Boongke hạt nhân có thể là điểm trú ẩn giúp nhiều người sống sót an toàn trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Theo báo Anh Express, có rất nhiều thành phố ở Mỹ mà bạn sẽ không muốn ở lại trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) và Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia Mỹ đã công bố một bản đồ chỉ ra những khu vực nguy hiểm, chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu bị tấn công, những thành phố đông đúc có thể bị các đầu đạn hạt nhân nghiền nát và những địa điểm có thể tránh được chiến tranh, giúp công dân Mỹ sống sót.
Trong một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm năng, có tới 2.000 địa điểm dọc khắp nước Mỹ hoàn toàn có khả năng trở thành mục tiêu bị hủy diệt. Những thành phố lớn, đông đúc và các căn cứ quân sự quan trọng sẽ là mục tiêu tấn công đầu tiên.
Bản đồ chiến tranh hạt nhân của Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) và Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng, những khu vực được đánh dấu bằng tam giác màu tím là những thành phố lớn dễ trở thành mục tiêu tấn công nhằm gây ra thương vong lớn nhất có thể, trong khi các vòng tròn đen là các thành phố nhỏ hơn, các căn cứ quân sự và bãi phóng tên lửa.
Bản đồ cho thấy những khu vực ở Mỹ dễ trở thành mục tiêu tấn công nhất
Theo bản đồ này, hầu như tất cả các bang của Mỹ có thể trở thành mục tiêu bị tấn công và chịu thiệt hại nặng nề. Chỉ có Nam Dakota và Idaho được cho là có ít nguy cơ bị tấn công hơn 5 lần.
Tuy nhiên, ngay cả một số tiểu bang lớn, đông đúc và phát triển như California, vẫn có cơ hội để sống sót trong trường hợp bang này bị tấn công hạt nhân.
Chẳng hạn bờ biển bắc California và Oregon không có bất cứ mục tiêu tên lửa nào. Đặc biệt nhờ hướng gió thường thổi trong khu vực, bờ biển bắc California và Oregon sẽ không phải hứng chịu bụi phóng xạ từ các địa điểm khác lan tới.
Tuy nhiên, những điểm an toàn nhất để tránh chiến tranh hạt nhân có thể là nơi trú ẩn cho hàng nghìn người là các boongke hạt nhân được xây dựng rải rác trên khắp nước Mỹ. Một vài siêu boongke là địa điểm tối mật.
Một trong những boongke đó là căn cứ Không quân Núi Cheyenne rất lớn dưới lòng đất ở bang Colorado. Căn cứ này được đào sâu bên trong lòng một ngọn núi và mọi loại tên lửa cũng không thể xuyên phá. Nơi đây từng là tổng hành dinh của Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) nên rất kiên cố và chắc chắn sẽ sống sót qua một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Căn cứ Không quân Núi Cheyenne
Hiện, ngành xây dựng kinh doanh boongke hạt nhân ở Mỹ cũng đang bùng nổ sau khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang dữ dội kể từ tuần trước, khi Hải quân Mỹ bắn 59 tên lửa Tomahawk vào một căn cứ quân sự Syria với cáo buộc chính quyền Assad dùng vũ khí hóa học giết hại dân thường.
Động thái của Mỹ dấy lên quan ngại rằng, Triều Tiên sẽ là mục tiêu oanh tạc tiếp theo khi đích thân một người con trai của Tổng thống Trump cũng tuyên bố như vậy.
Một boongke hạt nhân ở Texas
Chính quyền Trump đã cảnh báo rằng, "chính sách kiên nhẫn" với Triều Tiên đã kết thúc và điều một hạm đội tác chiến tàu sân bay, do tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson dẫn đầu tới bán đảo Triều Tiên.
Nhiều tin đồn nổi lên cho rằng Tổng thống Donald Trump sẽ ra lệnh oanh tạc Triều Tiên vào cuối tuần này trong bối cảnh Bình Nhưỡng thông báo đang "chuẩn bị cho một sự kiện lớn", có thể là một vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Các tàu chiến của Mỹ đã vào vị trí, trong đó 1 chiếc nằm cách bãi thử hạt nhân của Triều Tiên chỉ khoảng 480 km. Ngoài ra, các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ tại Guam cũng đã sẵn sàng tấn công nếu cần thiết.
Động thái trên khiến Triều Tiên "nổi đóa". Bình Nhưỡng cảnh báo nước này sẽ phát động một cuộc tấn công tàn khốc nếu các tàu chiến Mỹ có hành động khiêu khích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.