NATO ngày càng xem thành viên này là "cái gai" trong mắt

Minh Nhật Thứ ba, ngày 03/12/2019 19:00 PM (GMT+7)
Sau nhiều tháng cảnh báo từ Mỹ và các thành viên NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Điều này biến Ankara thành "cái gai" trong mắt nhiều thành viên NATO.
Bình luận 0

img

Sự căng thẳng hiện rõ trên gương mặt Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump

S-400 đã được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè này nhưng chưa đi vào hoạt động nhưng Ankara cho biết "rồng lửa" sẽ chính thức hoạt động vào tháng Tư năm tới.

Nhưng hệ thống này đã trở thành một điểm gây tranh cãi kể từ trước khi nó được chuyển giao đến Thổ Nhĩ Kỳ. NATO lo ngại về nguy cơ S-400 cản trở khả năng tương tác giữa các lực lượng của liên minh, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng S-400 sẽ không được tích hợp với các hệ thống NATO.

Mỹ đặc biệt lo lắng về nguy cơ lộ công nghệ máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 và liên tục đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ankara.

"Thổ Nhĩ Kỳ mua các thiết bị quân sự tinh vi của Nga, chẳng hạn như S-400, tạo ra một số thách thức rất nghiêm trọng đối với chúng tôi và chúng tôi đang liên tục nói về việc này", Tổng thống Donald Trump nói sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Nhà Trắng vào ngày 13/11.

"Chúng tôi đã nói về nó ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ nói về nó trong tương lai. Hy vọng, chúng tôi sẽ có thể giải quyết tình huống đó", ông Trump nói thêm. 

Đề xuất hiện tại của Mỹ là "Thổ Nhĩ Kỳ đắp chiếu các hệ thống S-400, không sử dụng chúng và cho phép các kỹ thuật viên Mỹ thỉnh thoảng ghé thăm và đảm bảo rằng chúng không được sử dụng", ông Omar Lamrani, nhà phân tích quân sự cao cấp tại công ty phân tích địa chính trị Stratfor bình luận với Business Insider.

Theo ông Lamrani nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận đề nghị của Mỹ, Mỹ sẽ bán chiến đấu cơ F-35 cho họ. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng làm như vậy.

Tổng thống Erdogan cho biết ông sẵn sàng mua hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, như ông Trump  đề xuất, nhưng mô tả "đề xuất loại bỏ hoàn toàn S-400" là "can thiệp vào quyền chủ quyền của chúng tôi".

Theo đó, các chuyên gia nhận định Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo NATO tại London vào ngày 3 và 4/12 có thể kết thúc bằng một bức ảnh nhóm và những tuyên bố tích cực, nhưng những cử chỉ đó ngày càng không thể che dấu những vết rạn nứt trong liên minh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem