Cả làng treo ảnh xạ thủ Hoàng Xuân Vinh

Ngọc vũ Chủ nhật, ngày 29/01/2017 18:08 PM (GMT+7)
Ngay sau khi xuất sắc giành Huy chương Vàng Thế vận hội Olympic Rio, Brazil, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã vinh quy bái tổ ở làng Đình Tộ (Quảng Trị). Có lẽ vùng quê yên bình này đã tạo nên sự điềm tĩnh cho từng phát súng của anh.
Bình luận 0

Đình Tộ là tên ngôi làng khi xưa, thuộc xã Cam Giang, huyện Cam Lộ. Còn nay, làng Đình Tộ trở thành khu phố 6, phường Đông Giang, TP.Đông Hà. Ngôi làng có bề dày hơn 500 năm lịch sử này là quê gốc của Hoàng Xuân Vinh. Theo chân Hoàng Xuân Vinh về quê làng Đình Tộ, chúng tôi có cảm giác dường như nơi yên bình này đã khiến cho tính cách xạ thủ số 1 thế giới điềm đạm, dễ mến. Người ở đây, khi tham gia cách mạng thì sôi nổi, nhiệt huyết, còn khi sản xuất, đồng áng thì điềm đạm, chắc chắn vô ngần. Cả làng làm nghề nông, khi nghe có xạ thủ về, nhiều người đã bỏ cả việc đồng ánh để gặp thần tượng.

img

Mỗi lần về quê, vợ chồng anh Hoàng Xuân Vinh đều vui vẻ, tình cảm với họ hàng, chòm xóm.  Ảnh; N.V

Ông Hoàng Phúc (64 tuổi, trú làng Đình Tộ, gọi Hoàng Xuân Vinh là anh con ông bác) cho biết, gia đình anh Vinh nhiều đời theo cách mạng. Ông nội anh Vinh xưa kia đã bỏ ruộng nương, nhà cửa lên chiến khu Ba Lòng (ở huyện miền núi Đakrông) vào năm 1930. Cụ thân sinh của anh Vinh là Hoàng Công Quang nay tuổi ngoài 80 cũng là bộ đội công binh, có nhiều công lao với đất nước. “Thời kháng chiến, nhiều thanh niên của làng nhập ngũ đánh giặc. Nhưng bắn giỏi như chú Vinh thì không ai địch nổi. Cứ mỗi lần chú kéo cò là có ngay điểm 10, đúng là thiện xạ”- ông Phúc phấn khởi. 

img

Giây phút vỡ òa hạnh phúc của Vinh sau màn trình diễn siêu đẳng tại Olympic  2016.   Ảnh:  V.N

Khi chúng tôi đến, ông Hoàng Văn Thí, trưởng họ Hoàng (70 tuổi, trú làng Đình Tộ)  đang cắt mấy tấm hình của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh để treo vào lồng kính.  Ông nói, tết này, trong mỗi mâm cơm, bàn tiệc mừng năm mới, mọi người từ già đến trẻ đều nhắc nhớ đến Vinh với niềm tự hào khó tả. Bởi sự kính trọng ấy mà hầu hết gia đình trong làng đều treo ảnh Hoàng Xuân Vinh. Gia đình tôi cũng thế. 

Theo ông Thí, làng Đình Tổ đến nay có 19 đời con cháu họ Hoàng, trải qua 500 năm lịch sử. Ông nội của xạ thủ Vinh năm xưa đi tập kết ra Bắc rồi sinh ra các thế hệ sau. Trong dòng họ, không ai theo nghề bắn súng, có lẽ Vinh là một trường hợp đặc biệt.

img

Đặt tay lên trái tim mình và lần đầu tiên Quốc ca Việt Nam được cất lên hào hùng tại một
kỳ Thế vận hội. Ảnh:  I.T

Nhắc lại giây phút Hoàng Xuân Vinh giành tấm Huy chương Vàng lịch sử cho thể thao Việt Nam, ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kể lại: “Nghe tin xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vào chung kết, tôi đã bật ti vi lên xem trực tiếp. Và khi anh ấy bắn phát súng vào vòng 10, trái tim tôi như muốn nổ tung vì hạnh phúc. Tự hào lắm, sung sướng lắm, khó lời nào diễn đạt được. Cả nước vỡ òa, quê hương Quảng Trị tự hào về anh. Thế hệ trẻ hãy noi gương anh Vinh để cố gắng trở thành nhân tài cho đất nước”.

Chia sẻ với PV NTNN, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cho biết, trong niềm vui giành Huy chương Vàng anh luôn nghĩ đến cội nguồn, quê hương. “Không sinh ra ở mảnh      đất này nhưng đây là quê cha đất tổ, dòng máu Quảng Trị anh hùng luôn chảy trong người tôi”.  Anh chia sẻ. dù đi đâu, làm gì, thành công đến mức nào cũng luôn nhớ về quê hương Quảng Trị, mảnh đất anh hùng, thiêng liêng.

 Với thành tích 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, Hoàng Xuân Vinh đã đưa thể thao Việt Nam lên vị trí thứ 48/206 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Thế vận hội Olympic Rio, Brazil 2016.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem