Vụ ám sát đại sứ Nga: Mỹ mất mát lớn nhất

Phương Đăng Thứ tư, ngày 21/12/2016 14:17 PM (GMT+7)
Khi sát thủ mặc vest đen thắt cà vạt lịch lãm giơ súng bắn chết Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20.12, nó lập tức gióng lên hồi chuông báo động toàn cầu. Nhiều người thậm chí nghĩ đến những hậu quả khủng khiếp nhất khi vụ việc có nhiều điểm tương đồng vụ ám sát hoàng tử nước Áo Franz Ferdinand, châm ngòi cho Thế chiến I.
Bình luận 0

img

Hiện trường vụ ám sát Đại sứ Nga Andrey G. Karlov tại một bảo tàng nghệ thuật ở Ankara

Không ít người đã nhanh chóng dự đoán vụ ám sát Đại sứ Nga Andrey G. Karlov sẽ thổi bùng lên cuộc khủng hoảng mới, thậm chí xung đột vũ trang giữa các đối thủ lâu năm, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai nước đã trở mặt với nhau trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Syria, trong đó, cao trào của căng thẳng diễn ra vào tháng 11.2015 khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga đang tham gia chiến dịch ném bom trên không chống lại các nhóm khủng bố và quân nổi dậy Syria.

Vài tháng sau sự cố trên, Moscow và Ankara đã giải quyết được căng thẳng, bắt đầu bắt tay nhau trở lại khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến công du tới thăm lẫn nhau, vụ ám sát Đại sứ Andrey G. Karlov lại xảy ra, và có nguy cơ hủy hoại quan hệ song phương mà 2 nước ra sức vun đắp.

Tuy nhiên, vài giờ sau vụ ám sát ông Karlov, không có bất cứ cuộc chiến tranh nào bùng bổ. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đều lên tiếng khẳng định sự đoàn kết của họ.

img

Cho đến thời điểm này vụ ám sát đại sứ Nga đã không phá hủy quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ như nhiều người quan ngại

Cả ông Erdogan và Putin đều lên án vụ tấn công là "hành động khiêu khích", được thiết kế để phá hoại quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 20.12, một Hội nghị thượng đỉnh cấp cao giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran về cuộc chiến ở Syria vẫn diễn ra ở Moscow như đã lên kế hoạch. Theo đó vụ ám sát gây sốc đối với cả thế giới và được xem là phép thử quan hệ Nga - Thổ đã thất bại, mối quan hệ giữa 2 nước đã không vì vụ việc trên mà rạn nứt.

Cho đến nay, cả Moscow và Ankara đều đang nỗ lực để xử lý tình huống và gửi đi những tin hiệu về sự hợp tác. Giải thích về những gì đã xảy ra, họ chỉ ngón tay về phía những kẻ thù chung, chứ không phải về phía nhau.

Giải thích về việc này, Aaron Stein, một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Đại Tây Dương bình luận: "Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga để thúc đẩy những lợi ích chiến lược của họ tại Syria. Nga cũng cần Thổ Nhĩ Kỳ để giành chiến thắng, vì họ xác định phải trở thành người thắng cuộc ở Syria. Đôi bên đều có một động cơ để xử lý việc này (vụ ám sát) một cách cẩn trọng". Theo đó, ông Stein dự đoán rằng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận bằng cách tập trung tấn công giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc là kẻ chủ mưu vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ mùa hè này.

Gulen đã bác bỏ mọi cáo buộc và Mỹ đã từ chối dẫn độ ông này với lý do Thổ Nhĩ Kỳ thiếu chứng cứ xác thực. Điều này đã phá hủy mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đáng nói là, căng thẳng với Mỹ lại cũng giúp ông Erdogan gia tăng sự ủng hộ của dư luận trong nước, vốn không ưa Mỹ.

 "Kẻ mất mát lớn nhất ở đây sẽ là Washington. Điều này nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng chính xác đó là Washington", ông Stein nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem