ảnh tương phản. Bên kia lãnh thổ Hàn Quốc là đoàn các vận động viên Triều Tiên được đón tiếp nồng nhiệt hôm qua tại làng thế vận Gangneung. Bầu không khí lạnh giá như tan biến trước các màn trình diễn của hơn 200 thiếu nữ hoạt náo viên xinh đẹp và sẽ có một buổi biểu diễn nữa tại thủ đô Seoul vào ngày 11.2 tới.

Một điểm nhấn khác trong sự kiện thể thao trọng đại này là lần đầu tiên có sự hiện diện của hai nhân vật lãnh đạo cao cấp của Triều Tiên: Kim Yo Jong, em gái út của lãnh đạo Kim Jong Un, ông Choe Hwi, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo thể thao quốc gia Triều Tiên và ông Ri Son-gwon- Chủ tịch Ủy ban thống nhất hòa bình Triều Tiên (CPRK) và ông Kim Yong Nam, chủ tịch Quốc Hội, một chức vụ tuy mang tính hình thức, nhưng về mặt lễ tân, thể hiện sự trọng thị đối với Thế vận hội.

img

Ngày 10.2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiếp các quan chức cấp cao Triều Tiên trong phái đoàn của Bình Nhưỡng tới Hàn Quốc tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Hãng thông tấn Yonhap đưa tin cuộc gặp lịch sử bắt đầu vào khoảng 11h trưa theo giờ địa phương (9h theo giờ Việt Nam) tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc ở thủ đô Seoul. Dự kiến sau đó, Tổng thống Moon sẽ chủ trì bữa trưa với các quan chức Triều Tiên.                Theo Yonhap, việc bà Kim Yo-jong thăm Hàn Quốc là một động thái đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên một thành viên trong gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Hàn Quốc, ít nhất là kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-53.  Phái đoàn cấp cao Triều Tiên dự kiến sẽ về nước vào ngày 11.2.  

Tại lễ khai mạc Olympic tối 9.2, hai miền Triều Tiên đã diễu hành chung dưới một lá cờ in hình bán đảo Triều Tiên thống nhất  Triều Tiên đã cử 22 vận động viên và hàng trăm người thuộc các đội cổ động, nghệ sỹ biểu diễn nghệ thuật và võ taekwondo tới Olympic PyeongChang.

img

Trong khi đó, ở Triều Tiên nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã ra lệnh trình diễn diễu binh rầm rộ. Bình Nhưỡng phô trương tên lửa mừng 70 năm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân. Một cuộc diễu binh mà Mỹ xem đấy như là một hình thức biểu dương sức mạnh hiếu chiến của Bình Nhưỡng.

Dù khẳng định rằng cuộc diễu binh này chỉ là chuyện nội bộ vẫn được tổ chức hàng năm, nhưng việc Bình Nhưỡng chọn thời điểm kỷ niệm một ngày trước khi Thế vận hội Pyeongchang khai mạc cũng không phải là ngẫu nhiên. Triều Tiên không ngần ngại dời ngày kỷ niệm vốn trước đây thường được tổ chức vào ngày 25.04, ngày thành lập Quân Đội Cách Mạng Nhân Dân năm 1932.

Với người dân trong nước, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un muốn khẳng định rằng nếu Hàn Quốc là một cường quốc kinh tế, thì Triều Tiên có thể tự hào về sức mạnh quân sự của mình. Với thế giới, Bình Nhưỡng muốn nhấn mạnh đến vị thế cường quốc hạt nhân mà cộng đồng quốc tế không muốn nhìn nhận.

img

Kim Jong Un ra lệnh diễu binh rầm rộ khoe vũ khí.

Theo giới chuyên gia, cách tiếp cận nước đôi này cho phép chế độ Bình Nhưỡng muốn được “bình thường hóa” vị thế “quốc gia hạt nhân”, nhưng đồng thời tìm cách giảm nhẹ được các trừng phạt và gây chia rẽ hơn nữa mối quan hệ Mỹ - Hàn.

Có thể nói, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã khôn khéo thực hiện chính sách “ngoại giao Thế vận Hội” và tách bạch hai vấn đề: “Hòa giải liên Triều” là một chuyện. “Hạt nhân” là một chuyện khác. Thể thao là một “công cụ” để đối thoại. Còn vấn đề hạt nhân là chuyện giữa Bắc Triều Tiên với Mỹ. Và cách nay vài hôm, Bình Nhưỡng còn cao giọng khẳng định Thế vận hội không phải là lúc để nói chuyện đàm phán hồ sơ hạt nhân.

Người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Farhan Haq cũng cho biết, trong cuộc trao đổi ngắn tại Hàn Quốc, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam tham gia đối thoại về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Cuộc trao đổi ngắn trên diễn ra khi ông Guterres và ông Kim dự tiệc tối trước thềm lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông tại thành phố Pyeongchang (Hàn Quốc). Theo ông Haq, Tổng thư ký Guterres đã một lần nữa nhắc lại mong muốn và hy vọng của ông rằng tất cả các bên sẽ sử dụng đối thoại để hoàn thành việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem