Nếu trở thành tổng thống, Trump sẽ liều lĩnh ấn nút bấm hạt nhân?

Phương Đăng (theo Washington Post, VOX) Thứ năm, ngày 04/08/2016 19:00 PM (GMT+7)
Người dẫn chương trình Joe Scarborough của đài MSNBC ngày 4.8 tiết lộ, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, Donald Trump từng đặt một câu hỏi lạnh gáy tới 3 lần cho chuyên gia chính sách đối ngoại rằng, tại sao Mỹ có vũ khí hạt nhân mà không dùng?
Bình luận 0

Không ai ngăn được Trump "ấn nút bấm hạt nhân"

Cụ thể, trong chương trình “Morning Joe” của đài MSNBC, người dẫn chương trình Joe Scarborough cho hay: “Vài tháng trước, một chuyên gia chính sách đối ngoại đã tới cho Donald Trump lời khuyên. Và 3 lần (Trump) đã hỏi về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ba lần ông ta hỏi một câu tại sao chúng ta có vũ khí hạt nhân mà không dùng”.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên tỷ phú Trump đề cập đến kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Hồi tháng 3, khi người dẫn chương trình khác của MSNBC là Chris Matthews nói với Trump rằng, các tổng thống Mỹ không nên đưa ra giả thuyết rằng, họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như ông này nhiều lần đề cập, vị tỷ phú đã thẳng thừng đáp lại bằng một câu hỏi rằng: "Vậy tại sao chúng ta còn sản xuất chúng (vũ khí hạt nhân)?".

img

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, Donald Trump .

Tất cả những điều đó dấy lên mối lo sợ rằng, nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng, Trum có thể trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên sau ông Harry Truman, ấn nút bấm hạt nhân, kích hoạt một cuộc chiến tranh hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân.

Câu hỏi được đặt ra là: Nếu trở thành tổng thống, liệu Trump có dám ấn nút bấm hạt nhân? Ai có thể ngăn được "tổng thống Trump" nếu ông ta quyết định làm việc đó.

Trong một bài bình luận trên VOX, nhà phân tích chính trị Zack Beauchamp nhấn mạnh, câu trả lời thật sự rất đơn giản. Đó là:Có. Trump hoàn toàn có thể (ấn nút bấm hạt nhân). Và nếu "tổng thống" Trump quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, không ai có thể ngăn được ông ta.

Tiết lộ về quy trình khởi động vũ khí hạt nhân, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Michael Hayden cho biết: "Hệ thống này được thiết kế cho tốc độ và sự quyết đoán. Nó không được thiết kế để tranh luận về quyết định".

Tiết lộ của ông Michael Hayden có nghĩa là, vũ khí hạt nhân có thể được triển khai ngay lập tức một khi tổng thống Mỹ ra lệnh.

Theo học thuyết chiến lược của Mỹ về vũ khí hạt nhân, tổng thống là người duy nhất có toàn quyền quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân mà không ai có thể ngăn cản để đảm bảo khả năng răn đe, tấn công phủ đầu trước cho cường quốc số 1 thế giới.  

Sự thật về "nút bấm hạt nhân" 

Năm 2008, cựu Phó Tổng thống Dick Cheney từng tiết lộ rằng, valy hạt nhân hay "nút bấm hạt nhân" được gọi bằng cụm từ "The football" (tạm dịch là "bóng bầu dục" theo nghĩa Mỹ) là vật bất ly thân đối với Tổng thống Mỹ trong mọi chuyến đi, có mặt trên chuyên cơ Không lực Một, sân golf cho tới các thang máy. Việc này cho phép tổng thống Mỹ có khả năng khởi động vũ khí hạt nhân ở bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào.

img

Valy hạt nhân được xách theo chân tổng thống Mỹ trên mọi nẻo đường.

Valy hạt nhận được làm bằng titan siêu bền, nặng 18kg, kích thước 45x35x25cm với khóa bằng mật mã. Nó luôn được mang theo bởi 1 trong 5 cận vệ của tổng thống nhằm đảm bảo ông sẽ sử dụng ngay được nó khi cần. Các sĩ quan này đều được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng từ không quân và lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, cũng như phải trải qua quá trình điều tra chi tiết về tiểu sử và các mối quan hệ.

Trên phim ảnh, người ta có thể quen với hình ảnh tổng thống chỉ cần ấn nút để kích hoạt vũ khí hạt nhân nhưng quá trình không đơn giản như vậy.

Trái với niềm tin truyền thống, thực tế chiếc valy hạt nhân là có thật nhưng không có nút bấm nào cả.

Để khởi động vũ khí hạt nhân, tổng thống Mỹ cần phải sử dụng đến một chiếc thẻ có mã xác nhận. Chiếc thẻ được gọi là “The Biscuit” (Bánh quy), luôn luôn bên người tổng thống Mỹ. 

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Jimmy Carter từng để quên chiếc thẻ trong túi áo và mang đến tiệm giặt là.

Cựu Tổng thống Ronald Reagan khi bị bắn và được đưa vào bệnh viện, các bác sỹ đã cắt bỏ chiếc áo của ông khiến Bánh quy rơi xuống đất. Sau đó, Bánh quy rơi vào tay FBI, và ban đầu FBI từ chối trao trả lại nó cho quân đội.

Trong khi đó, cựu tổng thống Bill Clinton cũng từng bị cáo buộc không nhớ để Bánh quy ở đâu và không nói với bất cứ ai trong nhiều tháng.

img

Một sĩ quan mang valy hạt nhân cho Tổng thống Obama

Hiện Mỹ có khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân được triển khai trên nhiều “phương tiện vận chuyển” trên khắp hành tinh. Một số nằm trên đầu tên lửa chôn dưới lòng đất ở Montana, North Dakota, Wyoming, Nebraska và Colorado.  

Một số nằm trong các tàu ngầm đang làm nhiệm vụ ở Bắc Đại Tây Dương và Tây Thái Bình Dương, số khác đang sẵn sàng đưa lên máy bay ở Missouri, North Dakota, Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số đầu đạn hạt nhân có thể được phóng trong vòng vài phút sau khi Tổng thống ra lệnh, chạm đến bất cứ mục tiêu nào trên trái đất trong vòng nửa giờ với sức hủy diệt gấp 20 lần quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật năm 1945.

Hiện toàn thế giới hiện nay có khoảng 15.000 đầu đạn hạt nhân, nếu 100 đầu đạn trong số đó phát nổ có thể giết chết 2 tỷ người, theo Hiệp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh Hạt nhân.

Tại Đại hội đảng Dân chủ ở Philadelphia hôm 28.7, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đã cảnh báo rằng, ông Trump “không phải là người chúng ta có thể tin tưởng để giao phó vũ khí hạt nhân”.

Trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 6, bà Hillary cũng từng nhấn mạnh: “Ông (Trump) không được đặt tay vào nút hạt nhân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem