Lý do Trump đừng hòng trông đợi Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại IS

Phương Đăng Thứ ba, ngày 01/01/2019 20:30 PM (GMT+7)
Tổng thống Erdogan khao khát tiêu diệt lực lượng dân quân người Kurd ở Syria chứ không phải khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), do đó, đẩy cuộc chiến IS cho Ankara được cho là sẽ gây nguy hiểm cho nước Mỹ.
Bình luận 0

img

Thổ Nhĩ Kỳ muốn dành toàn lực để chống người Kurd chứ không phải IS.

Theo Foreign Policy, kế hoạch rút quân khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ để Thổ Nhĩ Kỳ gánh vác thay sứ mệnh chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng IS. Tuy nhiên, động thái này được cho là sẽ cung cấp cho IS cơ hội hồi sinh ở giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến.

Theo tuyên bố của ông Trump sau cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hiện IS gần như đã bị đánh bại và các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh NATO lâu năm của Mỹ có thể dễ dàng làm nốt công việc còn lại. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo  đầy tự tin rằng, ông sẽ tiêu diệt sạch tàn quân IS ở Syria.

Tuy nhiên, thực tế, theo Foreign Policy, Ankara chưa từng hoàn toàn "hết lòng hết dạ" với cuộc chiến chống IS. Thay vào đó, họ thích tập trung nguồn lực vào cuộc chiến chống lại người Kurd Syria - vốn bị Ankara xem là khủng bố vì có quan hệ với Đảng Công nhân người Kurd chống phá chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong lãnh thổ nước này trong suốt nhiều thập niên.

Theo đó, mục tiêu chính của Tổng thống Erdogan là ngăn chặn người Kurd Syria củng cố thêm lãnh thổ và thiết lập hành lang song song với biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Diệt trừ IS ở Syria và các mạng lưới của nhóm khủng bố này bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ được xem là ưu tiên thứ yếu và thường bị bỏ qua hoàn toàn.

Chưa kể, lực lượng an ninh và tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu các nguồn tài nguyên hữu hạn, chủ yếu hướng đến việc chống lại Đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm khủng bố bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là "kẻ thù không đội trời chung" và đã chiến đấu với PKK trong gần 4 thập niên.

Về mặt chiến đấu, Thổ Nhĩ Kỳ tự hào có một quân đội đáng gờm nhưng khi IS bị dồn vào các thị trấn nhỏ và các ngôi làng dọc theo thung lũng sông Euphrates, Mỹ vẫn không thể xóa sổ hoàn toàn tàn dư của chúng, cho nên không có lý do gì để chính quyền Trump tin rằng người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể đạt được mục tiêu này.

Theo Foreign Policy, thật khó để tin Thổ Nhĩ Kỳ có thể chống lại IS một cách hiệu quả. Phần lớn tàn quân IS đang tập trung ở những vùng đất cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tới gần 500km.

Theo đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh địa phương gần như không thể tiếp cận các khu vực này để diệt IS một cách hiệu quả và kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ này.

Hơn nữa, trên thực tế "kẻ thù của kẻ thù vẫn thường được coi là bạn", vì vậy Ankara thậm chí có thể xem IS là một phần của chiến lược  chống lại người Kurd ở Syria. 

Với tất cả những yếu tố trên, Tổng thống Erdogan được cho là không hoàn toàn chân thành trong lời hứa sẽ tiêu diệt tàn quân IS sau khi Mỹ rút quân. Thay vào đó, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung vào việc giúp đảng của ông có thêm quyền lực trong các cuộc bầu cử địa phương sắp tới, lời hứa diệt sạch IS ở Syria với Tổng thống Trump sẽ chỉ là một công cụ hữu ích để giúp ông củng cố danh tiếng như một nhà lãnh đạo và chỉ huy quân sự giỏi giang, quyết đoán và mạnh mẽ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem