Trung Quốc sẽ “nhắm mắt làm ngơ” vụ Triều Tiên thử hạt nhân?

Phương Đăng (tổng hợp) Thứ năm, ngày 07/01/2016 19:24 PM (GMT+7)
Các chuyên gia quan hệ quốc tế nhận định, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đồng minh ruột Triều Tiên đang ngày càng yếu đi. Và vì một số lý do, Bắc Kinh sẽ “nhắm mắt làm ngơ” vụ Triều Tiên thử hạt nhân ngày 6.1.
Bình luận 0

Trung Quốc bất lực trước tham vọng hạt nhân của Triều Tiên

Channel News Asia dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ không đưa ra hành động đáp trả quyết liệt và mạnh mẽ để trừng phạt đồng minh ruột sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch.  

Thậm chí, kể cả khi Bắc Kinh viện đủ mọi phương tiện để gây sức ép mạnh hơn, nhằm kìm chế tham vọng hạt nhân của đồng minh ruột, nhiều khả năng Bình Nhưỡng cũng sẽ không chịu khuất phục.

img

Người dân Triều Tiên vỗ tay hoan hô khi xem bản tin thông báo nước này thử thành công bom nhiệt hạch sáng 6.1.

Các chính phủ trên toàn thế giới lâu nay vẫn tin rằng, “gã khổng lồ châu Á” có năng lực kìm chế các hành động khiêu khích, liều lĩnh của Triều Tiên, nước láng giềng và cũng là đồng minh ruột của họ.

Niềm tin này dựa trên sự phụ thuộc của Triều Tiên vào nguồn viện trợ kinh tế kếch xù từ Trung Quốc cũng như sự hậu thuẫn lớn về mặt chính trị mà Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng.  

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã thay đổi và Bắc Kinh ngày càng trở nên bất lực trước tham vọng hạt nhân của đồng minh ruột.

img

Quan hệ Trung - Triều bắt đầu rạn nứt kể từ khi ông Kim Jong-un (phải) lên nắm quyền cuối năm 2011. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa từng tới thăm Bắc Kinh. Trong khi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) cũng chưa một lần công du Bình Nhưỡng dù đã tới thăm Seoul.

Mối quan hệ từng được ví von là “gần gũi, khăng khít như răng và môi” hay “môi hở răng lạnh” giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã rạn nứt kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên cầm quyền, thay người cha quá cố của ông chèo lái đất nước cuối năm 2011. Không như cha mình, trong 4 năm cầm quyền, ông Kim Jong-un vẫn chưa một lần sang thăm Bắc Kinh.

Tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cử nhóm nhạc nữ Moranbong sang Trung Quốc biểu diễn với mục đích đầu là nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Tuy nhiên, ban nhạc Moranbong đã bất ngờ hủy tour diễn, lập tức đáp máy bay về nước ngay trước buổi công diễn đầu tiên tại Bắc Kinh. Sự kiện này đã khiến quan hệ Trung – Triều trở nên “băng giá” hơn.

Và chỉ 4 ngày sau đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt bút ký lệnh cho phép “khởi đầu năm 2016 bằng âm thanh vang dội của một vụ nổ bom nhiệt hạch đầu tiên”.

“Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên đang ngày càng trở nên yếu đi. Nguyên nhân chính là do giới lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng không còn nghe lời (Bắc Kinh) nữa”, ông Zhu Feng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định.

Theo ông Zhu, Bình Nhưỡng có thể cho rằng, Bắc vốn đang quá bận rộn và đang phải đau đầu tập trung giải quyết căng thẳng ở  Biển Đông với các nước láng giềng khác cũng như Mỹ, sẽ “nhắm mắt làm ngơ” các động thái của họ.

Chuyên gia này nhận định, mặc dù có vẻ bị sốc trước tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên, Trung Quốc vẫn chỉ phản ứng mạnh… bằng ngôn từ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chỉ đưa ra tuyên bố suông để phản đối động thái của Bình Nhưỡng và một lần nữa, kêu gọi các bên nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên vốn đã bị đình trệ lâu nay.

Các bài bình luận trên báo chí chính thống của Trung Quốc cũng chỉ lên án và chỉ trích vụ thử hạt nhân của Triều Tiên chứ không yêu cầu Bắc Kinh phải có hành động trừng phạt thích hợp nhằm răn đe đồng minh ruột khó lường này.

Cụ thể, một bài xã luận được tờ báo chính thống China Daily đăng tải hôm nay lên án vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng là hành động “nguy hiểm, thiếu thận trọng và vô trách nhiệm”, song nhấn mạnh, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cần được giải quyết bằng “sự sáng suốt và quyết định tập thể” của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, bài xã luận cũng không hề đề cập đến các bước phản ứng tiếp theo mà chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra.

Trung Quốc sợ Triều Tiên sụp đổ hơn có vũ khí hạt nhân

Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch thành công chỉ  2 ngày trước sinh nhật của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Động thái này nhiều khả năng sẽ khiến nước này phải trả giá đắt do bị Liên Hợp Quốc áp đặt thêm hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn.

img

Người dân Hàn Quốc xem bản tin về việc Triều Tiên thử hạt nhân qua màn hình TV công cộng gần một nhà ga ở Seoul ngày 6.1.

Nước này đã hứng một loạt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc sai 3 vụ thử hạt nhân trước đó vào năm 2006, 2009 và 2013.

Tuy nhiên, Trung Quốc – một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc luôn nhấn mạnh rằng, đối thoại là cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và hạn chế các hành động khiêu khích khó lường của Bình Nhưỡng.

Ông Yanmei Xie, một chuyên gia cao cấp của trung tâm phân tích Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhấn mạnh, động thái của Trung Quốc phản ánh, mục tiêu cơ bản nhất mà nước này theo đuổi là duy trì chế độ Bình Nhưỡng.

Sự sụp đổ của Triều Tiên được cho là sẽ tạo ra cơn ác mộng tồi tệ với Trung Quốc. Bắc Kinh vốn xem Triều Tiên là vùng đệm quan trọng, che chắn cho Trung Quốc khỏi viễn cảnh bị quân đội Mỹ áp sát sườn. Đồng thời, Bắc Kinh cũng quan ngại viễn cảnh làn sóng người tị nạn Triều Tiên đổ vào biên giới Trung Quốc trong trường hợp chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ.

“Trung Quốc muốn duy trì chế độ Bình Nhưỡng bằng cách viện trợ nhiên liệu, lương thực… hậu thuẫn về mặt ngoại giao. Đối với Bắc Kinh, viễn cảnh Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là đáng lo ngại. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Bình Nhưỡng còn khiến nước này e ngại hơn”, ông Yanmei Xie nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem