Chân đế vững chắc của thể thao Singapore

Đức Hiếu – Lê Đức (từ Singapore) Thứ năm, ngày 04/06/2015 08:11 AM (GMT+7)
Trong khi ở Việt Nam, thể thao trường học vẫn là “vùng trắng”, thì với Thái Lan, Malaysia, Singapore… họ lại dồn nhiều tâm huyết về vật chất và tinh thần để giúp thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện. Với riêng Singapore, đây được coi là “chân đế” vững chắc không chỉ cho thể thao đỉnh cao, mà còn là sức bật cho cả nền kinh tế đảo quốc sư tử…
Bình luận 0

Trăn trở của một người cha

Theo lời chỉ dẫn của bạn Nguyễn Hoài Sơn – sinh viên khoa Anh văn, Trường Đại học James Cook (JCU), chúng tôi tìm đến Trường cấp 3 Dunman nằm cách Khu liên hợp thể thao Sports Hub khoảng 10 phút di chuyển bằng xe bus.

Đó là một không gian rất yên tĩnh với nhiều cây xanh, dễ liên tưởng tới một khu huấn luyện thể thao cấp cao. Trong sân vận động và quanh khuôn viên trường, những công nhân người Bangladesh đang miệt mài cắt tỉa những thảm cỏ xanh mướt.

Anh Rasal (35 tuổi) cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi làm việc từ 7-8 tiếng và công việc chỉ đơn giản là dùng máy cắt cỏ làm đẹp mặt sân vận động và khuôn viên trường. Mặt cỏ tốt sẽ giúp học sinh chơi thể thao mà tránh được những chấn thương. Mỗi ngày làm, chúng tôi nhận được 25 đô la Singapore (khoảng 40.000 đồng), và chừng đó là rất khó khăn để sống trong điều kiện sinh hoạt đắt đỏ ở đây”.

img
Chị Catherina cùng 2 con trải nghiệm cảm giác là VĐV bóng bàn ở Khu liên hợp thể thao Sports Hub. Ảnh: L.Đ

Anh Rasal cùng các bạn của mình đã sang đảo quốc sư tử được 4 năm: “Những ngày đầu làm việc ở Singapore, thậm chí chúng tôi còn dùng bữa ngay dưới lòng đường. Đến đêm, cố gắng tìm một chỗ vắng vẻ để đặt lưng trước khi chuẩn bị cho ngày làm việc thứ 2”.

Mệt mỏi là thế, nhưng 4 năm qua, Rasal vẫn gắn bó với công việc cắt cỏ tưởng như rất nhàm chán này, vì sao vậy? “Hàng ngày được nhìn các cô cậu học sinh tung tăng tới trường học, được chơi thể thao trong một môi trường tuyệt vời như này, tôi nhớ con tôi đang ở quê hương. Chăm sóc các mặt cỏ giúp tôi có cảm giác như mình được chăm sóc những bạn nhỏ đồng lứa với con tôi vậy. Bao giờ ở Bangladesh, các cháu mới được phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ như ở đây?” - Rasal nói, cặp mắt đỏ hoe.

Chơi thể thao mọi lúc, mọi nơi

Câu hỏi mang theo ước mơ, niềm trăn trở của anh Rasal có lẽ cũng là ước mơ của những phụ huynh tại Việt Nam. Không chỉ ở Singapore, ở những nước Đông Nam Á mà phóng viên thể thao Báo NTNN từng có dịp đến công tác như Thái Lan, Malaysia… đều dễ nhận thấy việc thể thao học đường được đầu tư rất kỹ lưỡng. Từ thể thao học đường, những người làm thể thao thành tích cao sẽ chọn ra được những nhân tố xuất sắc có thể đăng quang ở SEA Games, ASIAD và thậm chí là Olympic.

Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở vật chất, dụng cụ, trang thiết bị thể thao của Trường cấp 3 Dunman thực sự khiến nhiều người phải mơ ước. Từ ngoài vào là sân vận động với thảm cỏ tuyệt vời. Kế bên là sân chơi bóng rổ, máy tập thể lực, tiếp đến là nhà thi đấu bóng bàn, bể bơi…

Tất cả đều rất tuyệt vời: “Từ cách đây gần chục năm, Bộ Giáo dục Singapore đã đầu tư gần 700 triệu USD cho thể thao trường học. Không chỉ trường tôi, mà nhiều trường trung học, cấp 3 khác cũng được trang bị đầy đủ. Với cơ sở vật chất như vậy, các em học sinh sẽ được thoải mái chọn môn thể thao mà mình thích” - thầy giáo dạy thể chất Swandi nói.

Một điều cấm là chúng tôi chỉ được nhìn ngắm các cơ sở vật chất trong trường Dunman chứ không được chụp ảnh. “Chúng tôi không muốn các học sinh của mình có cảm giác họ được báo chí để ý đến. Với học sinh Singapore, chơi thể thao trước hết chỉ là một cách giải trí, rèn luyện sức khỏe mà thôi” - thầy Swandi bày tỏ thêm.

Thực tế, trong những ngày ở Singapore, chúng tôi ghi nhận được cảnh rất nhiều phụ huynh cho con em mình tới Khu liên hợp thể thao Sports Hub để trải nghiệm cảm giác mình chính là một VĐV thi đấu SEA Games ở các môn điền kinh, golf, bóng bàn, boxing…

Mắt dõi theo 2 con trai Saifun (8 tuổi) và Bakhair (6 tuổi) được các tình nguyện viên tập dượt các động tác cơ bản của môn bóng bàn, chị Catherina tâm sự: “Các con tôi đã được làm quen với môn bóng bàn từ trong trường học. Như mọi người Singapore khác, hàng ngày, đặc biệt trong dịp nghỉ hè, tôi cùng chồng và 2 con vẫn thường cùng nhau đạp xe quanh các đường phố vắng".

"Đó là cách rèn luyện sức khỏe rất tốt. Chúng tôi rất vui khi SEA Games được tổ chức trên đất nước mình. Các con tôi sẽ được thầy cô chúng dẫn tới các nhà thi đấu dạy lý thuyết thể thao, giúp chúng hiểu rõ về tinh thần, vẻ đẹp của thể thao cao thượng cũng như giới thiệu những tấm gương VĐV với ý chí, lòng quả cảm, quyết tâm thi đấu mang vinh quang về cho đất nước”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem