EURO, mạng xã hội và sự phân tán quyền lực

Tri Thức Thứ bảy, ngày 11/06/2016 17:05 PM (GMT+7)
Khi mà mạng xã hội lên ngôi, bóng đá, hay cụ thể ở đây là EURO 2016, không chỉ còn đơn thuần là những trận đấu được trực tiếp trên sóng truyền hình nữa, mà giờ đây phân tán, chia sẻ theo những hướng hoàn toàn mới.
Bình luận 0

Rạng sáng nay, “hội vua EURO 2016” đã khai mạc. Những háo hức, hồi hộp, âu lo rồi cũng nhường chỗ cho sự hân hoan tạm thời, khi “Gà trống” Pháp cất tiếng gáy vào phút chót, kiếm 3 điểm nhọc nhằn trước đối thủ ít tên tuổi Romania. Thông tin, hình ảnh, video clip… về trong, ngoài EURO 2016 ào ạt xuất hiện. Liên tục, cập nhật, đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là trên mạng xã hội – nơi mỗi công dân đều có thể trở thành nhà sản xuất tin tức, hình ảnh, clip (thậm chí trực tiếp), chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet.

img

Ảnh nhỏ: nhà báo Tri Thức. Ảnh lớn: Siêu phẩm của Payet trong trận Pháp vs Romania 2-1

Khán giả Việt Nam cũng không nằm ngoài nhịp sống ấy, mặc cho họ không được xem trực tiếp từ Pháp. Hôm nay, không ai thống kê, nhưng tôi dám chắc một điều, rất nhiều người xem trực tiếp trên tivi, nhưng tay lăm lăm chiếc smartphone, liên tục thao tác để cập nhật thông tin đa chiều, để trực tiếp chia sẻ trạng thái (status), nêu quan điểm của mình, bình luận về trận đấu, về đội ngũ bình luận viên…

Mạng xã hội đã khiến quyền lực của truyền thông bị đe doạ, phân tán. Bóng đá cũng chung số phận ấy, dù 4 năm mới có 1 kỳ EURO, 4 năm World Cup mới diễn ra một lần… Và báo chí truyền thông buộc phải thay đổi, để tiếp cận công chúng. Riêng tại Việt Nam, một dự báo được đưa ra là đến năm 2018, số người dùng smartphone sẽ lên tới 70%, thậm chí có người dùng 2-3 máy. Thiết bị di động thông minh, mạng Internet là nền tảng căn cốt cho ra đời  mạng xã hội và giúp nó bùng nổ, chi phối, chiếm lĩnh đời sống của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Báo chí phải thay đổi. Bóng đá cũng phải thay đổi. Rạng sáng nay, có bao nhiêu người hâm mộ Việt Nam còn chú tâm, dán mắt vào màn hình xem mọi diễn biến, tình huống của trận đấu nữa. Bởi họ thường xuyên lướt mạng, tranh thủ đọc báo, với ào ạt những thông tin được cập nhật liên tục, đặc biệt từ mạng xã hội, với những stutus, những like, comments cùng những biểu hiện cảm xúc trên màn hình smartphone. Sự phân tâm do mạng xã hội ấy khiến bóng đá mất đi phần nào sức thu hút, sự chú ý, cuốn hút của người xem. Muốn lấy được lòng công chúng, không cách gì là chơi hay, chơi đẹp, là có những trận cầu căng thẳng, cuốn hút, kịch tính, với những bàn thắng đẹp, những diễn biến bất ngờ, mê hoặc… Để họ buộc phải dán mắt vào màn hình, phải dõi theo từng phút giây để không bỏ lỡ từng pha bóng hay, mỗi bàn thắng đẹp…

Nhưng cũng trong ngày hôm nay, chỉ vì thông tin trên báo El Diario cáo buộc thủ môn số 1 đội tuyển Tây Ban Nha liên quan vụ xâm hại tình dục tại Madrid cùng đồng đội cũ ở đội U21, De Gea đã phải tổ chức họp báo để phân trần, thanh minh rằng mình không liên quan đến vụ việc , và sẽ cùng đội tuyển “bò tót” thi đấu hết EURO 2016. Quyền lực ấy, khiến báo chí cho dù bị chao đảo bởi mạng xã hội, vẫn chứng tỏ giá trị, vị thế chính thống của mình. Mạng xã hội khiến quyền lực truyền thông bị phân tán, chia sẻ. Nó cũng khiến người xem bóng đá bị phân tâm, ví như không phải ai cũng có cơ hội xem trực tiếp tuyệt phẩm của Dimitri Payet – cầu thủ đang khoác áo đội bóng hạng trung West Ham ở Giải Ngoại hạng – giúp đội chủ nhà có chiến thắng trong trận khai mạc.

Dù thế nào, EURO cũng đã khởi đầu suôn sẻ. Và chắc chắn, mạng xã hội với hàng tỷ nhà sản xuất tin tức vẫn đồng hành cùng trái bóng trên đất Pháp, tạm xa những âu lo khủng bố, tắc đường, đình công…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem